Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 28 tháng 11 năm 2020 | 16:22

Liên kết, hành động và phát triển vực dậy du lịch sau tổn thất nặng nề vì Covid-19

Trước bối cảnh thị trường du lịch quốc tế toàn cầu đóng băng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Việt Nam cần chú trọng khai thác thị trường nội địa và nhanh chóng chuyển đổi số để vực dậy nền kinh tế.

Sáng 28/11, tại tỉnh Quảng Nam, Bộ VH,TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tổ chức Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển”. Đến dự hội nghị có, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng 400 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nghỉ dưỡng.
 
Ký kết hợp tác liên kết, phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Ký kết hợp tác liên kết, phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

 

Theo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, du lịch  là ngành dễ tác động thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh. Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam nói riêng và du lịch thế giới nói chung, du lịch là ngành chịu thiệt hại nặng nề và kéo theo sự sụt giảm của các ngành lĩnh vực liên quan và đời sống xã hội. 
 
Năm 2020, dự báo lượt du khách quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80% so với năm 2019, khách du lịch nội địa giảm 45% và thiệt hại về nền kinh tế du lịch lên tới khoảng 23 tỷ USD.
 
Ông Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hôm nay hội nghị toàn quốc du lịch được tổ chức, nhằm đánh giá tình hình, phương hướng giải pháp, phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch trong thời gian tới, ngành du lịch thực hiện mục tiêu kép vừa thực hiện phòng chống dịch bệnh an toàn, vừa phát triển du lịch hiệu quả, bền vững hướng đến hoàn thành các mục tiêu phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn”.
 
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cũng đề xuất giải pháp chiến lược nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch trong và sau Covid-19; đề xuất tái định hình chính sách hỗ trợ và cơ cấu lại ngành du lịch sau đại dịch; gợi ý xu hướng chuyển đổi số để phát triển thời “bình thường mới”; đề xuất mô hình và kinh nghiệm hợp tác, liên kết giữa các nhà đầu tư về quảng bá, xúc tiến.
 
Hội nghị còn đưa ra những giải pháp để ngành hàng không và du lịch cất cánh trở lại hậu Covid-19.  Bên cạnh đó, đại diện từ UBND các địa phương như Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế và TP. Hồ Chí Minh giới thiệu các giải pháp liên kết để tối ưu hoá nguồn lực; liên kết giữa các địa phương trong vùng nhằm tạo động lực mới cho phát triển du lịch trong và sau đại dịch; ứng dụng công nghệ số trong tham quan các điểm du lịch văn hoá.
 
Cũng tại hội nghị, lễ Ký kết hợp tác liên kết, phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh, thành gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
 
Giữ an toàn, chưa vội mở đường bay đón khách quốc tế
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng cho biết, năm 2019, nước ta giành được nhiều giải thưởng uy tín về du lịch. Điều này cho thấy chất lượng, môi trường du lịch đã được cải thiện rõ rệt.
 
Theo Phó Thủ tướng, du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt. Người dân đã được tạo điều kiện, tham gia vào làm du lịch cộng đồng.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giữ an toàn, chưa vội mở đường bay đón khách quốc tế
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giữ an toàn, chưa vội mở đường bay đón khách quốc tế

 

Một trong những lý do mà nhiều người nước ngoài thích đến Việt Nam là vì sự thân thiện của con người Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, ngành du lịch cũng còn đối mặt với một số thách thức như chất lượng chưa sâu, liên kết giữa các địa phương còn yếu.
 
Phó Thủ tướng nhắn nhủ đến các địa phương cần tập trung khách du lịch nội địa và làm sao để người Việt được trải nghiệm du lịch cao cấp. Cuối tháng 7, đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến du lịch gặp khó. Lúc này, chúng ta cần giữ cho được sự an toàn, chưa vội mở các đường bay quốc tế đón khách nước ngoài, coi đây là bước nghỉ cần thiết, để nhìn lại mình, chú trọng phát triển du lịch nội địa.
 
Đề cập đến việc chuyển đổi số để phát triển du lịch, Phó Thủ tướng nhận định, du lịch là ngành có cơ hội chuyển đổi số rất nhanh. “Dưới sự chủ trì của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tôi kêu gọi các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch tích cực tham gia, tạo ra nền tảng số", Phó Thủ tướng nói.

Dựa trên các nền tảng số, du khách có thể trải nghiệm, tìm hiểu trước khi có quyết định đặt phòng, đăng ký tour không chỉ với các DN du lịch lớn mà nhà hàng, cơ sở lưu trú nhỏ, từng sản phẩm, dịch vụ du lịch… Làm sao để người dân chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh có thể tìm hiểu, lên kế hoạch đặt mua vé máy bay, tàu, xe, phòng khách sạn, đi đến các khu du lịch, danh thắng, bảo tàng, di tích lịch sử…

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu ba vấn đề mà ngành du lịch cần tập trung đẩy mạnh. 

Thứ nhất là phải đảm bảo chất lượng du lịch ở tất cả các phân khúc. Thực tế cho thấy những cơ sở kinh doanh lớn, cao cấp rất chú ý đến chất lượng nhưng chất lượng những cơ sở ở phân khúc thấp hơn lại không được nâng lên, thậm chí có ý kiến nhận định là đi xuống.

Thứ hai là yêu cầu tái cơ cấu thị trường khách du lịch nước ngoài, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhằm khắc phục tình trạng bị động, thiếu định hướng trong phát triển thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các DN du lịch cần quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa, “làm sao để người Việt Nam được trải nghiệm những sản phẩm du lịch cao cấp mà trước đây thường dành cho khách nước ngoài”.

Thứ ba, phát triển du lịch trước hết phải đảm bảo an toàn. Phó Thủ tướng nhắc lại bài học Đà Nẵng và cho rằng “trong lúc này, với thị trường trong nước, các DN du lịch cố gắng cùng nhau vượt qua, đồng thời tự làm mới mình, khắc phục những bất cập, hạn chế vốn đã được nhận diện nhưng chưa có thời gian, điều kiện thực hiện”.

Đánh giá cao sáng kiến liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM với các vùng trong cả nước, Phó Thủ tướng cho rằng các địa phương cần chú ý hơn nữa đến khắc phục bất cập, hạn chế trong phối hợp, kết hợp phát triển du lịch, không chỉ giữa địa phương với nhau mà còn giữa các ngành, các DN, giữa cơ quan nhà nước với DN, cơ quan nhà nước với cộng đồng…

“Nếu kết nối, phối hợp tốt, chúng ta có thể làm được những việc tưởng chừng không làm được và nhiều nước tưởng rằng rất khó, mà thời gian phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua là một ví dụ”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị những người làm du lịch cả nước nắm chặt tay nhau cùng hành động vì sự phát triển của du lịch Việt Nam./.

 
 
 
 
Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
Top