Tìm khắp trên google cũng không thấy tên Violak có nguồn gốc từ đâu. Chỉ được vài thông tin nhỏ về điểm đèo này, điều đó cho thấy, Violak còn khá mới mẻ đối với nhiều người. Và trong những chuyến hành trình ngang dọc miền trung và Tây Nguyên, tôi đã đi qua đèo Violak…
Gặp một người dân tộc H’rê, hỏi về địa danh Violak, anh cũng chỉ ú ớ và không trả lời được là cái nơi anh đang sống có điểm đèo đẹp đến mê hồn ấy, tên của nó xuất xứ từ đâu! Anh bạn đi cùng đoàn cũng từng đi qua đèo Violak vài lần lý giải rằng, tên đèo Violak (Violắc) được đọc theo tên của loài hoa violet. Cách giải thích này khá hợp lý. Song tôi quan sát, dọc đoạn đường quốc lộ 24 đi qua đèo Violak không có hoa violet mà toàn hoa xuyến chi, một loài hoa dại. Thôi thì, cứ để tên đèo Violak đó là điểm khám phá cho mình, lần sau vậy.
Chúng tôi khởi hành từ thành phố Kon Tum, xe đi qua địa phận huyện Kon Rẫy rồi Kon Plong. Đỉnh đèo Violak là điểm giao giữa hai huyện Kon Plong của tỉnh Kon Tum và huyện Ba Tơ của tỉnh Quảng Ngãi. Trước khi xe leo đèo, chúng tôi dừng chân ở một ngôi làng nhỏ bên đường. Đây là điểm dừng không có trong lịch trình, nhưng vì cảnh sắc ở đây nên thơ quá, nếu không dừng lại sẽ là một sự tiếc nuối, vì khi qua rồi, biết bao giờ có cơ hội trở lại. Làng Đắk Sơ-rách nằm nép mình bên một triền đồi, chỉ vỏn vẹn chừng trăm ngôi nhà sàn mái ngói xám đỏ mà tạo nên một không gian thanh bình đến lạ. Dưới cái nắng nhẹ của núi đồi Tây Nguyên, ngôi làng hiện ra cùng thửa ruộng bậc thang loại nhỏ hiền hòa bên quốc lộ 24 tạo cảm giác khoan khoái. Một quang cảnh đẹp mê hồn ở chốn đại ngàn.
Bắt đầu từ đây, quốc lộ 24 uốn cong như con trăn bò, hẹp dần. Nhiều đoạn cua cũng không thua gì đèo Hải Vân với một bên là vách đá, còn bên kia là thẩm sâu bờ vực. Những ngọn đồi của đại ngàn Trường Sơn được phủ xanh hoàn toàn, phần lớn là thông xanh và nhiều nơi, bà con dân tộc H’Rê, M’Nông, Xê Đăng trồng sắn (Nam Bộ gọi là mì) để làm nguyên liệu. Bên triền núi, nhiều loài hoa rừng cheo leo đu đưa theo gió. Anh bạn tôi mê mải với vạt hoa dại mặt dù chẳng biết nó tên chi ! Những bông hoa đỏ hồng điểm tô trên nền xanh của núi đồi tạo cho Violak cảnh sắc nên thơ đến nao lòng. Dưới kia, bảng làng hiện ra như những chấm nhỏ li ti trên bức tranh Trường Sơn hùng vĩ. Sông Re mảnh mai chìm trong lòng vực, len lỏi qua những chân đồi, rồi chảy ra những cánh đồng nhỏ màu xanh lá mạ uốn quanh bảng làng, tạo nét duyên cho những nếp nhà sàn còn khá nguyên sơ giữa thung lũng xa mờ trong nắng.
Hiện tại, lượng xe cộ qua lại con đường này còn khá thưa thớt. Trước đây, xe ô-tô chỉ đi được từ thị xã Kon Tum đến Kon Rẫy; còn từ phía Quảng Ngãi, xe chỉ đi được từ Thạch Trụ đến chân đèo Violak. 50 cây số đoạn qua địa phận huyện Kon Plong bị hoang phế, phần vì khá hoang vắng, phần vì thi công gặp nhiều khó khăn. Nên trước đây, Kon Tum chỉ thông thương với Quảng Nam phía bắc và Gia Lai phía nam bằng quốc lộ 14. Từ ngày quốc lộ 24 hoạt động nối Kon Tum với Quảng Ngãi thì Kon Tum như được mở thêm cửa để đón chào khách thập phương.
Tiềm năng du lịch Kon Tum có, nhưng chưa được khai thác nhiều, một phần là do điều kiện đi lại còn khó khăn. Hiện tại, khu du lịch Măng Đen đang được xây dựng, và theo đánh giá thì Măng Đen sẽ tạo sức bật cho Kon Tum phát triển.
Măng Đen thuộc huyện Kon Plong, nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa quanh năm mát lạnh với nền nhiệt độ trung bình là 20oC, còn được gọi là Đà Lạt thứ hai trên nóc nhà Tây Nguyên này. Ở Măng Đen, du khách có thể thỏa thích khám phá những cảnh quang còn khá hoang sơ, với rừng thông đỏ, với suối, với thác và hồ nước trong xanh.
Ngoài ra, đến Kon Tum không thể không thăm những chiến trường xưa một thời làm nên lịch sử của dân tộc như Tu Mơ Rông, Đăk Tô. Và ghé thăm nhà thờ gỗ để nghe tiếng chuông vang vọng giữa đại ngàn thanh vắng. Với Kon Tum thì Măng Đen, Đăk Tô, hay Tu Mơ Rông, đồi Charlie là những điểm tham quan hấp dẫn. Nhiều đoàn khách du lịch sẽ đến Kon Tum bằng đường quốc lộ 24, lúc đó chắc chắn đèo Violak sẽ là điểm dừng chân tuyệt vời nhất mà bất cứ ai cũng không thể chối từ.
PHAN TRƯỜNG SƠN/Nhân Dân
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.