Du lịch vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) vừa bước qua một năm không ít khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến lượng khách đến tham quan, lưu trú sụt giảm.
Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực “kích cầu”, “cao nguyên trắng” đã được vực dậy, tự tin thành công trong năm 2021.
Nhân Tháng Thanh niên, xin giới thiệu hai gương mặt trẻ “truyền cảm hứng” thúc đẩy phát triển du lịch Bắc Hà.
“Bóng hồng” xinh đẹp cưỡi ngựa không yên
Ở Bắc Hà, khoảng 2 năm trở lại đây, ngoài cuộc “thi tài” của những chàng trai miền sơn cước khỏe khoắn, chân đi dép tổ ong, đầu đội mũ bảo hiểm, cưỡi ngựa không yên cương, còn có sự tham gia đua tài của những “bóng hồng” xinh đẹp. Họ chính là các nữ nài ngựa, những thôn nữ vùng cao thuần phác, giản dị, mang theo sức sống bền bỉ của núi rừng cùng khát vọng chiến thắng chính mình.
Tại một cuộc thi, trò chuyện với thôn nữ trẻ trung, duyên dáng người Tày -Hoàng Thị Tuyệt ở thôn Tả Hồ, xã Tà Chải, được biết, đây là nữ nài ngựa đầu tiên tham gia giải đua ngựa truyền thống mở rộng lần thứ 14, được ví như người “truyền cảm hứng” để đua ngựa truyền thống Bắc Hà vươn tầm trở thành “sân chơi không chỉ rành riêng cho nam giới”.
Sự xuất hiện của nữ nài ngựa Hoàng Thị Tuyệt không chỉ tạo nên nét đặc biệt, nét độc đáo riêng có của giải đấu, chị còn là động lực để chị em khác cùng mạnh dạn đăng ký tham gia thi tài.
Cũng từ việc truyền cảm hứng của chị, ngày 21/11/2020, huyện Bắc Hà tổ chức “Giải đua ngựa cấp xã mở rộng lần thứ nhất” nằm trong chuỗi các sự kiện đặc sắc của “Lễ hội mùa đông 2020” nhằm kích cầu du lịch hậu Covid-19, có tới 6 nài ngựa nữ tham gia thi tài, trong đó có Hoàng Thị Tuyệt.
Tuyệt chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất tự hào về nét đẹp truyền thống độc đáo “có một không hai” của quê hương mình. Sau cuộc thi này, mùa giải đua ngựa tới, nhất định tôi sẽ lại tham gia, luyện tập tốt hơn để thi đấu cống hiến, đẹp mắt khán giả. Nếu có dịp, mời các bạn lên Bắc Hà để thấy phụ nữ vùng cao cũng đua ngựa rất hay, cưỡi ngựa cũng rất tài”.
Người nỗ lực lưu giữ tiếng khèn Mông
Đó là chàng trai trẻ Giàng A Hải, dân tộc Mông, sinh năm 1990 với nỗ lực lưu giữ tiếng khèn Mông.
A Hải đã thành lập CLB khèn Mông nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn liền với phát triển du lịch cộng đồng ở Bắc Hà.
Giàng A Hải quê gốc ở xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai), hiện công tác tại Đội Thông tin lưu động Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thông huyện Bắc Hà. Nhiệm vụ chính của A Hải là đưa thông tin về cơ sở, mang lời ca, tiếng hát, bài múa, những tiểu phẩm tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân các xã về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
A Hải được biết đến là người cán bộ văn hóa nhiệt tình, trách nhiệm, một thủ lĩnh Đoàn cơ sở nhiệt huyết. Năm qua, A Hải đã phối hợp tổ chức được 6 hoạt động thiện nguyện hướng về cơ sở, mang “áo ấm mùa đông” đến với đồng bào nghèo vùng cao, tặng sách vở cho học sinh các trường khó khăn; tặng những tấm chăn ấm, gạo, khoai tây giống hay những hộp mì tôm, nhu yếu phẩm thiết yếu như mì chính, nước mắm... cho những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn.
Ngoài công việc chính của mình, A Hải còn đứng ra vận động và thành lập CLB khèn Mông, bước đầu có 34 thành viên với mong muốn “tiếp lửa” văn hóa để thế hệ trẻ người Mông bản địa Bắc Hà biết trân quý, gìn giữ, biến văn hóa dân tộc thành đặc sản tinh thần phục vụ du lịch... Việc làm của Hải nhận được sự quan tâm sâu sắc của Hội Liên hiệp Thanh niên huyện, cấp ủy chính quyền địa phương, cơ sở. Sự tâm huyết của A Hải được nhiều nghệ nhân tin tưởng, ủng hộ, dù đã cao tuổi vẫn nhiệt tình, tích cực truyền dạy các bài khèn, cách trình diễn nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ.
Chia sẻ về nỗ lực bản thân, Giàng A Hải cho biết: “Mình cùng các nghệ nhân đang nỗ lực để CLB ngày càng phát triển, tạo sân chơi lành mạnh giúp các thành viên, các em học sinh người Mông thuần thục các điệu múa, bài khèn. CLB đang mở lớp dạy khèn vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 5 hằng tuần, dự định kéo dài khoảng 9 tháng. Ngoài ra, bọn mình sẽ tuyên truyền các hoạt động của CLB để nhiều người biết đến, giúp các thành viên về lâu dài có thể có thu nhập ổn định từ làm du lịch, gắn bó với du lịch, biến bản sắc văn hóa bản địa thành sản phẩm độc đáo phục vụ du lịch”.
Với sự tâm huyết, phấn đấu của cá nhân, mới đây nhất, Giàng A Hải vinh dự được huyện Bắc Hà tuyên dương “Đảng viên trẻ tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; được tặng Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà về thành tích “Chung sức xây dựng nông thôn mới, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc”.
Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Hà, nhận xét: Những người trẻ như Giàng A Hải, hay cô thôn nữ cưỡi ngựa không yên Hoàng Thị Tuyệt (xã Tà Chải)… được xem là nét mới của du lịch Bắc Hà, tạo tiền đề để nâng tầm các sản phẩm du lịch huyện trong các năm tới.
Việc đưa CLB khèn Mông vào hoạt động giao lưu, biểu diễn, phục vụ khách du lịch chợ đêm thứ Bảy, hay tại các homestay, tạo nên nét riêng, nét đặc sắc của bản Mông. Hay như tổ chức giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, một giải đấu mang tinh thần thượng võ đang được địa phương hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận thành sản phẩm văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, giúp du lịch Bắc Hà thu hút thêm nhiều du khách.
“Trong những ngày đầu tháng 12 này, Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng với Đô thị cổ Hội An tròn 25 năm ngày được Unesco công nhận Di sản văn hóa của nhân loại. Niềm vinh dự này, không phải địa phương nào cũng có được, tôi xin được chia sẻ niềm vui và niềm tự hào này đối với thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên, chúc cho công tác bảo tồn các di sản ngày càng tốt đẹp, đạt được những thành công hơn nữa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nói.
Tối 28/11, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật các tỉnh: Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Lâm Đồng và Hà Tĩnh.