Về Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng (phường Thành Tô, quận Hải An, TP. Hải Phòng) những ngày cận Tết mới thấy những đứa trẻ nơi đây tuy số phận chịu nhiều thiệt thòi nhưng chúng lại đang được sống trong tình yêu thương bao la của cộng đồng.
Tôi có mặt tại Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng đúng lúc nhóm thiện nguyện của Quận đoàn Hải An (TP. Hải Phòng) đang chuẩn bị gói bánh chưng cho trẻ em trong làng đón Tết. Ai ai cũng khẩn trương, vui vẻ và nhiệt tình. Người dỡ lá, người nhóm lửa, người chuẩn bị nồi luộc bánh chưng.
Cô Lương Thị Hảo – Giám đốc Làng nuôi dạy trẻ Hoa Phượng dẫn tôi đi một vòng thăm các gia đình trong làng. Ấn tượng đầu tiên của tôi về không gian nơi đây vô cùng thoáng đãng, với sân chơi đu quay, cầu tụt, sân đá bóng, với những vườn rau tự trồng để lấy rau sạch cho các con ăn.
Cô Hảo dẫn tôi vào thăm hai gia đình Vàng Anh và Vành Khuyên, đây là hai gia đình nuôi dưỡng trẻ khuyết tật trong tổng số 8 gia đình thuộc Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng. Vừa bước đến cửa, bé Hà – một cô bé để mái tóc tém đàn ông lao vội ra ôm chầm lấy cô Hảo và hớn hở khoe sắp Tết rồi.
Cái ôm ấm áp thế này khiến cho mùa đông không còn lạnh giá nữa
Bước theo cô Hảo vào bên trong, tôi suýt không cầm được nước mắt vì thấy các con, đứa ú ớ chào tôi, đứa nằm im bất động, đứa vừa ngủ vừa cười…, tất cả đều nằm trong chiếc giường khóa 4 thành xung quanh để tránh ngã ra ngoài.
Khi tôi ngỏ ý xin chụp một bức ảnh, bé Hà không ngần ngại nở nụ cười tươi rói với tôi như thể cuộc sống này thực quá đáng yêu mặc cho số phận quá thiệt thòi với em. Tôi hỏi Hà: “Sắp Tết rồi, Hà thích gì nhất nào?”, cô bé đáp: “Sắp Tết rồi, mừng tuổi lì xì”. Tôi lại hỏi: “Thế tiền lì xì thì Hà để làm gì?”. Cô bé nói: “Để cho mẹ mua đồ ăn”. Nhìn tôi, Hà lại bảo: “Cô ơi, cô chụp ảnh các cháu à?” và cô bé lại nở nụ cười thật tươi với tôi.
Sau cuộc trò chuyện ngắn với Hà, cô Hảo cho tôi biết các con tuy khuyết tật, bệnh tật bẩm sinh nhưng những bé còn nhận thức được vẫn giúp được mẹ nuôi khá nhiều việc. Nhìn sang gian phòng khách bên cạnh, tôi đã thấy chậu anh đào dựng ở góc phòng bung nở những nụ hoa đầu tiên chuẩn bị đón mùa xuân sang.
Rời gia đình Vành Khuyên, theo chân cô Hảo, tôi sang với gia đình Vàng Anh. Ở đây, mẹ nuôi đang đắp lại chăn cho 4 con, bé bị não úng thủy, bé bị bại não gần như chỉ có nằm im bất động. Mẹ nuôi chia sẻ với tôi: “Cả ngày gần như đóng bỉm cho các con 24/24 giờ. Những lúc khỏe không sao, lúc ốm đau phải đi viện thực không vất vả nào bằng”. Nghe mẹ nuôi ở gia đình Vàng Anh tâm sự, nhìn cảnh các con đứa vắng tình cha, đứa thiếu hơi mẹ, tôi bỗng thấy bản thân mình quá may mắn, các con mình quá đủ đầy.
Tôi ở lại đến chiều muộn khi các con trong làng bắt đầu đi học về. Nhìn nồi bánh chưng bên bếp lửa hồng, không ai bảo ai, chúng rủ nhau quây quần xung quanh. Chắc có lẽ đêm nay phải thức trông bánh chín rồi, đứa nọ rỉ tai đứa kia như thế. Rồi chúng lại ùa ra sân chơi, thấy tôi là người lạ, đứa nào cũng tò mò nhưng ngần ngại không dám hỏi. Đến khi tôi lân la làm quen, chúng mới cởi lòng, đứa hớn hở: “Tết cháu chỉ thích tiền mừng tuổi thôi”, đứa chen ngang: “Tết cháu thích về quê”… Một cái Tết đoàn viên, ấm áp là điều mà bất cứ ai cũng đều mong mỏi. Đặc biệt, với một đứa trẻ mồ côi thì mong ước ấy càng lớn lao biết bao nhiêu.
Rời Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng, trong tâm trí tôi vẫn đọng lại biết bao cảm xúc. Tôi chỉ muốn dành lời cảm ơn chân thành nhất đến những người đã và đang làm việc thiện tích đức cho đời, họ đã dành làm những việc mà rất nhiều người “ngại”. Thầm chúc cho Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng sẽ là cái nôi, là điểm tựa cho nhiều số phận nghiệt ngã nương nhờ.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.