Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 1 năm 2021 | 15:26

Người dân Hà Tĩnh “gói” khó khăn, “mở” hy vọng

Năm 2020, người dân Hà Tĩnh trải qua bao biến cố của thiên tai, dịch bệnh nhưng từ trong gian khó, ý chí quật cường, tinh thần đoàn kết, sự gắn bó giữa ý Đảng, lòng dân càng được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.

Với sự cần cù, chịu khó, người dân Hà Tĩnh đã lấy lại được không gian bình yên vốn có, hăng say lao động, sản xuất “gói” khó khăn của năm cũ lại và “mở” ra nhiều niềm hy vọng mới.

 

t15.JPG

 Trải qua bao biến cố của thiên tai, dịch bệnh nhưng với niềm tin, hi vọng, sự cần cù chịu khó người dân Hà Tĩnh đã lấy lại được không gian bình yên vốn có, hăng say lao động, sản xuất như chưa hề có lũ đi qua.

 

Hồi sinh những miền quê sau lũ

Cơn lũ đi qua để lại bao hoang tàn, ngổn ngang, thế nhưng trở lại xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) ai cũng cảm nhận được tinh thần lạc quan, tin tưởng của người dân. Sau lũ, bà con cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, ra đồng khôi phục sản xuất, động viên nhau gắng gượng vực dậy sau những ngày gian khó.

Với phẩm chất cần cù, chịu khó vốn có, bà con nông dân đã bắt tay khôi phục những thành quả đã bị lũ lụt “cướp” mất.

Không còn là khu vườn hoang tàn, lấm lem màu nước bạc sau lũ, mà hiện nay trong vườn hộ của bà Trần Thị Thanh ở thôn Tân Tiến xã Tân Lâm Hương, màu xanh của các loại rau màu đang phủ kín diện tích gần 1.000m2 vườn hộ. Để có được những luống rau cải, ngò thơm, xà lách đang vào vụ thu hoạch như bây giờ, ngay sau khi nước rút, bà đã bắt tay ngay vào cải tạo đất sản xuất, lên luống và gieo trồng các loại rau màu.

Theo như chia sẻ của bà Thanh thì hơn tuần nay, mỗi ngày bà thu hoạch và đưa ra chợ bán tầm 10kg rau, thu trên 100 ngàn đồng. Ngoài sản xuất các loại rau màu, hiện tại trong vườn hộ của gia đình bà Thanh còn gieo trồng các loại cây leo như đậu cove, bí xanh, dưa chuột…, đang chờ ngày thu hoạch.

Con đường dẫn vào các khu dân cư (KDC) kiểu mẫu xã Thạch Hạ đã được dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, lấy lại được không gian bình yên vốn có như chưa hề có lũ đi qua. Đường thảm nhựa thoáng rộng, chạy dọc tuyến là hàng cây xanh và hàng rào hoa, cây cảnh. Ở những tiểu công viên, sáng, chiều bà con đi bộ thư giãn, tập thể dục, những trận bóng chuyền hơi giao hữu sôi động, trẻ em tíu tít vui đùa.

 

t15a.jpg

Ông Nguyễn Sông Hàn, Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ, cho biết: “Thiên tai bất ngờ ập tới, Thạch Hạ cũng như các địa phương khác của TP Hà Tĩnh phải chịu những thiệt hại nặng nề, nhất là các mô hình sản xuất rau, nuôi trồng thủy sản và nhiều tài sản của người dân. Mưa, lũ kéo dài đã khiến hành trình “cán đích” là xã NTM kiểu mẫu trở nên vất vả hơn, song không thể bỏ cuộc. Với khí thế, quyết tâm cao, người dân đang dồn sức “chăm chút” các tiêu chí, các khu dân cư, quyết tâm đưa xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu”.

Đến nay, Thạch Hạ đã hoàn thành 3/5 tiêu chí và đạt 90% tiến độ các tiêu chí còn lại trong xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hành trình nhiều nỗ lực của xã ven đô TP Hà Tĩnh đã nhìn thấy “vạch đích” cần đến…

Gieo mầm xanh hy vọng mới

Năm 2020,  năm người dân Hà Tĩnh “vật lộn” với nhiều “cuộc chiến” đầy cam go, thử thách: chống dịch Covid-19, chống “giặc lửa”, chống bão lũ… Nhưng có một điểm chung, ở “cuộc chiến” nào cũng bắt gặp sự kiên cường trong ý chí và một tinh thần đoàn kết, đồng lòng giữa chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Chính trong thời điểm khó khăn, cam go, sức mạnh đại đoàn kết càng được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

 

t15b.jpg
Đã có hàng nghìn tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên cả nước, kiều bào ở nước ngoài ủng hộ hàng trăm tỷ đồng, đồng lòng, chung sức cùng chính quyền trong thời điểm khó khăn.

 

Với tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, sự đồng thuận giữa ý Đảng, lòng Dân, cuộc sống đang hồi sinh dần trên từng ngõ thôn, đồng ruộng, phố phường mà cơn lũ đi qua, trên những cánh đồng, bà con đã bắt đầu gieo những mầm xanh mới; các nguồn tiền ủng hộ cũng đã bắt đầu được sử dụng để tái thiết các công trình công cộng bị hư hỏng…

Trong cao điểm chống dịch Covid-19, nhiều câu chuyện cảm động đã được viết lên bằng tình yêu thương, sự sẻ chia. Đó là cụ bà 98 tuổi Nguyễn Thị Huệ (xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn) chắt góp được 1 triệu đồng ủng hộ chống dịch; cô giáo Đậu Thị Thắm và con gái (xã Xuân Hải - Nghi Xuân) may hàng nghìn chiếc khẩu trang, làm hàng trăm mũ chắn giọt bắn tặng người dân và các cơ sở y tế; là bà Trần Chất (thị trấn Nghèn - Can Lộc) với rau, củ vườn nhà và bức thư cảm động gửi đến cán bộ, chiến sỹ…

Cũng trong lũ dữ, tình người được sưởi ấm khi những ngày qua, trên trang mạng facebook, nhiều đơn vị, cá nhân, đội nhóm trên địa bàn Hà Tĩnh đã đăng tin hỗ trợ, giúp đỡ người gặp nạn, cứu hộ xe cộ, cung cấp chỗ ở miễn phí, tìm chỗ nấu ăn cho người sơ tán, lực lượng cứu hộ…Những dòng thông tin ấy được nhiều người chia sẻ, khiến ai cũng thấy ấm lòng.

Trong cơn hồng thuỷ, những bếp lửa đượm tình yêu thương bập bùng cháy đỏ, những nồi bánh chưng, những nắm xôi vừa chín tới được người người cùng nhau “nấu” bằng cả tấm lòng. Trong khó khăn, người Hà Tĩnh lại nhắc với nhau nhiều hơn về những câu hát “Quê tôi ngàn năm khó nhọc, mà sống chắt chiu câu nghĩa tình”.

 

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top