Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 23 tháng 7 năm 2017 | 10:27

Nguy cơ nhiễm bẩn từ vi sinh vật

Đầu năm 2017, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo “Quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm ở Việt Nam”. Nội dung báo cáo cho thấy, an toàn thực phẩm (ATTP) đang là mối quan tâm lớn của người dân và cộng đồng.

Hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng quan tâm, lo lắng nhiều đối với thực phẩm nhiễm bẩn hóa chất và độc tố hơn là với các nguy cơ từ nhiễm vi sinh vật. Tuy nhiên, nghiên cứu của các chuyên gia từ WB cho thấy, nguyên nhân chính gây ra các bệnh truyền qua thực phẩm là do nhiễm bẩn vi sinh vật, chứ chưa phải do tồn dư hóa chất.

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) TP.Hà Nội, cho biết,  có 80% số thịt lợn, 85% rau chủ yếu được bày bán tại các chợ truyền thống, những người sản xuất nhỏ chiếm ưu thế trong việc cung cấp sản phẩm này; 76% số thịt lợn được giết mổ trong các cơ sở giết mổ nhỏ với điều kiện vệ sinh kém. Cùng với đó là thói quen của người tiêu dùng thích dùng các sản phẩm tươi sống và hầu hết không bảo quản thực phẩm trong một thời gian dài.

"Việc giết mổ này không được các cơ quan chức năng quản lý, các thương lái giết mổ gia súc, gia cầm trong các cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến việc khả năng nhiễm khuẩn rất cao", ông Tụ nói.

Giết mổ gia cầm ngay bên hè đường

Dạo qua một vòng tại các chợ truyền thống, chúng ta có thể nhìn thấy tận mắt những phản thịt lợn được bày bán mà không có biện pháp che đậy để tránh vi khuẩn xâm nhập.

Bà Nguyễn Thị Lan, nhà ở phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, cho biết: "Biết là việc giết mổ gia súc gia cầm của các tiểu thương đang kinh doanh ngoài chợ là rất mất vệ sinh, nhưng do thói quen của người sử dụng nên “khuất mắt trông coi” cứ nghĩ mua về rửa lại là xong, chứ không ai nghĩ nó nhiểm bẩn như thế nào".

Để  thực phẩm đảm bảo không bị nhiễm khuẩn vi sinh vật, đòi hỏi công tác quản lý phải hết sức chặt chẽ, công tác kiểm tra phải được duy trì thường xuyên từ khâu giết mổ đến khâu tiêu thụ.

Đối với thịt gia súc phải có khu giết mổ tập trung, phải bảo đảm được vệ sinh có đầy đủ nước sạch, có bàn giết mổ…Không được để các hộ kinh doanh giết mổ gia cầm tiến hành giết mổ tại chợ cóc, giết mổ ở những nơi mất vệ sinh, lòng lề, hè đường….

Có như vậy, nguy cơ nhiễm bẩn vi sinh vật đối với thực phẩm mới có thể được giảm bớt, bảo đảm thực phẩm được an toàn khi đến tay người tiêu dùng

Phạm Ngọc Thủy

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top