Đứng dậy từ khói lửa chiến tranh, đau thương mất mát, 41 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Đắk Glei (Kon Tum) đã phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương.
Đường Hồ Chí Minh qua huyện Đắk Glei.
Ngày 16/3 cách đây 41 năm, vùng đất Kon Tum, một trong những chiến trường ác liệt nhất thời chống Mỹ, được giải phóng. Đứng dậy từ khói lửa chiến tranh, đau thương mất mát, 41 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Kon Tum phát huy cao độ tinh thần đoàn kết chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương.
Từ TP. Kon Tum theo đường Hồ Chí Minh ngược lên hướng Tây Bắc, sau khoảng 2 tiếng ngồi ô tô, bạn đã có mặt tại thị trấn huyện Đắk Glei. Đến những làng xã xa hơn như Đắk Man, Đắk Blô, Đắk Choong, Ngọc Linh… cũng chỉ mất thêm vài chục phút, nhờ hệ thống giao thông đã khá hoàn thiện.
Bên đường Hồ Chí Minh, xe cộ ngược xuôi vào Nam ra Bắc, ông A Thế, người con của dân tộc Giẻ Triêng, làng Đông Lốc, xã Đắk Man, bồi hồi nhớ lại: “Tháng 4/1997 tách xã, đi lại rất khó khăn. Đoạn đường này ngày xưa còn có cọp, giờ đường Hồ Chí Minh đi qua nên đi lại rất thuận tiện”.
Để có được sự thay da đổi thịt hôm nay, cùng với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, Đảng bộ, nhân dân huyện Đắk Glei cũng trải qua 41 năm kiến thiết xây dựng. Ngay từ những ngày sau giải phóng, huyện đã tiến hành những cuộc “cách mạng” trong sản xuất lúa nước giúp đồng bào các dân tộc thiểu số chấm dứt cảnh phát - đốt - chọc - trỉa. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, nhiều loại cây trồng như cà phê, cao su, bời lời… giờ đã trở nên quen thuộc với người dân và cho thu nhập cao.
Là xã đầu tiên trồng cà phê của huyện, ở Đắk Choong bây giờ nhà nào cũng trồng được loại cây này. Những điển hình như Thôn trưởng A Thuốc, làng Bê re; các anh A Duông, A Anh (làng Đắk Glei)..., mỗi năm có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cây cà phê ngày càng nhiều.
Ông A Mô, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Choong, cho biết: “Bà con mình phát triển kinh tế rất tốt so với trước, thu nhập cũng tương đối khá. Nghèo thì vẫn còn nhưng hộ đói không còn nữa. Nhà cửa được xây dựng khang trang, so với năm 1996 thì hiện nay tỷ lệ nhà xây đạt khoảng 70%”.
Cùng với tích cực giúp người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm thay đổi tư duy sản xuất, huyện Đắk Glei cũng đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho thương mại, kích thích sản xuất phát triển. Đến nay, 11 xã, đặc biệt là những xã vùng sâu khó khăn như Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp, Đắk Blô đã có đường ô tô đến trung tâm cả hai mùa mưa nắng. Hệ thống điện lưới quốc gia phủ gần kín các thôn làng.
Không phải lo lắng quá nhiều cho cái ăn, cái mặc hàng ngày, người dân Đắk Glei ngay cả ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giờ đã suy nghĩ nhiều hơn tới việc làm giàu và cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Những xã điểm nông thôn mới như: Đắk Môn, Đắk Pét, Đắk Kroong là niềm tự hào của đồng bào nơi đây. Với tổng dân số gần 45.000 nhân khẩu, trên 82% là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, Đắk Glei xác định cùng với việc đưa cây - con giống mới vào sản xuất sẽ tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, tạo thương hiệu cho các loại nông sản.
Ông A Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Glei, cho biết: “Huyện tập trung chỉ đạo phát triển 3 loại cây mũi nhọn là cao su, cà phê và bời lời. Với cao su, tập trung tại 3 xã phía Nam: Đắk Long, Đắk Môn, Đắk K’roong, hiện đạt 1.100ha. Cà phê phát triển ở 6 xã phía Bắc gồm: Đắk Blô, Đắk Man, Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp. Đến năm 2020, diện tích cà phê sẽ đạt 1.600ha. Bời lời tập trung ở xã Đắk Pét và thị trấn Đắk Glei; giảm diện tích lúa và cây mì”.
Đến Đắk Glei sau 41 năm giải phóng, càng thấm thía và sâu sắc thêm giá trị của độc lập, hòa bình. Vươn lên mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và xây dựng 130km đường biên giới hoà bình, hữu nghị với nước bạn Lào, Đắk Glei đang viết nên những trang sử mới trên vùng đất cực Bắc Tây Nguyên.
Khoa Điềm
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.