Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 2 năm 2020 | 14:20

Những người đương đầu với dịch Covid-19

Những ngày này, tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm (Hà Nội), ở khu cách ly, các y - bác sỹ Khoa Truyền nhiễm đang phải căng mình đương đầu với dịch Covid-19, khám sàng lọc cho bệnh nhân nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

tr9.JPG
Bác sỹ Khoa Truyền nhiễm khám sàng lọc cho bệnh nhân.

 

Đến Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm (Hà Nội) những ngày này, ít ai có thể biết rằng, ngoài cảnh tất bật chuẩn bị cho Đại hội điểm của Đảng bộ Bệnh viện trên địa bàn, thì ở khu cách ly, các y - bác sỹ Khoa Truyền nhiễm đang phải căng mình đương đầu với dịch Covid-19, khám sàng lọc cho bệnh nhân nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

Căng mình chống dịch

Mặc dù không phải là cơ sở y tế được giao nhiệm vụ khám, điều trị cho bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm Covid 19, nhưng Bệnh viên Đa khoa Gia Lâm vẫn tổ chức đội ngũ y, bác sỹ và bố trí phòng khám cách ly, riêng biệt để khám sàng lọc cho các bệnh nhân có dấu hiệu ho, sốt, phát hiện kịp thời và chuyển bệnh nhân đến nơi điều trị đã được bố trí.

Nói về việc phòng chống dịch Covid- 19 tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm,  ông Lê Ngô Trọng Hiếu, bác sỹ chuyên khoa I, chuyên ngành truyền nhiễm cho biết, ngay từ khi xuất hiện dịch Covid 19, khoa chúng tôi được Ban giám đốc bệnh viện giao cho khu khám sàng lọc những bệnh lý về truyền nhiễm và liên quan đến bệnh lý về truyền nhiễm.

Khoa có 3 bác sỹ nhưng lại đảm nhiệm một công việc hết sức nặng nề trong giai đoạn cũng hết sức quan trọng. Các bác sỹ trong khoa phải khám sàng lọc trong vòng 24 tiếng đồng hồ và liên tục trong 7 ngày đối với các bênh nhân có bệnh lý về truyền nhiễm. Bình thường, số bệnh nhân đến khám về các bệnh truyền nhiễm không nhiều, tuy nhiên, từ khi phát bệnh Covid-19 đến nay, trung bình mỗi ngày khoa  khám 40 - 50 bệnh nhân, chủ yếu là bệnh nhân có bệnh lý sốt, ho, khó thở.

“Đây quả là con số không hề nhỏ so với một bệnh viện tuyến cộng đồng. Chính vì vậy, các y, bác sỹ trong khoa phải căng mình làm hết công suất để phòng chống dịch bệnh Covid - 19 trên địa bàn”, ông Hiếu nói.

Phải chờ khá lâu cho Điều dưỡng trưởng Trần Thị Khuê,  Khoa Khám bệnh có chút thời gian, tôi đến bên trao đổi một vài thông tin liên quan đến công việc. Chị Khuê vui vẻ cho biết: Từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, bệnh viện luôn ở trong trạng thái như “thời chiến”. Mọi việc đón tiếp bệnh nhân không như trước, chúng em phải có biện pháp sàng lọc ngay từ khi bệnh nhân đến khám. Sau khi được phát khẩu trang và thăm khám, nếu phát hiện bệnh nhân có những dấu hiệu bệnh lý hoặc đến từ  nơi có dịch, lập tức chúng em tiến hành cách ly ngay.

Đứng trước tình hình nguy hiểm và phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang đã có những chỉ đạo, quy định nghiêm ngặt theo một quy trình về công tác thăm khám cho các bệnh nhân có bệnh truyền nhiễm và nghi có dấu hiệu của bệnh Covid-19. Đơn giản như việc lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhân trước đây phải đến phòng lấy máu, thì nay bệnh nhân được lấy máu trực tiếp tại phòng khám.

 

Ba bài học lớn rút ra từ quá trình ngăn chặn dịch Covid - 19

- Sự vào cuộc kịp thời, chỉ đạo cụ thể, rõ ràng, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan truyền thông trong việc giúp người dân hiểu rõ hơn bệnh lý thực sự, tình trạng bệnh ở Việt Nam và các biện pháp tự bảo vệ cho mình và cho cộng đồng.

- Sự tham gia tích cực của người dân vào phòng chống dịch.

 

5 biện pháp Bộ Y tế đã triển khai dập dịch Covid - 19:

- Ngăn chặn từ xa;

- Phát hiện sớm;

- Cách ly sớm;

- Khoanh vùng kịp thời;

- Dập dịch.

 

“Nếu cần phải đưa đi đến các phòng khám chức năng thì trực tiếp nhân viên y tế đưa bệnh nhân đi và đi theo đường riêng, cách ly hoàn toàn với tất cả mọi người. Chính vì vậy, nhân lực cũng phải tăng thêm để đáp ứng cho công việc. Tuy nhiên, nhiều lúc cũng thiếu do cùng thời điểm có nhiều bệnh nhân đến khám, điều dưỡng phải thay nhau liên tục làm việc, khá vất vả. Tuy nhiên, vì sự an toàn sức khỏe và tính mạng của người bệnh, chúng em  vẫn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ”, chị Khuê chia sẻ.

Sức trẻ tạo nên sức mạnh

Theo Điều dưỡng trưởng Trần Thị Khuê, Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm là có tỷ lệ bác sỹ, nhân viên y tế trẻ khá cao. Đây chính là thế mạnh của đơn vị. Chính vì vậy, khi có dịch xảy ra, hầu hết bác sỹ, y tá, nhân viên trong bệnh viện đều tham gia vào các công việc phòng, chống dịch bệnh.

Thường xuyên túc trực để khám sàng lọc cho bệnh nhân, bất kể ngày hay đêm đều có bác sỹ, y tá; kịp thời cách ly khi phát hiện những dấu hiệu người mắc bệnh Covid-19.

Chị Khuê cho biết thêm, tất cả bác sỹ, y tá của khoa đều trẻ và đều đã có gia đình. Chính vì vậy, bảo vệ cho bản thân khỏi lây nhiễm bệnh là việc rất quan trọng, vừa bảo vệ mình, đồng thời bảo vệ cho những người thân xung quanh mình. Nhiều anh chị em sau khi hoàn thành công việc ở đây, khi về nhà còn trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại khu dân cư.

“Với kiến thức chuyên môn sẵn có và sự am hiểu về dịch bệnh, việc tuyên truyền cho cộng đồng dân cư, giúp người dân không bị hoang mang, chủ động phòng dịch, đây là điểm mạnh của bác sỹ, y tá trẻ của bệnh viện”, chị Khuê bộc bạch.

Bác sỹ Trần Bùi Quang Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm, cho biết: Là bệnh viện tuyến cộng đồng, muốn phát triển, phải quan tâm  phát triển nguồn nhân lực. Chính vì vậy, chúng tôi đã xây dựng được đội ngũ có trình độ chuyên môn cao, làm chủ được kỹ thuật tiên tiến, yêu nghề... Bệnh viện hiệncó 99 bác sỹ, dược sỹ .

Theo ông Dương, môi trường để cho cán bộ trẻ gắn kết với bệnh viên là chế độ đãi ngộ, phụ cấp, môi trường làm việc;  họ được tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ...

“Bệnh viện đã  có những dấu ấn đáng khích lệ, khi tỷ lệ người dân đến khám và điều trị ngày càng tăng, danh mục kỹ thuật được triển khai trong bệnh viện gấp gần 4 lần năm 2015. Nếu lấy mốc từ năm 2016 đến năm 2019, tất cả các số liệu của bệnh viện đều tăng gấp 3 - 4 lần”, ông  Dương cho biết thêm.

Đối với công tác phòng chống dịch Covid-19, sau khi có những công bố và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, ngành, thành phố, huyện, chúng tôi xác định đây là dịch bệnh rất phức tạp, lây bệnh từ khi đang trong thời kỳ ủ bệnh nên bệnh viện đã triển khai nghiêm túc, bài bản, nội dung các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất.

Với những gì làm được trong thời gian qua, hy vọng, Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh Covid -19. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), xin được gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các “lương y như từ mẫu”, chúc các y - bác sỹ thật nhiều sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ và phòng chống dịch Covid-19 thành công.

 

 

Theo Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế, tính đến 7h30 ngày 27/2, Việt Nam ghi nhận 16 trường hợp mắc virus corona (14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới). Trong đó, số trường hợp đã điều trị khỏi là 16, số trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh đang theo dõi, cách ly là 92. Ngày 26/2, số ca nghi nhiễm ở Việt Nam là 31 người.

 Ngoài ra, tổng số người có tiếp xúc gần và đi về từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là 5.474, 1.381 mẫu đã xét nghiệm (số mẫu dương tính: 16, số mẫu âm tính: 1.365).

- Ngày 26/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký văn bản quyết định công bố hết dịch Covid-19 đối với tỉnh Khánh Hoà.

Văn bản nêu rõ quyết định số 240/QĐ-BYT ngày 31/1 về việc công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hết hiệu lực kể từ ngày 26/2.

Quyết định được đưa ra sau 22 ngày kể từ khi bệnh nhân cuối cùng xuất viện (4/2).

- Sở Y tế Hà Nội nhận định vẫn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện ca mắc từ những trường hợp trở về từ vùng dịch, với đặc điểm lây lan nhanh của dịch bệnh do Covid-19.

Do vậy, ngành y tế và người dân cần tiếp tục nâng cao sự chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn thành phố, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện ca nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, điều trị, bao vây, khoanh vùng xử lý với mục tiêu không để xuất hiện ca bệnh thứ phát.


 

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top