Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 2 năm 2016 | 1:41

Hoa tình yêu từ sóng nhà giàn

Giữa trùng dương tít tắp tận ngàn khơi không có hoa tươi, những người lính “già” ở Nhà giàn DK1 gửi về đất liền tặng vợ bịch cá kìm khô, còn anh lính trẻ gửi tặng người yêu “căn nhà mơ ước” làm bằng tăm tre, hoặc đơn giản chỉ là bài hát nhờ đài phát thanh chuyển đến. Tuy đơn giản thế thôi, nhưng lại là tình cảm chân thành của người lính biển, là sợi dây nối liền giữa người tiền tuyến và hậu phương.

Khi quà tình yêu là cá kìm khô

19 năm làm vợ, 17 năm đón Tết một mình, nhưng Lễ tình nhân năm nào chị Lương Thị Thu cũng nhận được “quà tình yêu” của chồng. Mặc dù ở xa đất liền, song ngày Lễ tình nhân 14/2 năm nay, Trung tá Lê Xuân Nam cũng gửi “hoa tình yêu” về tặng vợ. Từ nhà giàn DK1, Trung tá Nam chia sẻ qua điện thoại: “Gọi là “hoa tình yêu” chứ thực ra là tin nhắn, hoặc hoa có sẵn trong điện thoại thôi. Nhưng đó là tình cảm dành cho vợ. Năm nay tôi làm “khác món”, gửi cho vợ bịch cá kìm khô theo tàu. Vợ mình cũng thích ăn cá kìm khô chấm me chua”.

Anh Nam và vợ lúc nghỉ phép ở đất liền.

Sáng 14/2, tôi tới nhà chị Thu ở hẻm 1000, đường 30/4, phường 11, TP.Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) đúng lúc chị đang chuẩn bị bài giảng cho buổi học đầu tiên sau 9 ngày nghỉ Tết. Tôi hỏi: “Em nhận được quà ngày Lễ tình nhân chưa?”, đỏ bừng đôi má, chị Thu khoe: “Nhận được rồi. Anh Nam gửi về cá kìm khô kèm một bài thơ. Lính nhà giàn mà lãng mạn thật!”. Nói rồi, chị Thu đọc: “Giữa đại dương anh chẳng có hoa/ Gửi em bịch cá kìm khô làm quà/Tết nay anh lại xa nhà/Nhưng lòng vẫn ấm vì ở nhà có em/Nhà giàn biển động rồi êm/ Đất liền chờ đợi ngày anh trở về”.

Chuyện tình của Trung tá Lê Xuân Nam và cô giáo tiếng Anh Lương Thị Thu khá lãng mạn. Mùa xuân năm 1995, sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2, Nam về quê đón Tết cùng bố mẹ. Trong một lần đi chơi nhà một người bạn, Nam tình cờ gặp Thu. Chàng trai xứ  Thanh lịch lãm đã lọt vào mắt xanh cô giáo mới ra trường. Cô giáo trẻ có đôi mắt sâu thẳm, lãng mạn đã hớp hồn người lính lục quân. Trước khi Nam trở lại Vũng Tàu đi nhà giàn DK1, Thu đã nhận lời yêu Nam, để rồi sau 3 năm nhờ sóng biển chuyển hàng trăm lá thư tình, người lính nhà giàn và cô giáo tiếng Anh chính thức ngồi trên xe hoa. Sau ngày cưới, Nam đi nhà giàn DK1, Thu ở đất liền dạy học. Niềm vui của đôi “trai tài gái sắc” càng đong đầy khi con gái đầu lòng chào đời, rồi cậu con trai giống bố như đúc cũng nối tiếp. Những ngày Nam ở nhà giàn, chị Thu luôn là mẹ hiền, vợ đảm. “Có đợt anh Nam đi nhà giàn 26 tháng mới về đất liền. Tết anh gọi điện về, em nghe cả tiếng sóng biển. Lúc anh nói chuyện với con trai, em thấy giọng anh nghèn nghẹn. Em biết anh ấy xúc động lắm”.

Trước giờ đi biển.

Kể về chuyện tặng hoa ngày Lễ tình nhân, chị Thu chia sẻ: “Anh Nam tình cảm lắm, năm nào cũng có quà tặng cho em ngày Lễ tình nhân. Năm ngoái, em vừa đi trường về, nhận được bó hoa của chú lính mang tới. Biết là quà của chồng, cả đêm đó em không ngủ được. Chuyện ngày mới cưới, chuyện yêu nhau, rồi chuyện những lần anh về đất liền ngắn ngủi lại chia xa cứ xao động trong lòng”.

Thay lời muốn nói

Từ nhà giàn DK1/11, Thượng úy Phạm Thành An cũng gửi về tặng vợ món quà giản dị nhưng không kém phần lãng mạn. Đó là 12 bông hoa hồng đỏ thắm để kỷ niệm tròn 12 năm ngày cưới. Nhận được món quà của chồng nhờ đồng đội chuyển đến, chị Phan Thị Tâm xúc động rơi nước mắt: “Đêm 30 Tết anh An gọi điện về chúc Tết, con gái khóc hỏi sao bố đi lâu vậy. Lúc đó em thương anh ấy quá. Mùng Một Tết, đơn vị ra thăm ba mẹ con. Thấy chú bộ đội mặc áo hải quân, thằng cu nhà em nói với các chú: “Bố An hẹn Tết về mà chẳng thấy”. Các chú hỏi, con nhớ bố không? Nó bảo nhớ lắm. Lúc đó em chỉ muốn khóc”, chị Tâm chia sẻ.

Thượng úy An và chị Tâm cưới nhau 12 năm, thì 10 năm anh An đón Tết trên biển. Đồng lương ba cọc ba đồng của An tiết kiệm lắm vẫn thiếu trước hụt sau. Gian nhà cấp bốn thuê của Lữ đoàn 171 xuống cấp nóng hầm hập. Mặc dù con gái bị suy tủy bẩm sinh, mẹ ruột 14 năm nằm liệt giường vì căn bệnh Pakinson biến chứng, song An luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Hằng năm em đều tặng hoa cho vợ. Ngoài biển không có hoa tươi, em nhờ đồng đội ở đất liền mua cho vợ. Ngày Lễ tình nhân năm nay, đúng 12 năm bọn em cưới nhau. Em gửi tặng 12 bông hồng như thay lời cảm ơn vợ, nuôi dạy con cái thật tốt để em yên tâm công tác ngoài nhà giàn”, An chia sẻ.

Khác với cách tặng quà thực tế của “lính già”, những chàng lính trẻ chọn cho mình cách tặng quà độc đáo hơn. Hạ sĩ Nguyễn Văn Nghĩa (quê Tân Thành, Đồng Nai) hiện ở nhà giàn DK1/11 lại gửi tặng người yêu “căn nhà mơ ước” làm bằng hơn một ngàn cây tăm tre. Ở giữa căn nhà ấy là hai trái tim lồng vào nhau với một điều ước giản dị, được sống bên người mình yêu thương trọn đời.

Còn hạ sĩ Nguyễn Văn Lượm ở nhà giàn DK1/10 Cà Mau thì nhờ Đài phát thanh TP.Hồ Chí Minh gửi tặng cô bạn gái tận huyện Đầm Dơi bài hát “Ở hai đầu nỗi nhớ”. “Em muốn bạn gái em hiểu rằng, tuy ở xa nhau, nhưng vẫn hướng về nhau. Sau mùa huấn luyện này, em về sẽ làm đám cưới. Chúng em yêu nhau được hai năm rồi”, Lượm chia sẻ qua điện thoại.

Hơn 200 cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn DK1 đang đóng quân ngoài khơi xa, và một con số tương đương “nửa kia” của họ, ngày Lễ tình nhân năm nay cũng chung một tâm trạng, nhớ về nhau. Đối với các anh, quanh năm làm bạn với sóng gió ngàn khơi, không có hoa, chẳng quà kỷ niệm, chỉ bịch cá kìm khô, hoặt đơn giản hơn là dòng tin nhắn, nhưng đó là món quà yêu thương ý nghĩa nhất. Còn đối với vợ lính DK1 xa chồng biền biệt, ngày Lễ tình nhân gọi điện cho chồng hỏi han sức khỏe, hoặc gửi theo tàu gói quà Tết muộn, lãng mạn hơn là đóa hoa hồng có sẵn trong điện thoại gửi đi cũng trở thành một món quà ý nghĩa, giúp họ vượt qua khó khăn, chèo lái gia đình vững bước, giúp các anh kiên cường bám biển, quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Minh Quang

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top