Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 5 năm 2021 | 15:2

Nghĩa đồng bào mùa dịch

Trong cơn “càn quét” của dịch Covid-19 càng thấy rõ hơn tính cách phóng khoáng, tấm lòng nhân nghĩa của người Việt Nam. Hoá ra giữa khó khăn mới thấy, nghĩa đồng bào chứa chan thế nào.

t13.jpg
Hội Phụ nữ tổ chức nấu cơm động viên, chia sẻ vất vả với các đồng chí trực các điểm chốt, khu cách ly phòng dịch covid 19.

 

“Chúng tôi không cô đơn”

Hà Tĩnh những ngày tháng 5, tiết trời nắng nóng ngột ngạt. Cái nắng càng thêm oi bức trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành phức tạp. Người người ra đường với khẩu trang kín mít nhưng trong khó khăn, những câu chuyện tình người vẫn luôn hiện hữu.

Do bị phong tỏa khi có ca tái dương tính với Covid-19 , hàng chục tấn dưa của người dân thôn Việt Yên, xã Việt Tiến (Thạch Hà) đến vụ thu hoạch nhưng không thể tiêu thụ. Các cơ quan đoàn thể Hà Tĩnh đã kết hợp chung tay “giải cứu” dưa giúp bà con.

Bà Nguyễn Thị Thuý Loan, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Thạch Hà, cho biết, sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khởi xướng việc “giải cứu” dưa cho người dân thôn Việt Yên, Hội đã cắt cử cán bộ xuống hỗ trợ thu hoạch, tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Sau hai ngày hỗ trợ giải cứu nông sản, các cơ quan đoàn thể đã thu hoạch và bán được trên 10 tấn dưa.

“Shipper 0 đồng” là cái tên mà nhiều người đặt cho các bạn ĐVTN, hội viên Hội LHPN huyện Thạch Hà trong những chuyến giải cứu dưa giúp bà con thôn Việt Yên. Mỗi ngày, các thành viên trong nhóm đều cẩn thận ghi lại các thông tin như: số lượng dưa đặt mua, loại dưa, địa chỉ giao... để đóng gói hàng theo đúng yêu cầu của các đơn vị. Ngoài ra, các bạn còn lập một cuốn sổ nhật ký để phân loại dưa, số lượng dưa của từng hộ dân, số tiền bán cho mỗi hộ nhằm đảm bảo công khai, minh bạch .

“Để giúp người dân yên tâm phòng dịch, chúng tôi đã cùng tham gia hái dưa, đóng hàng. Sau đó phân công: người thì lên mạng xã hội giới thiệu sản phẩm, người chịu trách nhiệm tìm đầu mối phương tiện để vận chuyển hàng hóa”, anh Võ Thanh Bình, Bí thư Huyện đoàn Thạch Hà chia sẻ.

 

t13a.jpg
Các tổ chức chung tay giải cứu dưa giúp người dân.

 

“Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng của các đơn vị cấp tỉnh, huyện, đến nay, hơn 30 tấn dưa của bà con thôn Việt Yên đã được bán hết. Chúng tôi bị cách ly nhưng không cô đơn, đây là động lực tinh thần lớn để bà con vượt qua thời gian khó khăn này, nghiêm túc chấp hành quy định của cơ quan chức năng”, ông Nguyễn Văn Quế, Chủ tịch UB MTTQ xã Việt Tiến cho biết.

Chị Lê Thị Loan (TP.Hà Tĩnh) xúc động chia sẻ: “Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, song ở trong hoàn cảnh này mới cảm nhận hết được sự quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ của mọi người dành cho mình. Những ngày cách ly của gia đình luôn thấm đượm tình người, tình nghĩa”.

Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn

“Đại dịch mang lại cho con người nhiều nỗi sợ, nhiều nỗi âu lo nhưng đồng thời cũng dạy cho con người biết cách sống... chậm lại, sống có ý nghĩa hơn, định vị lại nhiều giá trị của cuộc sống. Những ngày cách ly tại nhà, tôi nhận ra tài sản quý giá nhất là sức khỏe, chỉ cần có sức khỏe, an vui là đủ giàu rồi”, chị Nguyễn Thị H., xã Tượng Sơn (Thạch Hà) chia sẻ.

 

t13b.jpg
ĐTN Agribank chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thu mua, “giải cứu” hơn 1.165kg dưa hấu cho bà con nhân dân xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.

 

Phố xá vắng hoe, hàng loạt cửa hàng cửa hiệu treo biển tạm dừng hoạt động, nhà nào nhà đó đóng cửa im lìm. Cuộc sống những ngày chống dịch Covid-19 đang diễn ra theo cách rất khác. Guồng quay cuộc sống đang chậm lại. 24h mỗi ngày chủ yếu gói gọn trong mỗi ngôi nhà. Covid-19 đã mang đến những ảnh hưởng tiêu cực rất lớn, nhưng ở khía cạnh khác, giúp cho chúng ta nhận ra giá trị cuộc sống gia đình và trân quý hơn bao giờ hết. Có một điểm chung mà hầu hết các gia đình đều nhìn nhận và trân quý, đó là sức khỏe, tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ, lo lắng cho nhau.

Nghỉ chống dịch cũng khiến cho các thành viên trong gia đình quan tâm đến nhau nhiều hơn, nhất là vấn đề chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, nhắc nhở nhau thực hiện những việc đơn giản, cần thiết nhưng lâu nay đã bị xem nhẹ như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi ra đường... Và có lẽ, trong xã hội vốn đang quá nhanh này thì những ngày sống chậm có ý nghĩa hơn cả đối với các bạn trẻ tuổi.

 

t13c.jpg
Đại dịch mang lại cho con người nhiều nỗi sợ, nhiều nỗi âu lo nhưng đồng thời cũng dạy cho con người biết cách sống... chậm lại, sống có ý nghĩa hơn.

 

Em Đặng Thùy Tiên, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Cuộc sống sinh viên luôn vội vàng, vừa học vừa tham gia câu lạc bộ, đi làm thêm, nhiều tháng em còn không về nhà. Bữa ăn chỉ là cơm bụi, mì tôm, mì cay… Có dịp về nhà thì lại cùng các bạn cấp 3 đi chơi, ít khi có thời gian cho gia đình. Giờ nghỉ ở nhà chống dịch, dạy em học bài, cùng vào bếp với mẹ, được mẹ dạy nữ công gia chánh, được ăn bữa cơm do mẹ nấu thấy cuộc sống gia đình thật bình yên, hạnh phúc”.

Sống chậm giữa mùa dịch, cuộc sống dường như ngăn nắp hơn, điều mà lẽ ra nó phải thế. Không còn thấy phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn; không còn chen chúc. Tai nạn giao thông giảm hẳn, gây gổ, đánh nhau cũng ít đi. Dịch bệnh dạy cho con người ta học cách biết… sợ để mà sống chậm lại, sống có ý nghĩa hơn.

Cuộc chiến chống giặc Covid-19 còn dài, nhiều gian khó, nhưng chúng ta có niềm tin chiến thắng bởi những giá trị được kết tinh từ truyền thống của dân tộc. Trân trọng những giá trị ấy cũng là một cách tiếp thêm niềm tin trong trận chiến đầy gian khó này.

 

Bài 3: Làm việc tại nhà mùa Covid-19

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ) 

 

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top