Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm nay sẽ vững đà tăng trưởng nhờ nhu cầu từ các thị trường vẫn tốt, nhất là EU và ưu đãi từ EVFTA.
Tuy nhiên, để thủy sản Việt Nam nói chung, con tôm nói riêng tăng thị phần ở EU (mới chiếm 1/60 tỷ USD) thì việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành là điều kiện tiên quyết.
Cơ hội
Ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết, nhiều năm qua, EU luôn được biết đến là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam.
Ngày 1/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, tạo ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU nhờ hàng loạt cam kết ưu đãi thuế quan.
Theo EVFTA, có khoảng 220 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở từ 0-22%, số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm, góp phần cho thủy sản Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh về giá so với các sản phẩm cùng ngành ở các nước khác.
Thống kê cho thấy, 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng thị trường EU, sau 2 năm liên tiếp xuất khẩu giảm sút, 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang EU đạt 28 triệu USD, tăng gần 76%; tôm xuất khẩu đạt 159 triệu USD, tăng 66%. Trong số đó, xuất khẩu đơn lẻ sang 3 thị trường chính là Hà Lan, Đức, Bỉ tăng lần lượt là 77%, 59% và 82%.
Ông Tài kỳ vọng, các doanh nghiệp sản xuất cung ứng sản phẩm cho ngành thuỷ sản Việt Nam sẽ có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về thị trường EU, nhu cầu hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam với các nước trong khu vực EU để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành thuỷ sản nói chung, xuất khẩu tôm nói riêng.
Năm 2022, xuất khẩu tôm sẽ tăng 10-12%
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), năm 2022, ngành thủy sản phấn đấu sản xuất 260.000 - 270.000 con tôm bố mẹ (tôm thẻ chân trắng 200.000-210.000 con, tôm sú 60.000 con); tôm giống khoảng 140-150 tỷ con (tôm thẻ chân trắng 100-110 tỷ con và tôm sú 30-40 tỷ con). Hiện, diện tích nuôi tôm cả nước đạt 750.000ha, tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (trên 80%); sản lượng tôm các loại 980.000 tấn, trong đó tôm sú 275.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 675.000 tấn... Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD.
Tôm sú Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn tại thị trường EU nhờ các ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Xuất khẩu tôm sú sống, tươi, đông lạnh tăng 117%. Các thị trường nhập khẩu tôm sú lớn nhất trong khối EU lần lượt là Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ, Pháp.
Chuyên gia thị trường tôm của VASEP, bà Kim Thu phân tích, các sản phẩm tôm sú chủ yếu xuất sang EU gồm tôm sú nguyên con tươi đông lạnh, tôm sú PD tươi đông lạnh, tôm sú bỏ đầu EZP tươi đông lạnh, tôm sú bỏ đầu HLSO EZP tươi đông lạnh, tôm sú IQF tươi đông lạnh, tôm sú PDTO hấp chín IQF, tôm sú HOSO tươi đông lạnh, tôm sú CPTO hấp đông lạnh…
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, năm 2022, dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm trên thế giới sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 10-12%.
Nâng cao chất lượng
Theo TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex Việt Nam, “điểm trừ” làm giảm lợi thế cạnh tranh của con tôm Việt Nam là giá thành cao. Để giải quyết vấn đề này, cần tăng tỷ lệ thu hồi đầu con, tức là tăng tỷ lệ thành công ao nuôi. Như vậy, cần con giống tốt và quy trình nuôi phù hợp hoàn cảnh cụ thể. Trong đó, chú trọng tối ưu hệ số thức ăn, bởi thức ăn có thể chiếm hơn 50% giá thành. Ngoài ra, xem xét giá cả tại các cơ sở cung ứng đầu vào, đặc biệt là thức ăn và các chế phẩm nuôi tôm.
“Cải thiện giá thành nuôi sẽ góp phần cải thiện giá thành tôm chế biến, sẽ tăng sức cạnh tranh tôm trên thương trường thế giới. Trong canh tác, doanh nghiệp khẩn trương thúc đẩy công tác đánh mã số cơ sở nuôi, bởi đây là xu thế tất yếu. Việc này triển khai nhanh chỉ có lợi cho tốc độ tăng trưởng (bề rộng) và thâm nhập các hệ thống phân phối cấp cao (chiều sâu), bởi các hệ thống cao cấp cần kiểm soát, truy xuất cả chuỗi”, TS. Hồ Quốc Lực nói.
Liên minh châu Âu (EU) là một trong 5 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Đối với EU, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản đứng thứ hai trong khu vực châu Á, chỉ xếp sau Trung Quốc. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của EU là rất lớn, gần 60 tỷ USD/năm. Năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU đạt trên 1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020. |
TS. Hồ Quốc Lực cũng cho rằng, ngành tôm cần có giải pháp tăng cơ sở nuôi đạt chuẩn chất lượng thị trường yêu cầu, cụ thể như ASC (chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động), tiêu chuẩn BAP (tiêu chuẩn nhằm đáp ứng về môi trường và trách nhiệm xã hội, quyền lợi động vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trong một chương trình chứng nhận tự nguyện nuôi trồng thủy sản). Cơ sở nuôi nhỏ lẻ không thể thực thi vì chi phí quá cao, ảnh hưởng tới giá thành nuôi.
Như vậy, nên có giải pháp tích điền hay thành lập dự án kêu gọi đầu tư nuôi tôm. Chỉ có cơ sở nuôi có quy mô hàng trăm hecta mới mang lại hiệu quả thiết thực, vì thuận lợi trong việc đầu tư, ứng dụng các thành tựu vào nuôi tôm. Giải pháp này hết sức có ý nghĩa cho việc tăng trưởng ở thị trường EU và Vương quốc Anh.
Song song với đó, cần nhanh chóng quy hoạch vùng nuôi từng quy mô, từng địa phương nhằm phát triển xanh, bền vững. Đây là giải pháp lớn trong chiến lược phát triển ngành tôm tới năm 2030.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Trong bối cảnh việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với trách nhiệm của NHTM Nhà nước, Ngân hàng vì cộng đồng đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030.