Về xã Tân Ninh (Triệu Sơn - Thanh Hóa), hỏi anh Lê Sỹ Út, trồng cà gai leo ai cũng tận tình chỉ dẫn, bởi anh Út là người tiên phong trồng cây cà gai leo trên vùng đất sình lầy của xã và bắt đất nhả vàng.
14 tuổi trốn nhà đi học làm nông
Trước khi trở thành ông “trùm” trồng cây cà gai leo của xứ Thanh, anh Lê Sỹ Út (sinh năm 1977) bị cả làng gọi là khùng, điên bởi anh đam mê làm nông nghiệp từ nhỏ và có ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Nuôi ước mơ làm giàu từ bé, năm 1991, anh trộm tiền của bố mẹ để bắt xe vào tận Đắk Lắk học kỹ thuật trồng cây công nghiệp, trước khi đi anh để lại lời nhắn: “Bố mẹ đừng lo, con đi vào Đắk Lắk học trồng cây công nghiệp. Bao giờ xong con về”.
Rót chén nước mời khách, anh Út nhớ lại: “Bốn năm ở Đắk Lắk, tôi đã đi làm thuê khắp các vựa cà phê, vườn điều để học lỏm bí quyết nhưng thấy những loại cây này chẳng thể nào trồng được ở vùng đất sình lầy quê mình. Trở về làng thì bị mọi người dè bỉu”.
Năm 1997, xã Tân Ninh có quyết định giãn dân, hỗ trợ người dân vào vùng đất khó để khai hoang phát triển vùng kinh tế mới. Cả làng có hàng chục người đăng ký tham gia nhưng tất thảy đều bỏ cuộc, bởi đây là khu đất rộng ngập nước, sình lầy, có những nơi trũng sâu hoắm cả chục thước chẳng thể trồng trọt được gì, trong khi sức người có hạn.
Nhìn thấy người người lũ lượt kéo nhau về, chàng thanh niên Út lúc bấy giờ tròn 20 tuổi đã mạnh dạn lên xã đề nghị cho thuê 40ha đất sình lầy của xã. “Ông chủ tịch xã ngạc nhiên lắm, còn ngờ vực hỏi lại mình là người ta đang ùn ùn lên trả đất, anh lại đi thuê tận 40ha, liệu có làm được không?. Mình cười trừ bảo chú cứ để cháu thử sức”, anh Út kể. Còn dân làng khỏi phải nói, ai cũng tưởng anh bị điên.
Anh Lê Sỹ Út người được mệnh danh" ông trùm" trồng cà gai leo.
Khi có đất trong tay, anh Út vay mượn anh em họ hàng, bạn bè để mua 1 máy xúc trị giá 135 triệu đồng để làm thay nhân công. Cả người cả máy cần mẫn ngày đêm san núi lấp hồ, những vàn đất cao vút hay những hố nước sâu thẳm cũng được san phẳng tắp. Anh lặn lội vào Nam đem giống cây tràm về trồng, đất mới màu mỡ nên cây tràm lớn nhanh như thổi chẳng bao lâu được chặt cành bán lấy củi.
Nhìn thấy cỏ ở rừng tràm xanh mơn mởn anh Út nảy ra ý tưởng nuôi trâu. Nghĩ là làm, anh tiếp tục vay mượn anh em, bạn bè để mua 10 con trâu chỉ với giá 5 triệu đồng/con. Trâu cái sinh sản để lại nhân giống chỉ sau vài năm đàn trâu đã lên 50 con. Năm 2008, trâu được giá cao, gần 20 triệu đồng một con nghé, trâu mẹ hơn 30 triệu đồng/con. Năm 2009, anh là người đầu tiên của huyện Triệu Sơn bán rừng tràm với giá 1 tỷ đồng.
Bắt đất cằn “nhả” vàng
Lại nói về chiếc máy xúc của anh Út, những năm 2000, ở một huyện miền núi nghèo của tỉnh Thanh người dân đang còn lạ lẫm với máy móc, chưa biết đưa cơ giới vào nông nghiệp. Việc anh Út sở hữu một chiếc máy múc đã giúp anh làm không hết việc, ngoài làm cho gia đình, anh đem máy đi khắp các xã trong huyện để làm thuê. Nhiều nơi, anh nhìn thấy đất hai lúa kém hiệu quả bị bà con bỏ hoang rất nhiều.
Ở những mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” ấy người dân chẳng buồn ngó ngàng đến lại là “miếng mồi” béo bở của anh nông dân “khát” đất. Anh đã làm đơn lên UBND xã Thái Hòa để thuê hơn 140ha đất rừng và đất hai lúa kém hiệu quả, tiếp tục đầu tư mua thêm 2 chiếc máy múc. “Mình dành 34ha diện tích đất hai lúa kém hiệu quả để trồng các loại cây dược liệu cà gai leo, sa chi, bạch môn, cỏ ngọt. Trong đó, cây dược liệu cà gai leo chiếm gần 20ha và cho thu nhập hơn 3 tỷ đồng/năm. Trừ chi phí, loại cây dược liệu này cho lãi 1 tỷ đồng/năm. Gần 110 ha đất rừng mình trồng cây tràm đã và đang cho thu hoạch”.
Hiện tại, ngoài trồng trọt anh Út còn mở 2 trang trại lợn, một trang trại 2.000 con nuôi gia công cho Công ty Thái Dương, còn một trang trại nuôi 60 con nái theo chu trình khép kín, đẻ đến đâu để lại nuôi đến đấy. Trang trại tạo việc làm cho 60 lao động thường xuyên với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng đối với lao động nam và 2,7 triệu đồng/tháng đối với lao động nữ.
Chỉ với tình yêu, niềm đam mê với nông nghiệp, cậu bé nhà nghèo Lê Sỹ Út đã trở thành “ông trùm” cà gai leo ở Thanh Hóa và sở hữu trong tay nhiều cánh rừng tiền tỷ. “Tôi chưa thật sự hài lòng với hiện tại. Quê mình còn nhiều nơi bà con bỏ đất hoang không sản xuất, trong tương lai tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống trang trại của mình, mở thêm 1 trang trại bò với số lượng 100 con. Và tiếp tục chinh phục những mảnh “đất hoang” ở huyện lân cận để bắt đất nhả vàng”, anh Út chia sẻ.
Như Quỳnh