Sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm, Công ty Sundrop Farm đã thành công trong việc phát triển mô hình nhà kính trồng cà chua đầu tiên trên cơ sở sử dụng năng lượng mặt trời và nước biển.
Mô hình nhà kính phục vụ cho mục đích thương mại lần đầu tiên được xây dựng ở khu vực vịnh Spencer, gần cảng Augusta cách thành phố Adelaide của bang Nam Australia 300km về phía Bắc.
Bắt đầu xây dựng vào năm 2010 trên diện tích 20ha, trang trại này đã hoàn tất vào năm 2016 và sẽ khai trương trong tuần đầu tiên của tháng 10.
Hệ thống này sử dụng tháp năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống trồng cây, sưởi hoặc làm mát nhà kính khi cần và chế biến nước tưới.
Với 23.000 tấm kính, năng lượng mặt trời thu được truyền tới tháp trung tâm cao 115m, công suất cao nhất mà tháp này có thể sản xuất là 39 megawatt nhiệt năng.
Tất cả nước sử dụng tưới cho cây trồng đều là nước biển, dẫn từ vịnh Spencer và được xử lý thành nước ngọt thông qua thiết bị khử muối.
Ông Adrian Simkins, từng có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng cà chua trong nhà kính ở châu Âu và Bắc Mỹ, cho biết đây là một dự án đặc biệt, không chỉ lần đầu tiên có ở cảng Augusta mà lần đầu tiên trên thế giới. Nước biển được khử muối ở đây có chất lượng hàng đầu.
Ông nói: “Nước này gần như hoàn hảo. Tất cả muối trong nước biển được lọc sạch, không có bất kỳ mầm bệnh nào, cực kỳ sạch và sau đó chúng tôi có thể bổ sung thêm chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.”
Đứng đầu dự án này nguyên là giám đốc ngân hàng đầu tư Philipp Saumweber với kinh nghiệm đầu tư cho các dự án nông nghiệp quốc tế và kỹ sư Reinier Wolterbeek, thạc sỹ về xử lý nước. Hai ông đã dành rất nhiều tâm huyết cho dự án này.
Ông Saumweber nói: “Tôi có thể đếm được số lần tôi khóc vì những thất bại trong cuộc đời trên một bàn tay, trong đó là 2-3 lần liên quan tới dự án Sundrop. Mái nhà kính bị thổi bung vào ngày trời nóng 45 độ C. Mất hoàn toàn vụ mùa thử nghiệm. Mất nhiều đồng nghiệp nhiều lần vào lúc dự án bị chỉ trích nhiều nhất.”
Kỹ sư Wolterbeek tâm sự: “Không nhiều người nghĩ rằng bạn có thể trồng rau ở sa mạc nhưng tôi nghĩ rằng bạn có thể. Nếu bạn nghĩ một chút sẽ tìm thấy giải pháp.”
Chi phí cho xây dựng hệ thống nhà kính trồng cà chua ở Augusta khoảng 200 triệu AUD. Cơ sở này sản xuất khoảng 15.000 tấn cà chua/năm. Một trong những hệ thống siêu thị lớn nhất Australia Coles ký hợp đồng 10 năm bao tiêu sản phẩm cho Sundrop.
Brad Gorman, phụ trách sản phẩm tươi của Coles, cho biết đây là hợp đồng dài nhất của nhà bán lẻ này trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cà chua là một trong 10 dòng sản phẩm bán chạy nhất trong siêu thị và nhu cầu này ngày một tăng, nhất là trong mua đông, khoảng cách cung-cầu rất lớn. Sản phẩm của Sundrop giúp cân bằng nhu cầu này.
Ông Saumweber cho biết việc ký hợp đồng cung cấp trong thời hạn 10 năm với hệ thống siêu thị Coles giúp thu hút các công ty lớn tham gia.
Sundrop Farm cũng sẽ khai trương các hệ thống nhà kính trồng cây ở Bồ Đào Nha, Mỹ và có kế hoạch xây dựng một dự án khác ở Australia. Ông Wolterbeek cho biết bước đi đầu tiên của mỗi dự án sẽ là tìm đối tác với một nhà bán lẻ.
Ông nói: “Trước hết sẽ là hiểu nhu cầu của khách hàng sau đó thiết kế nhà kính phù hợp. Không phải lúc nào cũng là tháp năng lượng và nước biển mà có thể sẽ là những thứ khác. Bầu trời hạn chế song tôi không thấy bất kỳ giới hạn nào trong trồng trọt.”
Tuy nhiên, những người đứng đầu dự án cũng cho biết mặc dù không sử dụng nước ngọt và dùng năng lượng mặt trời song hệ thống này vẫn phải thuộc vào hệ thống dây điện vì cần khoảng 10-15% điện truyền tải, nhất là trong mùa Đông, những ngày ít ánh nắng./.
“Trong những ngày đầu tháng 12 này, Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng với Đô thị cổ Hội An tròn 25 năm ngày được Unesco công nhận Di sản văn hóa của nhân loại. Niềm vinh dự này, không phải địa phương nào cũng có được, tôi xin được chia sẻ niềm vui và niềm tự hào này đối với thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên, chúc cho công tác bảo tồn các di sản ngày càng tốt đẹp, đạt được những thành công hơn nữa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nói.
Tối 28/11, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật các tỉnh: Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Lâm Đồng và Hà Tĩnh.