KTNT - Dân tộc ta từ bao đời đã ghi nhận sức cống hiến to lớn của người phụ nữ Việt Nam. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, người phụ nữ Việt Nam đã trở thành người mẹ mẫu mực, biết hy sinh và cống hiến thầm lặng tiễn đưa những người con ra chiến trận.
Trong chuyến hành hương do Phó ban tổ chức Thành ủy Tuy Hòa - ông Nguyễn Bá Bình làm trưởng đoàn - Đoàn đã tham quan thành cổ Quảng Trị, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh hàng vạn chiến sĩ và đồng bào trong cả nước đã anh dũng hy sinh tại đây.
Để tỏ lòng tri ân đến các mẹ, đặc biệt là những người mẹ Việt Nam anh hùng, hàng năm, Thành ủy Tuy Hòa (Phú Yên) thường tổ chức Đoàn cán bộ, chiến sỹ tham gia cách mạng trước năm 1975 tham quan một số nơi ghi đậm dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc, sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha ông và con cháu Bác Hồ để cho hôm nay và mai sau đất nước ngày càng nở hoa, kết trái.
Điểm đến đầu tiên của Đoàn chúng tôi là vùng đất Quảng anh hùng. Trước khi đến với thành phố cổ Hội An (Quảng Nam), Đoàn dừng chân tại TP.Tam Kỳ văn minh và hiện đại trong thời kỳ đổi mới, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh, trước tượng đài vĩ đại của mẹ Nguyễn Thị Thứ - người mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu cho hàng nghìn người mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước.
Anh Huỳnh Như Ngân, nguyên Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Yên dâng trào cảm xúc:
Trải qua các cuộc trường chinh
Biết bao con cháu hiến dâng cho đời
Chỉ riêng mẹ Thứ một mình:
Chín trai, hai cháu, một chàng rể ngoan
Đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc
Để Bắc – Trung – Nam thống nhất vẹn toàn
Con xin kính cẩn nghiêng mình
Nghìn năm ghi tạc muôn đời nhớ ơn!
Đó cũng là cảm xúc của Đoàn chúng tôi, là sự tri ân vô bờ bến về các mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh ra những người con anh hùng. Cảm xúc ấy, đã thắm vào máu thịt của chúng tôi trong suốt cuộc hành trình của chuyến tham quan về với Thủ đô viếng lăng Bác Hồ.
Thắp nén hương lòng trước mộ các anh hùng, chiến sỹ tại Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang đường 9 (Quảng Trị) và đặc biệt nghĩa trang không mộ Thành cổ Quảng Trị, tất cả đều vọng vào tai chúng tôi âm vang trong lòng đất lời của mẹ Nguyễn Thị Thứ: Nơi nào có con cháu mẹ nằm là nơi đó có mẹ. Năm 2012, khi mẹ còn sống, lúc ấy đã là 103 tuổi, Nhà nước có quyết định xây dựng tượng đài cho mẹ, một nhà báo đến hỏi mẹ: Vậy, tượng đài đó, mẹ muốn đặt xây nơi nào? Mẹ Thứ liền trả lời: Các con cháu mẹ nằm nơi nào mẹ nằm nơi đó! Ba năm sau mẹ mất, đại thọ 106 tuổi, tượng đài mẹ Thứ được đặt xây bên cạnh nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Nam. Tại đây, còn có nhà bảo tàng của mẹ, dự kiến đưa vào hoạt động nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay (27/7/2017). Lúc đoàn chúng tôi tham quan, dù nhà bảo tàng chưa hoàn thiện, nhưng đã thấy trong tủ kính có nhiều hiện vật của các mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước gửi về, trong đó có chiếc khăn tay của mẹ Việt Nam anh hùng Phú Yên tự tay thêu tặng chiến sỹ.
Đoàn chúng tôi vào tham quan Thành Cổ Quảng Trị - nơi diễn ra những cuộc đụng đầu “nảy lửa” giữa ta và địch trong suốt 81 ngày đêm ròng rã (28/6/1972-16/9/1972). Trời vẫn còn mát, cuộc hành hương của chúng tôi nơi đây vẫn còn vương vấn cảm xúc về mẹ Thứ - Người mẹ hóa thân cho hàng ngàn người mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước, thoảng nhẹ lời ru: Dưới gốc cây, thảm cỏ non kia là máu xương hàng vạn con cháu của đồng bào cả nước! Chúng tôi nhẹ từng bước chân trên các đường đi trong công viên, như Lê Bá Dương - Người chiến sĩ năm xưa đã từng tiếp cận chiến lửa nơi này - Nay về thăm, nhẹ tay bỏ xuống dòng sông cho đồng đội những bông hoa, nghẹn ngào:
“Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”
“Kìa! Ngã ba Đồng Lộc – còn đó, có các em tôi!” - Một cựu chiến binh cùng đi trong Đoàn đã thốt lên như ậy khi xe chúng tôi chuẩn bị dừng nơi bi hùng này có 10 cô gái đã ngã xuống ở tuổi 18, đôi mươi. Anh tâm sự: Tôi là chiến sỹ lái xe, thường xuyên qua lại trên tuyến lửa ở ngã ba Đồng Lộc, đã từng tiếp xúc với các cô gái vui tính và dũng cảm này. Đoàn chúng tôi, hầu hết anh chị em lần đầu ra thăm miền Bắc, ai nấy đều háo hức tìm hiểu về dấu tích lịch sử oai hùng ở ngã ba Đồng Lộc tại phòng bảo tàng và xem phim tài liệu. Đến phần thuyết minh về 10 cô gái ngày đêm làm nhiệm vụ chốt ở ngã ba Đồng Lộc, họ dũng cảm đào phá bom mìn, lấp đường cho đoàn xe chi viện chiến trường miền Nam. Dũng cảm là vậy! Nhưng trong sâu thẳm của 10 cô gái thời ấy nào biết về tình yêu đôi lứa, chỉ biết có mẹ là người yêu quý nhất trên đời. Và, lúc ấy, bỗng cô thuyết minh thấp giọng như chính 10 cô gái năm xưa đã gửi cả tâm hồn và tình cảm về với mẹ qua những bức thư được lưu lại. Lời cô thuyết minh càng nhỏ lại càng xúc động mạnh, Đoàn chúng tôi không ai cầm được nước mắt!
Với tôi hôm nay, khi viết tới những dòng chữ về người mẹ Việt Nam, về người mẹ Việt Nam anh hùng, về người chị kính mến, về những cô gái trẻ TNXP thời ấy lại cũng dâng trào cảm xúc và nghẹn ngào bằng những giọt nước mắt tri ân!
Phi Công
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.