Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 9 năm 2016 | 2:37

Ngành y tế Bắc Ninh: Coi trọng đào tạo nguồn nhân lực

Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Sở Y tế Bắc Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường đào tạo nguồn nhân lực bằng nhiều hình thức khác nhau. Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Tâm, Phó giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, về vấn đề này.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hiện trạng nguồn nhân lực Y tế của tỉnh Bắc Ninh  hiện nay?

Hệ thống tổ chức của Sở Y tế Bắc Ninh gồm 07 phòng, ban giúp việc cho Giám đốc Sở; 02 Chi cục, 33 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; 08 Trung tâm Dân số cấp huyện trực thuộc Chi cục Dân số - KHHGĐ; 126 Trạm y tế cấp xã trực thuộc Trung tâm Y tế cấp huyện. Ngoài ra còn đội ngũ nhân viên y tế, cộng tác viên dân số thôn, khu phố được hưởng phụ cấp theo quy định của Trung ương và của tỉnh.

Bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Lương Tài siêu âm cho bệnh nhân.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn ngành (từ tuyến tỉnh đến tuyến xã) có 4.100 công chức, viên chức, lao động, trong đó có 887 bác sỹ với  04 tiến sỹ, 57 chuyên khoa cấp II, 62 thạc sỹ, 228 chuyên khoa cấp I và 536 đại học; 67 dược sỹ đại học (05 thạc sĩ, 17 CKI và 45 đại học); 125 dược sỹ cao đẳng và trung cấp; 720 y sỹ; 891điều dưỡng; 278 hộ sinh; 219 kỹ thuật viên; còn lại là các chức danh khác.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực trong những năm gần đây đã được thực hiện ra sao, thưa ông?

Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nội vụ trong công tác đào tạo bồi dưỡng. ngành Y tế Bắc Ninh luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước... đối với công chức, viên chức. Chuyên ngành đào tạo gắn với vị trí công việc được phân công, chức danh đảm nhiệm phụ trách hoặc chức danh quy hoạch của công chức, viên chức. Việc cử công chức, viên chức đi đào tạo bồi dưỡng luôn bám theo kế hoạch đào tạo của đơn vị đã được Sở Y tế phê duyệt. Đào tạo bồi dưỡng trên nhiều lĩnh vực và nhiều loại hình đào tạo khác nhau.

Hàng năm, các đơn vị xây dựng kế hoạch mở lớp bồi dưỡng như: đào tạo bồi dưỡng cho viên chức mới tuyển dụng, mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn theo từng chuyên đề và mở lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho tuyến dưới.

Mỗi đơn vị đều phân công 1 đồng chí lãnh đạo phụ trách và cử cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị. Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành lập Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến để tham mưu triển khai thực hiện công tác đào tạo không chỉ cho Bệnh viện mà còn cho các đơn vị khác trong ngành.

Trong giai đoạn 2011-2015, Sở Y tế đã cử đi đào tạo tiến sỹ, CKII 81 người; thạc sỹ, CKI 217 người; đại học: 202 người; đào tạo khác 128 người; đào tạo cao cấp LLCT 38 người; đào tạo Trung cấp LLCT 161 người,...

Thưa ông, trọng tâm ưu tiên trong công tác đào tạo thời gian tới của y tế Bắc Ninh là gì?

Sở tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch đào tạo; quản lý, sử dụng, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ cử đi đào tạo theo đúng kế hoạch, ưu tiên các chuyên ngành còn thiếu hoặc yếu về trình độ; tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ của các viện, trường để gửi cán bộ đi đào tạo và mở các lớp đào tạo tại tỉnh. Tiếp tục triển khai hình thức mời chuyên gia đầu ngành từ các đơn vị y tế Trung ương về đào tạo tại chỗ theo hình thức cầm tay chỉ việc và chuyển giao kỹ thuật trực tiếp. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý.

Bên cạnh đó, tập trung triển khai thực hiện đề án nâng cấp Trường Trung cấp y tế thành Trường Cao đẳng y tế vào năm 2017. Cử cán bộ đi đào tạo đại học và sau đại học để tăng tỷ lệ cán bộ có trình độ tiến sỹ - chuyên khoa II - thạc sỹ - chuyên khoa I, nhất là đối với đội ngũ bác sỹ, dược sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên. Đào tạo chuẩn hóa cho đội ngũ dược sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên có trình độ tối thiểu là cao đẳng hoàn thành trước ngày 01/01/2025; cân đối tỷ lệ hợp lý giữa trình độ sau đại học - đại học - cao đẳng; cử cán bộ công tác tại Trạm y tế cơ sở đi học bác sỹ gia đình và sau đại học về y học gia đình, tạo nguồn nhân lực triển khai mô hình phòng khám bác sỹ gia đình lồng ghép tại Trạm y tế cấp xã.

Cùng với đó, đề nghị các trường đại học y, dược đưa Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi và một số đơn vị trong ngành trở thành cơ sở thực hành. Gắn đào tạo chuẩn hóa về bằng cấp với đào tạo phát triển kỹ thuật để nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế. Đồng thời triển khai có hiệu quả công tác đào tạo liên tục cho đội ngũ cán bộ trong ngành theo quy định về đào tạo liên tục của Bộ Y tế.

Xin cảm ơn ông!

Hùng Sơn (thực hiện)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top