Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 12 tháng 11 năm 2017 | 8:0

Lễ hội quýt xứ Mường

Tối 11-11, UBND huyện Mường Khương (Lào Cai) tưng bừng tổ chức Lễ hội quýt, đón nhận nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm quýt Mường Khương, nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng huyện Mường Khương (11-11-1950 - 11-11-2017).

Quýt Mường Khương được trồng trên đất dốc, ở độ cao trung bình gần một nghìn mét so với mực nước biển, có khí hậu mát lạnh, bảo đảm chất lượng.

Mường Khương là huyện vùng cao biên giới, nhiều dân tộc thiểu số, thụ hưởng Chương trình 30a của Chính phủ. Cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc đã nỗ lực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, củng cố an ninh - quốc phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Được sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực lao động của người dân, Mường Khương đã hình hành vùng quýt hàng hóa, tập trung ở các xã, thôn bản biên giới, trên vùng đất đá có độ dốc cao, thiếu nước tưới; với gần 400 ha (có 100 ha đang cho thu hoạch), cho sản lượng hằng năm hơn một nghìn tấn quả, đem về nguồn thu hàng chục tỷ đồng, là “mũi nhọn” xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu của đồng bào các dân tộc thiểu số, như: Tu, Dí, Pa Dí, Phù Lá, Nùng.

Quýt Mường Khương được trồng trên vùng đất ở độ cao trung bình gần một nghìn mét (so với mực nước biển), quả to, vỏ dày, vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng; bao gồm các giống quýt: Bột, quýt sen và quýt đường, có thời vụ chín rải đều từ tháng 8 (âm lịch) đến tháng Giêng. Đặc biệt, quýt Mường Khương được người dân chăm sóc, thu hái và bảo quản tự nhiên, không dùng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất, bảo đảm sạch, an toàn cao.

Tại Lễ hội, Sở Khoa học và Công nghệ Lào Cai đã trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho quýt Mường Khương, do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp.

Theo Quốc Hồng/Nhân Dân

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top