Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 22 tháng 2 năm 2016 | 1:12

Hành trình 15 năm thiện nguyện

15 năm nay, hình ảnh ông già với chiếc xe đạp cà tàng và chiếc cặp sách dày tài liệu rong ruổi đến các xóm làng đã trở nên quen thuộc với người dân thôn Thượng, xã Vân Từ (Phú Xuyên - Hà Nội). Công việc của ông là đưa những trẻ em tật nguyền, trẻ mồ côi về cơ sở dạy nghề khảm trai Ngọ Hạ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên). Đến nay, hơn 2.000 số phận bất hạnh đã được ông đưa về giúp đỡ học nghề.

Lặng lẽ ươm mầm sống cho đời

Một ngày đầu xuân, chúng tôi tìm đến nhà ông Hà Xuân Định ở thôn Thượng. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là căn nhà cấp bốn đơn sơ quét vôi trắng, hàng cau xanh mướt thẳng tắp trước sân nhà khiến không gian càng thêm thơ mộng và tĩnh lặng.

Ông Hà Xuân Định cùng chiếc xe đạp rong ruổi khắp nơi.

Tìm đường tới nhà người đàn ông đã làm thay đổi hơn 2.000 số phận bất hạnh, chúng tôi luôn nhận được sự chỉ dẫn nhiệt tình của dân làng. Người Vân Từ đã quá quen thuộc với hình ảnh một ông lão dáng người gày gò, rong ruổi ngược xuôi khắp các tỉnh thành trên chiếc xe đạp cà tàng để tìm và thắp lên hy vọng cho những đứa trẻ thiếu may mắn.

Thoạt nghe chuyện ông lão đi khắp các hang cùng ngõ hẻm tìm trẻ khuyết tật mà chẳng yêu cầu được đền đáp, không ít người nghĩ ông là đại gia. Kỳ thực, ông sống giản dị cùng con cháu trong ngôi nhà nhỏ bé, đơn sơ.

Để gặp được ông Định không hề đơn giản, bởi phần lớn thời gian ông dành cho những chuyến đi. Kiên nhẫn chờ đợi, đến khi nhà nhà đã le lói ánh điện, ông Định mới trở về trong niềm vui khôn xiết. Trước mắt chúng tôi là ông lão tóc đã bạc, khuôn mặt sạm đen, in hằn dấu vết của một cuộc đời lam lũ. Thấy chúng tôi, ông chu đáo  pha trà, ngồi tiếp chuyện. Rót nước mời khách, ông Định từ tốn: “Tuy tuổi đã cao nhưng tôi chẳng mấy lúc ở nhà đâu. Mùa màng thì ở nhà giúp vợ, còn không tôi lại ra hợp tác xã hướng dẫn các cháu học nghề hoặc đi khắp nơi tìm những đứa trẻ thiếu may mắn đưa về trung tâm”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Năm nay 85 tuổi rồi mà ông vẫn muốn đi nữa ạ?”. “Có chứ!” - ông Định trả lời - “Tôi làm đơn gửi rồi, trung tâm có đợt tuyển thêm trẻ là tôi lên đường đi ngay. Còn khỏe, tôi còn đi làm”.

Nói về cái “nghiệp” tự nguyện đi tìm trẻ khuyết tật về dạy nghề miễn phí, ông Định kể: Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, mồ côi cha từ năm 13 tuổi. Mẹ của ông ốm đau bệnh tật nên cuộc sống rất cơ cực, không thể lo được bữa ăn hàng ngày nên ông phải đi ở đợ. Nhớ về tuổi thơ, ông rơm rớm: “Tôi đã khóc hết nước mắt trong sự tủi hờn. Thời gian về giúp việc cho người ta, tôi sống thu mình như con rùa rụt cổ trong xó cửa. Bởi thế khi nghĩ đến các số phận thiếu may mắn như mình, tôi thương lắm. Điều đó cứ thôi thúc tôi phải làm được gì cho các cháu”.

Đó là vào năm 2000, ông nghe phong thanh có một tổ chức nước ngoài về làng tuyển tình nguyện viên đi tìm những đứa trẻ lang thang, tật nguyền để đưa về dạy nghề. Điều kiện là người đó phải di chuyển nhiều nơi và tự trang trải cho những chuyến đi của mình. Ông Định đứng ra nhận công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” trước sự ngỡ ngàng và phản đối của người thân. Ông Định nói: “Ban đầu họ không đồng ý. Họ bảo ông đã ngoài 70 tuổi rồi, công việc này đòi hỏi phải di chuyển nhiều nơi, liệu ông có đảm đương được không ? Tôi không ngần ngại bảo luôn: Mắt tôi còn sáng, trí nhớ còn minh mẫn, chân còn khỏe, tôi có thể đi khắp mọi nơi. Tôi có thể ngủ ở bất cứ nơi đâu, đi đến tất cả nơi nào có người khuyết tật”.

Nhận công việc của một tình nguyện viên, ông Định đi khắp các tỉnh Thái Bình, Bắc Giang, Phú Thọ,… để tìm người khuyết tật. Ban đầu gia đình ông cũng như xóm làng can ngăn, phản đối nhiều lắm, nhất là vợ ông. Nhưng rồi thấy ông quyết tâm, lại sẵn lòng thương cảm những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn nên cũng xuôi lòng.

Ông Định bộc bạch, ông làm công việc thiện nguyện này chỉ với mong muốn vực dậy những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống để họ tự đứng lên bằng nghị lực và đôi chân của mình, vượt qua mặc cảm, sống hòa nhập cộng đồng.

Để có kinh phí cho những chuyến đi, ông Định phải bán đi những thứ có giá trị trong gia đình như lợn, gà, các lứa kén tằm, rồi dùng cả tiền bán mớ rau, nải chuối của vợ. Cuộc hành trình 15 năm tìm kiếm trẻ em khuyết tật, thiểu năng của ông Định cũng gặp không ít gian nan, vất vả. Ông tâm sự: “Có những lúc đang đạp xe thì cơn mưa rào xối xả đổ xuống. Không ít lần xe hỏng không có chỗ sửa, tôi phải dắt bộ mấy cây số. Rồi những hôm nắng nóng rát mặt mà mình cũng chẳng dám nghỉ uống nước vì sợ đường còn xa”.

Đời cần lắm những tấm lòng như thế...

Khi con gà chưa kịp cất tiếng gáy chào ngày mới, ông Định đã trở dậy với những cuốn sổ, giấy bút rồi lặng lẽ lên đường. Ngày này sang ngày khác, dù đông hay hè, nắng hay mưa, khi người dân còn chưa thức dậy, dáng ông đã hằn trên đường làng. Sáng dắt xe đi, tối xin vào nhà dân ngủ tạm.

Hầu hết những đứa trẻ được ông đưa về là trẻ khuyết tật, trẻ em lang thang cơ nhỡ. Các cháu được dạy nghề khảm trai, sau khi học xong đều có thể tự nuôi sống bản thân.

Trong số những đứa trẻ đã gặp, ông Định nhớ mãi một cuộc hội ngộ đặc biệt với cháu Phan Thế Út ở Thanh Oai (Hà Nội). Đó là vào trưa tháng 7/2004, ông dừng chân tại quán nước nhỏ, người coi quán là một bé gái bị liệt hai chân. Sau khi nghe ông kể về công việc của mình, Út đã xin được theo ông học nghề để tự nuôi sống mình, không muốn là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Ông kể: "Cô bé nhanh nhẹn, nói chuyện thông minh ấy đã thạo nghề, sau khi trở về địa phương còn mở một cơ sở dạy nghề thường xuyên cho những người khuyết tật khác. Cháu cũng lập gia đình và có một con trai".

Rồi Nguyễn Như Hà, một cháu trai lang thang cơ nhỡ xin ăn, khi gặp ông còn phát âm không rõ. Sau khi được ông đưa về cơ sở, Hà làm nghề tốt, thành thạo như một người lành lặn. Không chỉ vậy, Hà còn được giữ lại trung tâm vừa làm nghề kiếm sống vừa truyền lại kiến thức đã học cho các bạn vào sau. Hay như cháu Nguyễn Văn Phúc bị thiểu năng trí tuệ, sau khi được vào làm việc đã có tiền gửi về cho gia đình, tu sửa nhà cửa thay cho ngôi nhà xiêu vẹo, rách nát. Mỗi em mỗi hoàn cảnh, có em bị cha mẹ bỏ rơi, có em thiểu năng trí tuệ, bại liệt câm điếc… đều coi nhau như anh em ruột thịt, được nuôi dưỡng, giáo dục bởi những bàn tay yêu thương của xã viên HTX khảm trai Ngọ Hạ mà các em gọi là mẹ, là thầy.

Ông Định nói với chúng tôi: “Điều khó khăn không phải sức khỏe, đường sá xa xôi mà là thuyết phục để gia đình họ tin tưởng, yên tâm giao con cái theo tôi về cơ sở”. Thời gian đầu, ông khổ tâm lắm vì không có ai tin ông làm điều tốt, họ băn khoăn, nghi ngờ ông là kẻ lừa đảo. Ông phải từ từ tìm cách thuyết phục, “mưa dầm thấm lâu”, giờ không ai bảo ông là “dở hơi” nữa. Thay vào đó, họ nhiệt tình giúp đỡ ông để danh sách những đứa trẻ được giúp đỡ thêm nối dài.

“Khi biết công việc tôi đang làm, cánh lái xe dọc tuyến quốc lộ còn không chịu lấy tiền xe của tôi. Họ bảo, ông cứ cố gắng giữ sức khỏe mà làm việc thiện, tấm lòng của bọn con mong ông hãy nhận”, kể đến đây, ông Định cười: “Kinh Phật đã dạy: Giúp được một người, phúc đẳng hà sa. Bởi vậy, làm được việc có ích cho đời là hạnh phúc đối với mình và nhiều người khác. Tôi không mong được những đứa trẻ trả nghĩa mà tự hào khi nghĩ đến ngày về với ông bà tổ tiên có hơn 2.000 đứa trẻ là hơn 2.000 bông hồng bạch thơm ngát vây quanh. Thế là mừng lắm!”.

Bà Nguyễn Thị Vui, Chủ nhiệm Hợp tác xã khảm trai Ngọ Hạ không giấu nổi sự xúc động: “15 năm qua, ông Định đạp xe đi tìm và giúp cho hơn 2.000 trẻ em bị khuyết tật, thiểu năng về học nghề tại cơ sở. Thế nhưng trên khắp đất nước vẫn còn rất nhiều trẻ khuyết tật, những nạn nhân bị chất độc da cam, họ rất cần gặp được những người như ông Định”. 

Dù cuộc gặp gỡ diễn ra ngắn ngủi, cũng chưa có dịp được theo chân ông rong ruổi ở một hành trình nào đó nhưng sự biết ơn, yêu mến của những đứa trẻ “đã tốt nghiệp” hay đang theo học tại trung tâm dành cho ông đủ để chúng tôi cảm nhận rõ tấm lòng cao quý ấy. Ông Hà Xuân Định đã vinh dự được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và UBND huyện Phú Xuyên trao tặng danh hiệu “Người tốt - việc tốt”.

 

Ông Nguyễn Văn Lại, Trưởng thôn Thượng cho biết: “Ông Định là tấm gương tốt tại địa phương. Đã 85 tuổi, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng ông đã tình nguyện tự bỏ chi phí và thời gian hàng ngày đạp xe đi tìm trẻ em khuyết tật kém may mắn về dạy nghề và tạo việc làm. Việc làm thiện nguyện của ông Định đáng được nhân rộng để mọi người trong cộng đồng học tập và noi theo”.               

     Trần Toản

 

 

    

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top