Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 8 tháng 12 năm 2019 | 19:38

Làm sạch sông Tô Lịch: Nhiều phương án chưa khả thi

Việc bổ cập nước sông Hồng vào hồ Tây và sông Tô Lịch để giảm thiểu ô nhiểm được các chuyên gia cho rằng, đây là phương pháp không khả thi chỉ có thể giải quyết trước mắt vấn đề.

Lấy nước sông Hồng xử lý ô nhiễm Tô Lịch: Phương án không khả thi

Xung quanh việc tìm giải pháp hiệu quả xử lý ô nhiễm nước thải sông Tô Lịch (Hà Nội) bằng cách lấy nước sông Hồng xử lý ô nhiễm, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho rằng, Phương pháp này chỉ có thể giải quyết trước mắt vấn đề.

"Nguyên lý chung được các nhà môi trường nêu ra là không cho phép pha loãng để xử lý ô nhiễm, rồi đưa nước ô nhiễm ra khu vực khác. Các nước tiên tiến trên thế giới không ở đâu làm như vậy cả. 

Ở đây, quyền quyết định thuộc về cơ quan có thẩm quyền của Hà Nội, nhưng chúng ta nên cân nhắc về hiệu quả và hậu quả tác động. Xử lý nước thải là quy trình đưa nước bẩn vào hệ thống lọc, khử độc và qua nhiều giai đoạn khác nữa mới đưa nước sạch đủ tiêu chuẩn ra môi trường.

Trong khi đó, giải pháp trên chỉ là pha loãng nước và đẩy nước thải từ nội thành ra vùng hạ lưu, vô hình trung gây thảm họa ô nhiễm môi trường ở các khu vực lân cận. Biện pháp pha loãng chỉ nên sử dụng ở phạm vi nhỏ hẹp và cần thiết tức thời. Về lâu dài, không thể áp dụng phương pháp này được", ông Bá nói.

 

nguye-n-du-c-chung-nga-y-6-12-1994-1575641235.jpg
Ông Nguyễn Đức Chung trả lời cử tri quận Hoàn Kiếm chiều 6/12. Ảnh: Võ Hải.

 

Đánh giá về công nghệ Nano của Nhật Bản ông Bá cho biết."Công nghệ nano của Nhật Bản có ưu điểm, song bài toán về chi phí, nhân công và các yếu tố phát sinh khác lại không dễ giải quyết. Ngoài ra cũng cần thẩm định chi tiết về hiệu quả thực tế".

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cũng cho biết Hà Nội đang xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đặt dọc hai bên bờ sông Tô Lịch, tiến tới làm sạch sông Tô Lịch hiệu quả. Sông Tô lịch chảy qua 6 quận nội thành Hà Nội. Hàng ngày, nước thải sinh hoạt được xả thẳng ra dòng sông này. Đây được coi là nguyên nhân chính khiến dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Thành phố Hà Nội đã mời các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu, thậm chí đã có những công nghệ mới nhất như xử lý bằng công nghệ Nano, hay là cũng từng đưa ra sáng kiến cống 2 đáy (đáy dưới là thu gom nước thải, đáy trên là nước mưa) như một số nước đang áp dụng. Song những phương án làm sạch sông Tô Lịch chỉ là ý tưởng được đưa ra, thành phố chưa thông qua bất cứ phương án nào.

Không công nghệ nào xử lý được nếu không có kênh thu gom riêng

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm vừa diễn ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề môi trường của thủ đô, trong đó có việc làm sạch sông Tô Lịch.

Tại buổi làm việc này, thành phố đề nghị Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản (JEBO) cung cấp: hồ sơ, tài liệu tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công nghệ Nano, có bản thuyết trình toàn bộ về công nghệ, có giấy chứng nhận công nhận công nghệ của Chính phủ Nhật bản hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận; hồ sơ giới thiệu năng lực của JEBO, danh sách các công trình, dự án đã được xử lý bằng công nghệ nano tại Nhật Bản và tại các nước khác...

Cũng theo ông Chung, thành phố đã giao Sở Xây dựng giới thiệu một hồ nước đọng trên địa bàn thành phố để JEBO thí điểm làm sạch nước, xử lý mùi, bùn bằng công nghệ Nano-Bioreactor đồng thời mời các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước, các sở ngành của thành phố tham gia để đánh giá kết quả thử nghiệm.

Chủ tịch Hà Nội còn cho biết thêm, có một số người đưa ra các ý tưởng khác nhau để cải tạo môi trường sông Tô Lịch nhưng ông "dám khẳng định không có công nghệ nào xử lý được 180.000 mét khối nước thải đang xả xuống sông Tô Lịch mỗi ngày, mà không thu gom".

Việc bổ cập nước sông Hồng vào hồ Tây và sông Tô Lịch, ông Chung cho hay đề xuất trên do một nhóm nhà khoa học phối hợp với Công ty thoát nước Hà Nội đưa ra nhưng mới dừng ở bước nghiên cứu. Lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng, đề xuất này chỉ là làm loãng nước sông chứ không xử lý triệt để ô nhiễm và nước bẩn lại chảy dồn về hạ nguồn như Hà Nam.

Chia sẻ với cử tri về giải pháp Hà Nội sẽ thực hiện để xử lý các con sông ô nhiễm, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đang triển khai dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000 mét khối một ngày đêm và hệ thống cống thu gom nước thải khoảng 200km để đưa nước thải về nhà máy xử lý. Dự kiến quý 2 năm 2022 nhà máy sẽ đi vào hoạt động và xử lý một phần nước thải sinh hoạt cho các quận Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì. 

Từ nay đến khi nhà máy đi vào hoạt động, thành phố phối hợp với một số trung tâm khoa học phân tích các mẫu nước thải để đưa ra giải pháp xử lý được ô nhiễm, giảm mùi hôi.

Nhật Bản đề xuất đầu tư 100% chi phí làm sạch sông Tô Lịch, Hồ Tây

Theo chiến dịch làm sạch Sông Tô lịch đang diễn ra, Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản (JEBO - đơn vị trực tiếp thực hiện thí điểm sông Tô Lịch) thông báo đã tìm ra giải pháp xử lý cho cả dòng sông Tô Lịch. Giải pháp này sẽ xử lý nước thải tại chỗ, từ các cống xả bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản theo 2 nhóm. 

Nhóm 1: Hệ thống Nano-Bioreactor xử lý nước thải tại chỗ trong ngày (24h), rồi mới xả vào sông nước đạt QCVN, là nguồn cấp nước bổ cập tại chỗ cho sông Tô Lịch.

Nhóm 2: Hệ thống Nano-Bioreactor xử lý mùi, chất ô nhiễm và phân hủy bùn hữu cơ ở trong lòng sông, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch.

Theo đánh giá của Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản, giải pháp này sẽ đảm bảo nước thải từ các cống sẽ được xử lý tại chỗ tại bể ngầm dưới đất bằng hệ thống Nano-Bioreactor nhóm thứ 1 tạo ra nước đạt QCVN -2- rồi mới chảy vào sông Tô Lịch.

Trong trường hợp phát sinh nước thải tràn vào lòng sông thì vẫn có hệ thống Nano-Bioreactor nhóm thứ 2 đặt ở giữa sông để xử lý mùi, chất ô nhiễm và phân hủy bùn hữu cơ ở trong lòng sông, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch.

Hệ thống vận hành hoàn toàn tự động, có điều khiển đáp ứng cả khi có mưa bão lớn. Đơn vị sẵn sàng đầu tư 100% chi phí xây dựng hệ thống xử lý ban đầu cho toàn bộ sông Tô Lịch, Hồ Tây. Nếu thành công, đơn vị sẽ cho Hà Nội thuê, rồi chuyển giao cho TP quản lý, vận hành.

tam-song-to-lich-3-15652638653782065451629-15756883482092069867816.jpg
Quá trình thí nghiệm xử lý nước thải của JEBO tại một đoạn sông Tô Lịch - Ảnh: HOÀNG THANH TÙNG

 

Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản gợi ý thêm, về lâu dài, khi Việt Nam có điều kiện về kinh tế vẫn nên hoàn thiện hệ thống thoát nước đô thị, xây dựng các hệ thống cống bao, thu gom tách nước thải từ nguồn đưa về các nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đồng thời Việt Nam cần ra quy định về bắt buộc lắp đặt hệ thống xử lý nước thải từ các hộ gia đình để xử lý từ nguồn như tại Nhật Bản.

Dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor bắt đầu từ 16/5 trên một đoạn sông dài khoảng 300 m. Sau gần 6 tháng, kết quả phân tích của các cơ quan chuyên môn Việt Nam, chất lượng nước ở khu thả cá Koi trên sông Tô Lịch và Hồ Tây 36/36 chỉ tiêu đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT; Mùi hôi thối sông Tô Lịch giảm 200 lần, Hồ Tây giảm 30 lần; Nước khu xử lý thả cá Koi tại sông Tô Lịch: Vi khuẩn có hại Coliform giảm hơn 61 triệu lần, E.coli giảm 1.100 lần; Nước khu xử lý thả cá Koi tại Hồ Tây: Vi sinh vật có lợi Bacillus tăng 738 lần, tổng vi sinh vật hiếu khí tăng 47 lần; Bùn sông Tô Lịch giảm nhiều nhất 76,3cm từ 91.3cm về 15cm, bùn Hồ Tây giảm nhiều nhất về 0cm. Ngoài ra, cá Koi và cá chép Việt Nam đã thả tại khu vực nước sau xử lý tại khu thí điểm sống và sinh trưởng tốt sau gần 2 tháng cho đến ngày chuyển sang Hồ Tây.

Ngày 29/11, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết chính quyền thủ đô đã nghiên cứu các phương án làm sạch sông Tô Lịch. Ông Dục đánh giá phương án dùng công nghệ Nano-Bioreator "chưa thành công" và thành phố đang xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đặt dọc hai bên bờ sông để đưa về xử lý tại nhà máy Yên Xá. Dự kiến năm 2021 hệ thống này sẽ hoàn thành và giải quyết được vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch. 

Ngày 1/12, phản hồi ý kiến của Sở Xây dựng Hà Nội, ông Tadashi Yamamura, Chủ tịch JEBO cho rằng kết quả thí điểm "đã đạt được mục tiêu đặt ra và thành công như dự kiến. Phát biểu của Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội là vô căn cứ, không hiểu mục tiêu".

PV (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Thường trực Tỉnh Hội, Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi vừa trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk 180ml cho 35 cháu học sinh điểm trường thôn Tà Vay thuộc trường mầm non Đăk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.

Top