Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 2 tháng 6 năm 2017 | 1:45

Lúa Thiên ưu 8 bị đạo ôn cổ bông trên diện rộng ở Hà Tĩnh: Ngành chức năng lúng túng!

21.000ha lúa bị mất trắng; 1/3 sản lượng lúa của tỉnh bị tụt giảm, gây thiệt hại trên 700 tỷ đồng. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc này?

Người dân xót xa bên đống lúa Thiên ưu 8 có vỏ không có hạt.

Kẻ đầy bồ, người treo niêu

Cho đến thời điểm này, nông dân Hà Tĩnh đã thu hoạch xong lúa vụ này trong tình trạng kẻ đầy bồ người treo niêu. Ai làm giống lúa Thiên ưu 8 thì mất trắng, còn những người trồng giống lúa khác thì được mùa to. Điều đáng tiếc là, cho đến thời điểm này, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh vẫn không hề tổ chức bất kỳ một cuộc họp khẩn nào mà vẫn đang tiếp tục chạy đôn chạy đáo để lấy cho bằng được 400 tấn lúa giống gọi là giống hỗ trợ nông dân mất mùa để bà con sản xuất vụ hè thu tới.

Tính đến cuối vụ xuân 2017, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 21.500ha lúa bị thiệt hại do bệnh đạo ôn cổ bông gây ra, trong đó diện tích lúa Thiên ưu 8 chiếm đến gần 18.000ha. Các huyện bị thiệt hại nặng nhất là Thạch Hà (3.382ha), Cẩm Xuyên (3.679ha), Hương Sơn (2.256,8ha), Can Lộc (2.672,8ha), Đức Thọ (2.018ha), Nghi Xuân (1.973ha)... khiến sản lượng lương thực giảm 12 vạn tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Hữu Phong, nông dân thôn Kỳ Sơn, xã Thạch Đài, Thạch Hà nói: “Khi nghe cán bộ công ty cũng như huyện tuyên truyền Thiên ưu 8 là giống lúa chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh đạo ôn (quảng cáo ngoài bao bì) nên gia đình tôi mua về gieo cấy 13 sào. Khi đưa giống đi ngâm ủ thì có khoảng 1/3 hạt lép nổi lên mặt nước buộc phải xúc vớt đổ đi. Một điều lạ là, khi lúa đến thời kỳ con gái, có hai cán bộ về tuyên truyền, bán cho mỗi hộ nông dân 2 lọ thuốc và nói, đây là thuốc chống bệnh đạo ôn gây hại trên lúa. Sau đó, đến thời kỳ trổ bông chúng tôi thấy ở cổ bông xuất hiện một vòng mờ thâm đỏ, bông nào đậm hạt lúa chuyển sang màu trắng, lép hạt. Lúc đó chúng tôi mới vỡ lẽ cả diện tích đã bị nhiễm bệnh cổ bông nặng, mọi người tự mua thuốc về cứu lúa nhưng không ăn thua bởi đạo ôn cổ bông ăn ngay từ trong thân. Thế là toàn bộ diện tích lúa nhà tui mất trắng”.

Chung tình cảnh như ông Phong, ông Thân Toản ở thôn Trung, xã Thạch Lưu cũng gieo cấy 3,1 mẫu giống Thiên ưu 8 nhưng tất cả đều mất trắng.

Theo ông Nguyễn Huy Hà, Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân (huyện Thạch Hà), nguyên nhân dẫn đến bệnh đạo ôn cổ bông là do giống, bởi khi ủ, hạt lép nổi lên nhiều. Phần nữa, cùng trong một ruộng nhưng cấy giống hương thơm thì được mùa, không nhiễm đạo ôn, còn Thiên ưu 8 thì mất trắng. Được biết, xã Thạch Xuân có 525ha lúa vụ xuân, trong đó cơ cấu 331ha là giống Thiên ưu 8 thì có đến gần 300ha mất trắng, diện tích còn lại thiệt hại từ 50 - 70%.

Ông Đào Nghĩa Nhuận, Trung tâm Khoa học nông nghiệp Hà Tĩnh cho rằng, nguyên nhân mất mùa là do giống Thiên ưu 8 đã đến thời kỳ ủ bệnh, thoái hóa lại gặp thời tiết Hà Tĩnh khắc nghiệt nên sức chống chịu kém. Theo ông Nhuận, đây có thể coi là vụ mùa thất bát nặng nề nhất từ trước tới nay nên đơn vị cung cấp giống lúa này (Công ty CP Giống cây trồng Trung ương) phải chịu trách nhiệm.

Phải chịu nhiệm trước dân?

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên nông dân Hà Tĩnh sử dụng phải giống kém chất lượng. Được biết, vụ xuân năm 2014, một công ty vật tư nông nghiệp làm ăn có uy tín trên cả nước  khi vào Hà Tĩnh cung ứng giống cho nông dân ngâm ủ, giống nảy mầm chậm do rét đậm, rét hại kéo dài. Dù chưa gây thiệt hại gì đối với nông dân nhưng nhờ sự chỉ đạo cương quyết của UBND tỉnh Hà Tĩnh, nhà sản xuất giống cũng đã nhận trách nhiệm, bồi thường thiệt hại cho nông dân, kể cả lãi suất ngân hàng. Chưa dừng lại ở đó, lãnh đạo tỉnh còn chỉ đạo giao cơ quan chuyên môn phải làm thủ tục để phạt 3 tỷ đồng, đồng thời giao cho cơ quan điều tra làm rõ, yêu cầu ngành nông nghiệp tuyệt đối không được cơ cấu bất kỳ loại giống gì của công ty này khi chưa giải quyết xong.

Rất tiếc, trong vụ việc giống lúa Thiên ưu 8 lần này, tỉnh Hà Tĩnh chưa có được sự kiên quyết đó.

Một cán bộ ngành nông nghiệp đã nghỉ hưu cho rằng, để nông dân bị mất mùa, trách nhiệm trước hết phải thuộc về ngành chuyên môn đó là Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh không kiểm tra chất lượng giống, thiếu kiểm tra thường xuyên trên đồng ruộng để bệnh đạo ôn bùng phát mạnh. Đó là chưa kể, cách xử lý hậu quả cũng chậm khi đến thời điểm này, tỉnh chưa hề tổ chức bất kỳ một cuộc họp nào để chính thức đưa ra con số thiệt hại, tìm nguyên nhân từ đâu, ai là người phải chịu trách nhiệm.

Hà Tĩnh mất mùa, trong khi các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Thanh Hóa được mùa to. Vì thế không thể đổ lỗi cho thời tiết mà phải khẳng định là do giống. Đã là do giống thì Hà Tĩnh không nên sử dụng bất kỳ một loại giống nào của công ty này nữa, đằng này nông dân đang lo lắng vì thiếu đói thì ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục đưa 400 tấn giống lúa của công ty này về buộc dân phải sản xuất theo kiểu hỗ trợ. Việc làm này thể hiện sự thiếu trách nhiệm, nếu không muốn nói là vô cảm.

Liên quan đến vụ việc này, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn gay gắt: “Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nông nghiệp chỉ đạo như thế là không ổn, bởi mất trên 20.000ha lúa mà chỉ đạo vô cảm, thiếu trách nhiệm quá. Tại sao mấy tỉnh miền Trung thời tiết na ná Hà Tĩnh mà Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An lại được mùa to, trong lúc đó Hà Tĩnh lại bị mất mùa nặng. Cái này cần xem xét lại”.

Đã đến lúc ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh cần nhìn thẳng vào sự thật, tìm hiểu nghiêm túc nguyên nhân gây mất mùa để có hướng hỗ trợ nông dân kịp thời.

Anh Bình

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top