Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 4 năm 2022 | 10:25

Lộc Trời cam kết cố gắng vượt kế hoạch lợi nhuận, không nhận thưởng vượt chỉ tiêu

Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) - Tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022.

1.jpg
 Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời trả lời câu hỏi của cổ đông

 

Tại ĐHĐCĐ, Ban lãnh đạo tập đoàn đã báo cáo ĐHĐCĐ về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2021, kế hoạch ngân sách và lợi nhuận 2022 đồng thời trình đề xuất phương án tăng vốn điều lệ thêm 100 tỷ đồng lên mức 905 tỷ đồng nhằm chuẩn bị nguồn lực tài chính cho việc triển khai các hoạt động chiến lược trong thời gian tới. ĐHĐCĐ đã thông qua các nội dung này với tỷ lệ đồng thuận cao đồng thời bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát.

Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ đã một lần nữa đồng ý chủ trương cho phép công ty giữ nguyên cam kết lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng mỗi năm đến năm 2023 và tán thành đề nghị của Hội đồng Quản trị (HĐQT) và Ban điều hành trong việc trích lập toàn bộ khoản lãi sau thuế vượt chỉ tiêu vào các quỹ dự phòng rủi ro dành cho các hộ nông dân liên kết và đội ngũ nhân viên tập đoàn.

HĐQT và Ban lãnh đạo cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa và không nhận thưởng vượt chỉ tiêu cho đến khi hai quỹ này tích lũy được 360 tỷ đồng mỗi quỹ.

Năm 2021, đối mặt với các khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 như tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng bởi các biến động trên thị trường thế giới, Ban lãnh đạo cùng đội ngũ nhân viên tập đoàn đã cùng nhau nỗ lực và hoàn thành xuất sắc kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mức doanh thu thuần cao nhất trong lịch sử hoạt động, đạt 10.224 tỷ đồng, tăng 36%; lợi nhuận hợp nhất sau thuế công ty mẹ đạt 418 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu cam kết 5% và tăng 14% so với cùng kỳ.

Trong năm, tập đoàn đã giữ vững cam kết không tăng giá cung ứng vật tư nông nghiệp, đồng hành cùng đại lý và nông dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; tổ chức sản xuất quy mô lớn và chủ động thu mua lúa không tiếp xúc trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, đáp ứng các đơn hàng trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh ngành Vật tư Nông nghiệp, ngành Lương thực của tập đoàn đã có bước tiến đáng kể, đóng góp 4.073 tỷ đồng vào doanh thu chung của tập đoàn. Lộc Trời cũng đã tiến hành chia cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% vào tháng 11/2021.

Năm 2022, tiếp tục thực hiện chiến lược mà HĐQT đã đề ra về phát triển nông nghiệp bền vững, tối ưu lợi ích cho cổ đông và nhà đầu tư trong dài hạn, chia sẻ lợi ích với đối tác trong hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời và bà con nông dân, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người lao động đồng thời góp phần giữ cho môi trường nông thôn xanh sạch, đáng sống, Ban lãnh đạo tập đoàn giữ vững cam kết lợi nhuận ít nhất 400 tỷ đồng và chia cổ tức năm 2021 ở mức 20% (tăng 5% so với năm 2020, cổ tức các năm tiếp theo: 2022 là 25% và 2023 là 30%).

Để thực hiện tốt kế hoạch này, ngay từ đầu năm, lãnh đạo tập đoàn đã thành lập Công ty Cổ phần Nông sản Lộc Trời (LTA) và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Lộc Trời (LTS) để đẩy mạnh hoạt động. LTA đã ký kết với các đối tác và các ngân hàng để tài trợ mua – bán 2 triệu tấn lúa trong năm 2022. Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời (LTF) cũng đã ký liên kết sản xuất với Liên hiệp Hợp tác xã Thoại Sơn (An Giang) để tổ chức sản xuất đơn hàng này theo tiêu chuẩn của các thị trường mục tiêu, đồng thời trao tặng 123 bộ máy nông nghiệp cho các hợp tác xã để sẵn sàng cùng bà con nông dân bước vào giai đoạn cơ giới hóa đồng bộ hoạt động sản xuất. Bên cạnh hoạt động truyền thống về lúa gạo, tập đoàn cũng mở ra hướng sản xuất kinh doanh mới khi bắt tay vào việc trồng để cung cấp thức ăn xanh cho các công ty chăn nuôi gia súc trên phạm vi cả nước.

Để chuẩn bị nguồn lực cho chiến lược phát triển và mở rộng quy mô, Ban lãnh đạo Lộc Trời trình ĐHĐCĐ về việc đăng ký ngành nghề kinh doanh chính; trích quỹ đầu tư phát triển cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới và quan trọng hơn là kế hoạch tăng vốn bằng phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược với tổng giá trị cổ phiếu dự kiến phát hành tính theo mệnh giá là 100 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ công ty lên hơn 905 tỷ đồng, triển khai trong năm 2022 và thời gian tới. Toàn bộ nội dung các tờ trình quan trọng này đã được các cổ đông tham dự đại hội tán thành thông qua.

Tại Đại hội, Ban lãnh đạo tập đoàn đã báo cáo sơ bộ về kết quả kinh doanh tạm tính trong quý I/2022 với nhiều điểm khả quan, theo đó doanh thu thuần 3 tháng đầu năm 2.345 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt 184 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm ngoái.

2.jpg
 Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời

 

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, năm 2022, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp, duy trì và phát huy vị thế của Tập đoàn trong ngành vật tư, dịch vụ nông nghiệp, chế biến, phân phối và xuất khẩu lúa gạo, Ban lãnh đạo Lộc Trời sẽ tiếp tục thử nghiệm các hướng đi mới, bao gồm việc cung cấp dịch vụ canh tác, bao tiêu, phân phối và xuất khẩu các loại rau màu, cây ăn quả, đồng thời từng bước mở rộng sang thị trường thức ăn gia súc, sản phẩm hữu cơ, vi sinh… Tận dụng thế mạnh trong việc có sẵn nguyên vật liệu đầu vào, sở hữu tri thức nông nghiệp, năng lực sản xuất lớn, khả năng tiêu thụ sản phẩm cùng với sự đồng hành của đối tác chiến lược.

“Dự kiến, chúng tôi sẽ phối hợp với đối tác để phát triển một sản phẩm bảo hiểm với mục đích bảo đảm thu nhập cho bà con nông dân liên kết với Lộc Trời, nếu thành công thì đây sẽ là bảo hiểm nông nghiệp đầu tiên tại Việt Nam”, ông Nguyễn Duy Thuận chia sẻ.

Còn theo ông Philipp Roesler, thành viên HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, trong thời gian tới, Lộc Trời sẽ hướng tới việc tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thương mại nông sản, công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp, hợp tác tín chỉ carbon...

“Tôi được biết, gạo của Lộc Trời từ lâu đã đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường khó tính nhất thế giới và được ưa chuộng tại châu Âu, tuy nhiên chỉ đang được phân phối dưới thương hiệu của đối tác tại các nước sở tại. Là thành viên HĐQT, tôi đang góp sức cùng đội ngũ đưa các sản phẩm như Lộc Trời 28, Jasmine, Vibigaba và Sức sống Mekong… xuất khẩu vào các nước châu Âu dưới chính thương hiệu Lộc Trời, giúp gạo Lộc Trời khẳng định vị thế chất lượng và tăng sản lượng tiêu thụ qua từng năm”, ông Philipp Roesler cho biết.

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết, hai năm qua là khoảng thời gian chứng kiến nhiều biến động của ngành nông nghiệp. Đại dịch COVID-19 làm đứt gãy kết nối thương mại nông sản trong khi mưa đá, hạn mặn, lũ lụt tiếp tục ảnh hưởng đến canh tác, đời sống của bà con nông dân và cán bộ nhân viên. Trong suốt thời gian qua, Lộc Trời đã nỗ lực không chỉ để “Cùng nông dân phát triển bền vững” mà còn hoàn thành vượt mục tiêu kinh doanh cam kết với cổ đông để trích lập toàn bộ số lợi nhuận vượt chỉ tiêu cho hai quỹ “tích cốc phòng cơ”.  HĐQT và Ban điều hành của Tập đoàn cam kết không nhận thưởng vượt chỉ tiêu cho đến khi hai quỹ này đạt giá trị 360 tỷ mỗi quỹ. Số tiền này thuộc sở hữu của cổ đông nhưng là khoản dự phòng “bảo hiểm” cho nông dân và CBCNV trong trường hợp có biến động lớn, giúp bà con nông dân an tâm canh tác, ổn định chuỗi sản xuất của Tập đoàn”.

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
Top