Phòng là chính, cơ sở và người dân là chính, phải chủ động, cụ thể và quyết liệt hơn nữa, không đợi đến khi có dịch mới triển khai công tác phòng, chống; không được chủ quan để gây thiệt hại quá lớn cho người chăn nuôi.
Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, các Bộ, ngành, địa phương, Bí thư các huyện, xã, thôn và Chi bộ cần phải thay đổi cách thức chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch, “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”, phải chủ động, cụ thể và quyết liệt hơn nữa, không đợi đến khi có dịch mới triển khai công tác phòng, chống; không được chủ quan để gây thiệt hại quá lớn cho người chăn nuôi.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4291/VPCP-NN về việc tiếp tục quyết liệt triển khai công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Đây là bệnh dịch nguy hiểm, dự báo diễn biến phức tạp, khó lường và kéo dài, ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi và cuộc sống của người dân. Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, căn bản hơn nữa các giải pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 và Thông báo số 192/TB-VPCP ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản của của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi (Ban Chỉ đạo quốc gia) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong đó tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; quán triệt phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc”. Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chỉ thị, trình Ban Bí thư xem xét ban hành nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và toàn hệ thống chính trị trong việc tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, các Bộ, ngành, địa phương, Bí thư các huyện, xã, thôn và Chi bộ cần phải thay đổi cách thức chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch, “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”, phải chủ động, cụ thể và quyết liệt hơn nữa, không đợi đến khi có dịch mới triển khai công tác phòng, chống; không được chủ quan để gây thiệt hại quá lớn cho người chăn nuôi.
Ban chỉ đạo Quốc gia phải có kế hoạch tổng thể về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và có kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn, từng khu vực; các địa phương từ tỉnh đến huyện, xã, thôn phải xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình cụ thể ở địa phương mình và cho từng giai đoạn. Các Thành viên của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trực tiếp làm trưởng Đoàn công tác đến từng tỉnh, thành phố để đôn đốc, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu huỷ do nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện quyết liệt kế hoạch ứng phó bệnh Dịch tả lợn châu Phi, không để bùng phát dịch, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống, môi trường và sức khỏe của người dân.
Chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu huỷ do nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm công khai, minh bạch để người dân yên tâm thực hiện các biện pháp chống dịch; bố trí kinh phí trả thù lao phù hợp rõ ràng, chặt chẽ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh; phải có phương án cụ thể để tiêu hủy lợn bị bệnh phù hợp với các cấp độ xảy ra, huy động các lực lượng đủ mạnh tham gia hỗ trợ khi cần thiết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tổ chức chống dịch có hiệu quả hơn, sát thực tế và khả thi hơn; vừa bảo đảm chống dịch nhưng cũng tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, đảm bảo chặt chẽ, khả thi, minh bạch.
Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh tái cấu trúc ngành chăn nuôi, phải đa dạng hóa vật nuôi, trước mắt tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản... để bù đắp khi thiếu hụt sản phẩm thịt lợn nhằm phục vụ tốt đời sống người dân; xây dựng Đề án tái phát triển đàn lợn khi bệnh Dịch tả lợn Châu phi được khống chế.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học trong Đề án quốc gia nghiên cứu giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, trong đó có nội dung nghiên cứu, chế tạo vắc-xin.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Ngoại giao chủ động làm việc, đề nghị các tổ chức quốc tế và các nước xem xét, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động, kịp thời thông tin, báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh cho các tổ chức quốc tế theo quy định.
Khuyến khích thu mua lợn sạch trong vùng có dịch
Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện việc thu mua lợn sạch trong vùng có dịch để tiêu thụ và cấp trữ đông nhằm giảm thiểu lây lan dịch bệnh và thiệt hại cho người chăn nuôi nhằm giữ ổn định giá lợn không bị rơi xuống thấp trong giai đoạn trước mắt và có nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho nhu cầu thị trường thời gian tới; không để sốt giá thịt lợn vào những tháng, quý tới nhất là vào các tháng cuối năm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Trước hết là sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất việc sử dụng nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho các cơ quan trung ương và địa phương; khẩn trương rà soát, điều chỉnh mức, cơ chế hỗ trợ cho người chăn nuôi, doanh nghiệp có lợn bị tiêu hủy do nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh và người tham gia phòng, chống dịch bệnh phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh tâm lý chủ quan hoặc gây hoang mang, quay lưng với thịt lợn không bị bệnh.
Các Bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Thủ tướng Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo trong công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.