Hà Tĩnh, vùng đất “chảo lửa, túi mưa”, nơi mà thiên tai, bão lụt đã trở thành… “đặc sản”, thì làm báo ở đây cũng lắm vất vả, gian nan.
Với tôi, mỗi chuyến về với bà con vùng lũ trở thành những trăn trở khó quên trong nghề báo.
Sống động thước phim Nghề báo
Còn nhớ, năm 2013, trận lũ lịch sử càn quét, tàn phá khiến nhiều địa phương ở Hà Tĩnh ngập chìm trong biển nước. Sau khi nhận được thông tin và chỉ đạo của Ban biên tập, chúng tôi bắt đầu hành lý, máy móc, phương tiện lên đường đến với bà con vùng lũ.
Điểm đến đầu tiên là “rốn lũ” Hương Khê, huyện miền núi nằm phía Tây Nam tỉnh Hà Tĩnh. Trong lũ dữ, toàn huyện có 16 xã với hơn 10 nghìn hộ dân bị ngập, trong đó, 9 xã bị cô lập hoàn toàn, hơn 2 nghìn ngôi nhà ngập trên 2m... Các xã Hà Linh, Phương Điền, Hòa Hải, Phương Mỹ, Lộc Yên… được xem là “rốn lũ”, muốn vào được đây phải đi bộ và đi thuyền mất nửa ngày.
Ngồi trên chiếc thuyền nhỏ nhìn quanh bốn bề chỉ thấy nước, những con đường, đồng ruộng nằm dưới bể nước mênh mông. Trên người cánh phóng viên là máy ảnh, máy tính, chỉ cần một chút sơ suất nhỏ là có thể ngã xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy đục ngầu ấy bất cứ lúc nào.
Khi chứng kiến hình ảnh những cụ già tuổi đã gần đất xa trời, những em bé đang tuổi bi bô phải ngồi trên chạn, trên nóc nhà giơ những cánh tay yếu ớt báo hiệu vẫn còn sự sống, lòng tôi thấy thương cảm vô cùng. Và cũng thật sự cảm kích trước sự xông pha, vất vả, hết lòng của lực lượng công an, bộ đội, biên phòng Hà Tĩnh khi cố tìm cách tiếp cận vùng lũ, trao tận tay bà con gói mì, lương khô, nước uống...
Cả một ngày quần quanh hiện trường vùng lũ, cố gắng ghi lại hết những hình ảnh, tâm tư, nguyện vọng của bà con, cố gắng xoay xở tìm cách chuyển tải nội dung tin, bài, ảnh đầu tiên về tòa soạn một cách nhanh nhất, sâu sát thực trạng khó khăn nơi đây. Ngày hôm đó tôi ăn đúng một gói mỳ tôm sống do một anh bộ đội huyện đi cùng đoàn phòng chống thiên tai dành cho. Có lẽ, trong lúc ấy, mới thấm thía nỗi thống khổ của người dân nơi vùng “rốn lũ”, thiếu ăn, thiếu nước, hiểm nguy rình rập.
Rời vùng lũ Hương Khê, về đến thành phố đã hơn 22 giờ, trời mưa to, gió quật liên hồi, cây cối nghiêng ngả, bụng đói cồn cào, người nhem nhuốc bùn đất, nhưng nghĩ đến cảnh bà con đang oằn mình nơi vùng lũ, lòng lại không yên, trăn trở cả đêm không tài nào chợp mắt. Những hình ảnh ghi nhận trong ngày cứ như thước phim quay chậm sắp xếp hiện rõ trong suy nghĩ, lại mở máy, bút sổ ra ghi chép, hồi tưởng từng nét mặt, nụ cười của các em bé còn chưa biết ngày mai sẽ no đói ra sao…, rồi gục trên bàn lúc nào không hay biết. Ngày hôm sau, lại tiếp tục lên đường đến với vùng lũ khác.
Gần 1 tháng bám sát thông tin lũ lụt, tôi tận mắt chứng kiến những khuôn mặt ngơ ngác, bàng hoàng của người dân trở về sau lũ. Những cánh đồng trơ trọi, xác xơ nhuốm một màu đất bùn vàng sệt, người dân khẩn trương giúp nhau thu dọn, sửa sang lại nhà cửa và cố lần tìm trong bùn đất, vớt vát chút tài sản đổ nát sau lũ, nghe thấy những tiếng khóc ai oán, bi ai kêu gọi người thân mất mát trong lũ… khiến tôi không cầm được nước mắt, trăn trở, xót xa vô cùng.
Hạnh phúc luôn là một hành trình
Sau chuyến đi ấy, nhiều tin, bài, ảnh như phóng sự “Chuyện kể ở vùng lũ”, “Miền Trung lũ chồng lũ”, “Nước mắt người dân vùng lũ”, “Người dân vùng lũ cần lắm những tấm lòng”… được Ban biên tập và độc giả đánh giá cao, nhờ đó mà có thêm nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kết nối để cùng chung tay hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.
Cũng chính những trải nghiệm khi đi làm tin lũ lụt cũng giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp sau này. Điều tiên quyết là phải hiểu rõ địa bàn qua các lần tác nghiệp, hoặc thăm dò tình hình trước khi quyết định tiếp cận vùng ngập lũ; phải xác định rõ muốn đến được cần đi bằng đường nào, ở đó đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, cứu hộ cứu nạn hay chưa?
Trước một số hung tin về đồng nghiệp đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tác nghiệp nơi vùng lũ, cũng có những khi người thân hết sức lo lắng vì phận gái bôn ba. Nhưng niềm say mê yêu nghề luôn thúc giục bước chân không ngừng nghỉ, luôn sẵn sàng xông pha nơi khó khăn nhất, đem đến những thông tin sát thực nhất và chỉ mong dân bớt khổ, vượt qua thiên tai, hoạn nạn. Cực khổ thế nhưng đó lại là niềm vui, niềm hạnh phúc của nghề báo khi thực hiện được điều gì đó có ích cho xã hội, yêu nghề và viết vì cuộc sống, vì hiện thực.
Khi đi vào vùng tác nghiệp bão lũ, sẽ không có điện, nên trước khi lên đường phải sạc đầy pin cho các thiết bị như laptop, điện thoại, máy ảnh. Khi tác nghiệp gặp mưa lớn, gây mất an toàn cho phương tiện tác nghiệp (máy ảnh) thì sử dụng điện thoại di động (đa năng, chất lượng) để quay phim, chụp ảnh, vừa tiện lợi, vừa có thể chuyển ngay thông tin, hình ảnh về tòa soạn một cách nhanh nhất.
Hầu hết các vùng rốn lũ đều ngập sâu, có những thôn, vùng ngập từ một mét đến vài mét là chuyện thường. Muốn tiếp cận được các hộ dân để nắm bắt tình hình, thông tin, hình ảnh, bản thân phóng viên đều phải lội đi, hoặc đi bằng xuồng, thuyền, khó lường trước những hiểm nguy. Nhưng hơn ai hết, phóng viên phải tự bảo vệ an toàn tính mạng và các phương tiện tác nghiệp để có được thông tin chính xác, hình ảnh sinh động, lột tả được sự gian khổ, nguy hiểm của người dân vùng bị ngập sâu.
Điều tôi thấy thích nhất ở nghề báo, đó là sự trải nghiệm qua những khó khăn, vất vả trong mỗi chuyến đi, những hoàn cảnh tác nghiệp khác nhau, càng đi nhiều, vốn sống càng dày, sự trải nghiệm càng lớn và cuộc sống nhờ đó mà có nhiều màu sắc hơn.
Trong chặng đường làm báo, có muôn vàn bài học về nghề mà chỉ có “trường đời” chứ không trường lớp nào dạy được. Tôi luôn tâm niệm một điều: Mình gốc từ nông dân ra, cho nên đề tài lớn nhất của mình là cuộc sống của người nông dân, luôn hướng ngòi bút mong cho người dân bớt khổ nghèo, ngày càng có cuộc sống no ấm, đủ đầy và hạnh phúc. Và khi có đủ niềm tin, nhiệt huyết, chăm chỉ, trách nhiệm với công việc thì mọi khó khăn chỉ là chuyện nhỏ. Vì thế, những tình cảm của người nông dân chân chất ở vùng quê “chảo lửa, túi mưa” Hà Tĩnh luôn là nguồn động lực, đề tài vô tận trong mỗi sản phẩm báo chí của tôi, để tôi cố gắng nhiều hơn, để thấy rằng nghề báo vất vả, hiểm nguy nhưng cũng có niềm vui riêng, muốn thành công cần lắm “lửa” say mê và cái Tâm của người cầm bút.
Chợt nhớ câu nói của ai đó rằng: Hạnh phúc không phải là đích đến mà đó luôn là một hành trình và hành trình hạnh phúc với nghề báo cũng vậy, luôn yêu nghề, say nghề, cống hiến với nghề và hạnh phúc luôn ở quanh ta.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.