Nhờ chứa 92% là nước, dưa hấu là loại trái cây giải nhiệt và giải khát ưa thích của nhiều người vào thời điểm nắng nóng oi bức. Tuy vậy, một phát hiện được công bố gần đây trên Tạp chí Annals of Internal Medicine cho thấy ăn quá nhiều dưa hấu có thể nguy hại sức khỏe cho những người có vấn đề về thận.
Cụ thể, qua xem xét kết quả của 3 nghiên cứu khác nhau, các chuyên gia phát hiện dưa hấu chứa một hàm lượng kali đáng kinh ngạc. Điều này thường không gây ra vấn đề gì với những người khỏe mạnh, nhưng chắc chắn có hại cho những người mắc bệnh thận mãn tính (CKD, bao gồm tất cả các bệnh ảnh hưởng đến khả năng lọc máu và loại bỏ chất thải của thận). 90% bệnh nhân CKD không biết mình mắc bệnh cho đến khi các triệu chứng xuất hiện rõ ràng và thường được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn nặng.
Kali là dưỡng chất cần thiết cho hoạt động bình thường của tất cả các tế bào, giúp điều hòa nhịp tim, đảm bảo các cơ co bóp và duy trì hoạt động thần kinh. Mức kali trong máu ở người lớn là từ 3,6 đến 5,2 milimol mỗi lít (mmol/l). Riêng đối với những người bị tăng kali máu mãn tính (từ 5,5 mmol/l trở lên) - như bệnh nhân CKD - triệu chứng khi nồng độ kali tăng cao không rõ ràng nên khó nhận biết. Vì thế, dung nạp quá nhiều kali từ thực phẩm có thể làm tăng lượng kali đến mức nguy hiểm. Điển hình trong các trường hợp được nghiên cứu, cả 3 bệnh nhân mắc một số dạng bệnh thận mạn tính đã bị tăng kali máu sau khi ăn một lượng lớn dưa hấu mỗi ngày (ít nhất là uống 2 ly nước ép dưa hấu/ngày), trong khoảng thời gian từ 3 tuần đến 2 tháng, trước khi nhập viện cấp cứu.
Từ bằng chứng cho thấy hấp thụ kali liên quan đến việc giảm huyết áp, bệnh tim và đột quỵ, nên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2023 đã khuyến nghị người trưởng thành nên tăng lượng kali từ thực phẩm ít nhất 90 mmol/ngày (3.510mg/ngày). Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ ra rằng dung nạp quá nhiều kali có thể đe dọa tính mạng những người bị suy giảm chức năng thận. Theo tính toán, một lát dưa hấu lớn chứa tới 5.060mg kali, gần gấp rưỡi lượng kali được khuyến nghị bổ sung hàng ngày.