Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 3 năm 2018 | 21:21

Mùa săn cá Còi, ngư dân Thanh Hóa kiếm tiền triệu mỗi ngày

Cá còi sinh sống chủ yếu ở các vùng nước lợ, ở nơi cửa sông chảy ra biển. Cá Còi không chỉ biết lặn, biết chạy trên mặt nước, trên cạn, mà còn biết leo cây...

1-1.JPG

Người ta chỉ thấy được nó mỗi khi thủy triều rút, chỉ cần một tiếng động nhẹ cá chui vào hang ẩn nấp.

Cá Còi sống tập trung chủ yếu ở vùng biển huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Sở dĩ loài cá này có tên là cá Còi vì nó chỉ lớn bằng ngón tay, dài chừng 15cm, hai mắt lòi ra, trông gần giống cá bống suy dinh dưỡng. Tuy vậy thịt cá rất thơm ngon và có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như, kho, nấu canh, rán… được nhiều người yêu thích.

Cá tuy nhỏ bé, nhưng bắt được chúng lại hết sức khó khăn, vì chỉ cần một tiếng động hay thấy bóng người ngay lập tức chúng trốn vào hang ẩn nấp. Để bắt loài cá kỳ lạ này, ngư dân thường dùng cần câu có chiều dài 2 mét, dây cước sợi nhỏ màu sáng, lưỡi câu buộc chùm không ngạnh.

Cách câu cá Còi cũng rất đặc biệt, những “thợ săn” này không cần đến mồi câu. Khi phát hiện cá, họ chỉ cần di chuyển nhanh, nhẹ và phải đứng “bất động” quan sát, ngắm và vung cần về hướng cá thật nhanh. Ngoài câu ra, những ngư dân ở đây cũng có thể dùng đôi bàn tay của mình để lần mò bắt chúng ở những hang ngách nhỏ dưới bùn.

Ngư dân Nguyễn Thị Thanh, trú tại  xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc chia sẻ: Nếu muốn bắt được nhiều cá, ngoài sức bền ra người thợ cần phải nhanh mắt, có sự phán đoán theo hướng di chuyển mà dấu vết cá để lại sau những lần chúng đi kiếm ăn, từ đó lần mò ra tổ của chúng. Dụng cụ đựng cá phải bằng giỏ tre nhằm thoáng khí, có ít bùn, nước lọt vào cá mới sống lâu”.

Được biết, nghề bắt cá Còi đã có từ nhiều đời nay tại bãi bồi thuộc các xã như: Đa Lộc, Ngư Lộc, Minh Lộc thuộc huyện Hậu Lộc. Cá Còi sinh trưởng và phát triển mạnh từ tháng giêng dến tháng năm âm lịch hàng năm.  Môi khi thủy triều rút được khoảng một tiếng là bà con nơi đây lại gọi nhau cùng đi bắt cá. Giá bán cá Còi hiện nay khoảng 200- 220.000 đồng/kg.

Hiện, cá Còi ở Hậu Lộc luôn được xem là đặc sản ở các nhà hàng, khách sạn. Không chỉ trong nước, loại cá này còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế như Trung Quốc, Nhật Bản... Những con cá câu bằng lưỡi chùm thì phải bán luôn trong ngày, riêng cá đào bằng tay sống rất lâu nên thường đóng thùng để “xuất ngoại”.

2-1.JPG
Chỉ cần vài tiếng dưới bùn bắt cá người dân cũng có thu nhập từ 3 đến 6 trăm ngàn đồng

Bà Lê Thị Hằng (57 tuổi), trú tại thôn Đông Thành, xã Đa Lộc cho biết: “Vào mùa này có hàng trăm người đi bắt cá còi, phụ nữ và trẻ nhỏ thì đào bắt cá nấp ở dưới lớp bùn, còn đàn ông thì dùng cần câu với nhiều lưỡi câu chùm bắt cá đang đi kiếm ăn trên mặt bùn”.

Cũng theo người dân địa phương nơi đây, ở mỗi cửa sông thủy triều xuống khác nhau. Vào đầu mùa, nước xuống chậm nên thời gian bắt cá kéo dài hơn, người bắt giỏi cũng bỏ túi 600-800.000đồng, người bắt kém bình quân cứ 300-400.000 đồng/ngày.

3.JPG
Cá Còi săn được nhanh chóng được đưa về các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn

Ông Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho biết: “Nghề bắt cá còi ở địa phương đã có từ rất lâu, tuy nhiên, nó cũng chỉ là nghề phụ vì chỉ thu hoạch được mấy tháng, nhưng thu nhập cũng cao hơn so với một số nghề khác. Mấy năm nay diện tích bãi bồi cũng giảm, cá ít dần nhưng bù lại giá cả lại cao, bà con rất phấn khởi. Có thời điểm cá này “cháy hàng” không đủ nhập cho thương lái”.

 

 

 

 

Hà Khải - Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
Top