Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 7 năm 2019 | 13:30

Nhiều địa phương ở Hà Tĩnh “khát” nước sạch

Nắng nóng kéo dài khiến cho cuộc sống người dân nhiều địa phương ở Hà Tĩnh bị đảo lộn, nhiều hộ dân phải đi xin nước, mua nước, thậm chí phải lấy nước ruộng, sông về dùng.

tr14.jpg

Hạn hán kéo dài, thiếu nước ruộng đồng ở Hà Linh, Hương Khê phải bỏ hoang.

 

Giếng cạn trơ đáy

Chúng tôi có mặt tại xóm 11 (xã Hà Linh), một trong những địa phương có nhiều hộ dân “khát” nước sinh hoạt nhất của huyện Hương Khê.

tr14c.jpg

Nhiều giếng nước ở các thôn 1,2,6,7,10, 11, 12 của xã Hà Linh, huyện Hương Khê trơ đáy hơn 2 tháng nay.

 

Bà Nguyễn Thị Tứ chia sẻ: “Hơn 2 tháng nay, gia đình phải sống trong cảnh không có nước sinh hoạt, hàng ngày nước uống phải đi mua, nước nấu ăn thì đi xin những hộ giếng chưa cạn, vợ chồng tôi già rồi thậm chí có những hôm không xin được nước giếng phải sử dụng nước ruộng”.

Ban đầu chúng tôi không tin nhưng khi mục sở thị hố nước đào ngay giữa ruộng mới thực sự thấm hết nỗi khổ của người dân vì đại hạn. Hố nước đục ngầu, nổi váng vàng như mỡ, được khoanh lại bằng mấy cây tre và một miếng ván. Ngay bên cạnh “nhà tắm” có một không hai cũng được dựng lên để bà Tứ và cô con gái út mới từ miền Nam về chăm bố bị ung thư tắm rửa, giặt giũ.

 

tr14a.jpg
Chị Nguyễn Thị Xoan, xóm 12, Hà Linh, Hương Khê xách can đi xin nước.

 

Chị Nguyễn Thị Xoan (xóm 12, xã Hà Linh) thở dài: “Gần một tháng nay, gia đình phải đi gần 1km mua nước uống, xin nước ăn của hàng xóm. Còn nước tắm giặt phải ra sông sử dụng tập thể, cũng vì thế mà chồng tôi bị mụn, ngứa nhiều chỗ”.

Không chỉ bà Tứ, chị Xoan mà tính đến thời điểm này, hơn 500/1.650 hộ dân trên địa bàn xã Hà Linh, giếng nước sinh hoạt đã trơ đáy. Thiếu nước sinh hoạt, việc sử dụng nước ruộng không đảm bảo vệ sinh, trước mắt chưa ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ gây ra không ít bệnh tật.

Phó bí thư Chi bộ xóm 12 Nguyễn Văn Nho thông tin, hơn chục hộ trong xóm sau khi nước giếng đào cạn kiệt đã bỏ ra cả chục triệu đồng thuê người về khoan nhiều khu vực trong vườn với chiều sâu 50 - 60m nhưng vẫn không tìm được nước. Một số khác đào sâu 80m có nước nhưng lại không thể sử dụng được do chất lượng nước không đảm bảo, đành phải lấp đất trở lại. Hiện, 20 hộ dân trong xóm 12 đang nhận sự chia sẻ ít nước còn lại của giếng hộ anh Nguyễn Văn Cường để sinh hoạt.

Cả huyện không có một nhà máy nước sạch

Huyện Kỳ Anh có 21 xã thì có đến 19 xã chưa có nguồn nước sạch, người dân phải sử dụng nước giếng khơi, giếng khoan để sinh hoạt hàng ngày.

 

tr14e.jpg
Nước bị nhiễm phèn nhưng Bà Lê Thị Kham, Thôn Sơn Tây xã Kỳ Thọ, Kỳ Anh vẫn phải sử dụng để sinh hoạt.
tr14b.jpg

Một tháng gia đình bà Kham tốn rất nhiều tiền để mua nước uống.

 

“Hơn 2 tháng nay, nắng nóng kéo dài khiến cho giếng nước cạn kiệt, đã vậy, nước còn bị nhiễm phèn khiến cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Sử dụng nguồn nước không đảm bảo khiến tôi bị bệnh ngoài da, mẩn ngứa chữa mãi chưa khỏi. Mong muốn của người dân chúng tôi là có nhà máy nước trên địa bàn để đảm bảo nhu cầu sử dụng cho cuộc sống hàng ngày”, bà Lê Thị Kham (thôn Sơn Tây, xã Kỳ Thọ) kiến nghị.

 

tr14d.jpg

Nguồn nước không đảm bảo khiến số người bị bệnh ngoài da ở Kỳ Thọ, Kỳ Anh rất nhiều.

 

Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thọ, cho hay: Xã có 6 thôn thì đều thiếu nước sinh hoạt, trong đó có 4 thôn nước bị nhiễm phèn nặng. Để giải bài toán khát nước sạch khi thời tiết nắng nóng kéo dài, người dân ở đây đã phải đi mua nước để uống, nước sinh hoạt thì vẫn phải đi xin hoặc dùng nước giếng khoan, nhiều gia đình đầu tư mua máy lọc nhưng không thể lọc nổi vì nước bị nhiễm phèn nặng và không phải gia đình nào cũng có điều kiện mua. Sử dụng nguồn nước không đảm bảo cũng khiến nhiều hộ dân trên địa bàn bị bệnh ngoài da, đường ruột.

Gần Nhà máy nước Vũng Áng nhưng đến nay vẫn còn 4/6 thôn ở xã Kỳ Tân thiếu nước sạch. Theo Phó chủ tịch xã Lê Đức Lành thì mặc dù gần nhà máy nước nhưng để đấu nối hệ thống đường ống về các trục chính của địa phương đòi hỏi nguồn lực lớn, trong khi điều kiện ở địa phương còn khó khăn nên biết vậy nhưng đề xuất đó vẫn chỉ nằm trên giấy.

Rõ ràng, nước sạch là nhu cầu thiết yếu của người dân, tuy vậy, cả huyện không có bất kỳ công trình nước sạch nào đang là nghịch lý. Đây cũng là điểm nghẽn cho lộ trình thực hiện tiêu chí nông thôn mới và đô thị loại V ở địa phương này.

 

 

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top