Mắt đăm chiêu, đôi bàn tay nhảy múa linh hoạt trên sợi dây đàn, khuôn miệng nhúc nhích phát ra những âm thanh làm thành giai điệu. Nghệ nhân Rơ Chăm Tý vẫn ngày đêm lặng lẽ góp phần giữ hồn văn hóa của người Jrai trong nhịp sống đầy màu sắc ở Tây Nguyên.
“Sống” cùng đam mê
Làng Brel, xã Ia Der (Ia Grai - Gia Lai) tự hào vì có nghệ nhân ưu tú Rơ Chăm Tý. Ông không chỉ là người sành nhạc cụ của đồng bào Jrai mà còn được biết đến với vai trò là người chế tác các nhạc cụ dân tộc, người sáng tạo và truyền giữ lửa văn hóa của đồng bào Jrai.
Sinh ra trong gia đình có thể xem là cha truyền con nối, nghệ nhân Rơ Chăm Tý (45 tuổi) đã gắn bó đời mình với những giá trị văn hóa của người Jrai. Ông gắn bó với công việc chế tác nhạc cụ hoàn toàn xuất phát từ niềm đam mê tự nhiên của bản thân từ khi còn nhỏ.
Nghệ nhân tâm sự: “Âm nhạc nó như theo mình từ lúc còn nằm trên lưng mẹ. Mỗi lần, làng có việc gì, được mẹ cõng lên nhà Rông tụ tập, chỉ cần nghe giai điệu của tiếng chênh, tiếng chinh vang lên là tôi lại rạo rực cả người, nhảy nhót ngay trên lưng mẹ. Rồi cái niềm đam mê đó cứ từ từ theo tôi lớn lên. Mỗi lần có hội làng, lễ Pơ Thi, lễ cúng Giàng, lễ mừng lúa mới,… là cái chân không yên, cái người không yên, phải lên nhảy múa mới vui vẻ được. Mỗi lần như thế thì lại tò mò về các nhạc cụ mà người lớn tuổi sử dụng. Chỉ cần họ để xuống tạm nghỉ ngơi ăn uống là mình lại tới xin tập thử, tập dần thành quen. Người lớn trong làng cũng chỉ dạy cho ít nhiều nhưng không ai chỉ dẫn hết toàn bộ, mình phải tự học là chính…”.
Theo nghệ nhân Rơ Chăm Tý, việc học tập chế tác nhạc cụ có thể nói là giai đoạn khó khăn nhất trong đời ông, nó không chỉ xuất phát từ niềm đam mê mà còn xuất phát từ khả năng lĩnh hội, năng lực tự học là chính. Bắt đầu từ việc ngồi xem các nghệ nhân lớn tuổi, có tay nghề chế tạo những nhạc cụ dân tộc, từ một con dao và những thứ sẵn có của rừng như tre, nứa, bầu hồ lô, dây mây…, những nhạc cụ như đàn Ching Kok, Tơ Rưng, Kơ Ní, Krông Pút, Đàn Gong,… cứ thế thành hình, giai điệu cứ thế vang lên tạo nên âm sắc độc đáo giữa không gian núi rừng Tây Nguyên.
Nghệ nhân Rơ Chăm Tý cho hay: “Tôi thành thạo chơi cồng chiêng và các nhạc cụ từ năm 12 tuổi. Cũng từ năm này, tôi bắt đầu học tập chế tác các nhạc cụ. Việc này tựa như một phần máu thịt, mấy chục năm rồi, không thể thiếu được, chỉ có càng ngày càng thích thôi…”.
Được biết, lúc đầu, ông học tập ở cha và anh mình các kỹ năng cơ bản nhất trong chế tác nhạc cụ, rồi dần dần tự tay làm thử các nhạc cụ. Sau đó, nhờ người lớn tuổi thạo việc trong làng, mỗi người chỉ bảo một chút cộng với việc tự học để hoàn thiện mình. Bởi vì: “Những người biết làm chỉ bảo một phần thôi, phần lớn là mình tự học, nhìn rồi học. Bây giờ thì có trường lớp chỉ dạy các công đoạn này kia chứ ngày xưa, người lớn tuổi muốn dạy cũng không biết phải truyền đạt thế nào cho dễ hiểu. Vậy nên họ chỉ chỉ điểm thôi, còn mình nhìn họ làm rồi học được gì thì học, tự chỉnh nhạc cụ…”.
Bằng niềm đam mê, tinh thần ham học hỏi, Nghệ nhân Rơ Chăm Tý đã có hơn 30 năm thả hồn mình trong sự nghiệp chế tác, lưu giữ các nhạc cụ dân tộc của đồng bào Jrai.
Người truyền lửa
Không chỉ là người chế tác, nghệ nhân Rơ Chăm Tý còn gánh trên vai mình trách nhiệm của người truyền lửa. Để bảo tồn, phát triển nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên của người Jrai đến thế hệ trẻ, nghệ nhân thường đến những trường dân tộc nội trú trong tỉnh Gia Lai để dạy cho các em học sinh.
Nghệ nhân chia sẻ, hiện nay có nhiều loại hình âm nhạc phù hợp với các em hơn, vì thế việc truyền dạy cũng khá khó khăn. Tuy nhiên, trong số đó vẫn có nhiều em đam mê và chăm chỉ tập luyện nhạc cụ dân tộc, “đó là niềm an ủi lớn nhất đối với tôi” - nghệ nhân trầm giọng nói.
Được biết, ông Rơ Chăm Tý được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú từ năm 2015 nhờ những đóng góp của mình vào việc giữ gìn và phát huy kho tàng văn hóa dân tộc.
Nhắc về công việc của mình, Nghệ nhân Rơ Chăm Tý không khỏi tự hào: “Lúc đầu, tôi chơi nhạc cụ với niềm say mê, với máu nghệ sĩ, theo cái kiểu: “Mình thích thì mình chơi thôi!”. Tôi không chỉ chơi được nhạc cụ, tôi còn chế tác được chúng. Đôi lúc, đang biểu diễn trên sân khấu bất chợt nhận ra âm thanh nhạc cụ không được “ngọt”, tôi còn chỉnh nhạc cụ ngay trên sân khấu. Nhiều người chơi nhạc cụ hay lắm, hay hơn tôi nhiều nhưng ít có người “vừa chơi được, vừa chỉnh được”, do vậy, mình thắng họ ở chỗ đấy.
Bây giờ, khi vốn văn hóa dần mai một, nhiều người tìm đến, khuyên bảo, đề nghị giữ gìn bản sắc dân tộc thì tôi lại có cảm giác đó là trách nhiệm của mình. Tôi biết được cần gìn giữ điều gì và truyền lại điều gì, tôi không muốn nó mất đi. Ngày xưa, ở vùng này, cái ching, cái chênh (PV - cách gọi riêng của bộ cồng chiêng) nhiều lắm, hầu như nhà nào cũng có, trừ những nhà nghèo lắm thôi. Thế nhưng, bây giờ, cả làng chỉ còn lại hai bộ chiêng, người biết đánh cũng thưa dần, tôi cảm thấy trách nhiệm trên vai mình càng nặng nề hơn…”.
Nói rồi, nghệ nhân Rơ Chăm Tý mời chúng tôi ngồi lại, nghe những giai điệu cồng chiêng qua nhạc cụ ông vừa hoàn tất công đoạn “lên dây cót”… Chúng tôi như được thả hồn vào âm điệu truyền thống thay vì nghe hợp tấu cồng chiêng với những nhịp xoang huyền thoại… Từ động tác so dây, đếm nhịp đến thao tác đẽo gọt, mài dũa từng nhạc cụ, từng giá đỡ, tất cả như trở thành máu thịt trong con người của nghệ nhân Rơ Chăm Tý rồi cứ thế toát ra những làn điệu thoát thai giữa cao nguyên đại ngàn.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.