Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp, anh Lê Tấn Long ở thôn 2, xã Hòa Phong (Krông Bông - Đắk Kắk) luôn tiên phong trong việc chuyển đổi cây trồng - vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không những thế, anh còn sáng chế được nhiều công cụ sản xuất, phục vụ nhu cầu canh tác của bà con.
Công cụ nhổ sắn do anh Long chế tạo.
Năm 1992, khi đang học lớp 6, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, mặc dù ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng anh đã phải nghỉ học để phụ giúp gia đình.
Khi trưởng thành, vốn liếng chỉ là đôi bàn tay và khát vọng tuổi trẻ, vợ chồng anh tập trung khai hoang vỡ hóa mở rộng diện tích trồng cây đậu trắng vì lúc đó đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Sau một vài vụ thu hoạch, gia đình anh đã tích lũy được một số vốn nho nhỏ, mua sắm một chiếc xe công nông làm phương tiện sản xuất.
Là người có đam mê sửa chữa máy móc, anh Long đã dành phần lớn thời gian để mày mò, nghiên cứu sáng chế giàn xới một chảo dùng cho xe công nông, giúp quá trình cày đất không bị lỏi và tơi xốp hơn. Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, anh được nhiều bà con trong thôn tin tưởng hợp đồng cày đất, nhờ vậy gia đình có thêm thu nhập từ hoạt động dịch vụ.
Kinh tế gia đình phát triển, anh xây dựng được nhà cửa khang trang và mua sắm máy cày MTZ thay thế cho chiếc xe công nông cũ kỹ. Để phát huy hết công năng của xe, anh tiếp tục nghiên cứu chế tạo thành công công cụ đánh hàng gieo tỉa ngô bằng xe MTZ. Nếu như trước đây khi đánh hàng, gieo tỉa thủ công, 1ha phải mất 10 công, tương đương 1,5 triệu đồng, nay nhờ có công cụ này mà bà con tiết kiệm được 800.000 đồng/ha chi phí đầu vào.
Vài năm trở lại đây, sau khi một số cây trồng khác như các loại cây họ Đậu, cây thuốc lá, ngô,... bị thu hẹp diện tích do đầu ra không ổn định, nông dân Hòa Phong chuyển sang trồng sắn trên các triền đồi. Do trồng sắn chi phí thấp, ít rủi ro và đầu ra tương đối ổn định nên diện tích sắn ở Hòa Phong ngày càng tăng, hàng năm dao động từ 900 - 1.100ha, chiếm 1/3 diện tích gieo trồng của xã. Vào mùa thu hoạch, bà con phải còng lưng dùng cuốc đào xới từng bụi, vừa vất vả vừa không mang lại hiệu quả.
Thấu hiểu được nỗi vất vả của bà con, sau nhiều đêm trăn trở, nghiên cứu quy luật vận hành của loại máy MTZ, anh Long đã nảy ra ý tưởng biến chiếc máy cày này thành chiếc máy đa năng, vừa có thể làm đất, vận chuyển sản phẩm vừa có công năng nhổ sắn.
Anh Long chia sẻ: “Người trồng lúa, ngô đã có máy rạch hàng, máy thu hoạch, còn người trồng sắn thì mới có máy gọt vỏ và máy xắt lát, trong khi khâu thu hoạch nặng nề nhất thì lại chưa có, vì thế tôi đọc thêm sách báo để nắm vững quy trình hoạt động rồi mua vật liệu về sáng chế công cụ nhổ sắn”.
Sắn được nhổ không bị gãy vỡ.
Công cụ được chế tạo dựa trên nguyên tắc của lực đòn bẩy và kìm cộng lực. Sản phẩm được cấu tạo gồm một giàn bằng thép hình chữ nhật, phía dưới có 5 răng để nhổ củ, phía trên có cánh tay đòn được làm từ trục thép dày gắn với càng cua hai bên nối với các bộ phận có sẵn của xe MTZ, chỉ cần điều khiển càng cua để siết chặt cây sắn nhổ bật khỏi đất. Quy trình vận hành máy khá đơn giản, có thể sử dụng được ở mọi địa hình; tuy nhiên, ngoài việc phải tính toán kích thước hợp lý, khi vận hành phải quan sát và có thao tác nhạy bén để tránh làm vỡ nát củ.
Sản phẩm mới đưa vào thử nghiệm trong mùa thu hoạch năm 2016 nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Thời gian nhổ 1ha sắn chỉ mất khoảng 10 giờ, chi phí nhiên liệu, khấu hao máy móc và tiền công là 3 triệu đồng/ha. So với thu hoạch thủ công, bà con lãi thêm 7 triệu đồng/ha.
Ông Ai Manh ở tổ Vân Kiều (thôn 2) cho biết: “Nhờ có máy nhổ sắn của anh Long mà mùa thu hoạch sắn năm nay, bà con mình thấy khỏe lắm, vừa đỡ tốn công, vừa tiết kiệm thời gian mà giá lại rẻ, có thêm thu nhập”.
Với niềm đam mê sáng tạo, thời gian qua, anh Long đã sáng chế thành công giàn xới một chảo dùng cho xe công nông, công cụ đánh hàng gieo tỉa ngô và công cụ nhổ sắn. Hy vọng trong thời gian tới, anh sẽ chế tạo thêm được nhiều công cụ phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân.
Mai Viết Tăng
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.