Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 8 năm 2016 | 8:8

Nỗi đau da cam ở quê lúa

Thái Bình là mảnh đất chịu nhiều đau thương của di họa chiến tranh khi có tới 3,2 vạn nạn nhân chất độc da cam. Trong 55 năm qua, biết bao số phận rên siết trong hình hài nghiệt ngã phải oằn lưng gánh chịu nỗi đau bệnh tật “sống không bằng chết”.

Đến nay, Thái Bình mới có 2,2 vạn nạn nhân được giám định và công nhận pháp lý, trong đó có hơn 4.000 các cháu được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Về Thái Bình gần đến dịp 27-7 để tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC), chúng tôi chứng kiến nhiều chuyện đời đẫm nước mắt của những cựu thương binh một thời xông pha nơi đạn lửa. 

Trong hội trường của UBND xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng có hơn 200 cựu chiến binh đều mang trong mình chất độc da cam dioxin, họ lặng lẽ ôn lại chuyện cũ bằng những ký ức khó quên của một thời đạn lửa. Câu chuyện trở nên chùng xuống và ngắt quãng khi nói về hiện tại, về những chật vật lo toan và nỗi đau dai dẳng mà thân nhân họ đang phải gánh chịu. 

Nhắc đến vết thương không bao giờ liền sẹo, khuôn mặt đen sạm của ông Phạm Bá Khải, ở thôn Thượng bỗng nhăn nhúm lại. Ông không thể ngờ rằng, khi mang hoài bão của tuổi trẻ vào chiến trường, vượt qua trăm lần suýt chết với một ý chí kiên cường “thà hy sinh chứ không chịu mất nước”. Thế nhưng, lẽ ra những người lính như ông không còn phải lo lắng khi sống trong một đất nước hòa bình, nhưng nỗi đau chiến tranh thì luôn ám ảnh ông cho tới chết. 

Bởi chất độc da cam mà ông nhiễm phải đã di chứng sang cả 3 đứa con ông. Chúng sinh ra với một hình hài không nguyên vẹn, đều mắc chứng tâm thần, không biết gì hết ngoài la hét, ngẩn ngơ. Nhìn các con như khúc gỗ, biến dạng mà ông đau đớn khôn nguôi. Vợ ông đau khổ quá khóc cạn cả nước mắt. Còn ông đã mấy lần rơi vào tận cùng của tuyệt vọng với ý định buông xuôi tất cả, nhưng nghĩ đến 3 đứa con ngây dại, ông lại thương chúng quặn lòng mà cố gắng sống. 

Vừa đi làm vừa chăm sóc 3 đứa con, nhìn ông già hơn so với tuổi rất nhiều. Hơn lúc nào hết, ông chỉ ao ước mình khỏe mạnh để còn chăm sóc con. Nhưng hơn 40 năm qua, chất độc dioxin ngấm trong cơ thể dường như đã phát tác, nó làm ông đau ốm luôn, sức khỏe sa sút nghiêm trọng. Nghĩ đến chặng đường phía trước, người đàn ông này cảm thấy rất mơ hồ. Ông bảo: “Tôi không dám nghĩ đến tương lai nữa, càng nghĩ lại càng thấy khổ nhục”.

Ông Lã Quý Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sơn chia sẻ: “Đông Sơn có 328 liệt sỹ, 101 thương bệnh binh, 170 nạn nhân và con cháu nhiễm chất độc da cam, 30 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Di chứng da cam đã sang đến thế hệ thứ 3. Ở thế hệ thứ 2, các cháu chủ yếu đều mắc bệnh nặng, tâm thần và dị dạng. Cuộc sống của họ đều đặc biệt khó khăn, khốn khổ”. 

Chất độc da cam được coi là một tội ác của chiến tranh, nó không những hủy hoại nòi giống mà còn biến những người mắc phải mang một nỗi đau “sống không bằng chết”. 


 Bà Nguyễn Thị Mùi chăm sóc con gái bị tâm thần.

Nhìn đứa con gái út năm nay 29 tuổi, cả ngày không chịu mặc quần, chỉ có một động tác là đi lại ngoài sân, bà Nguyễn Thị Mùi không biết bao lần ứa nước mắt. Vợ chồng bà sinh được 5 người con thì 3 người bị di chứng chất độc da cam nặng, 2 người nhẹ hơn đã lập gia đình. Cả 3 đứa con của ông bà đều bị điên dại, từ lúc lọt lòng đến lớn đều không biết gì ngoài la hét, gầm gừ. 

Chồng bà - ông Phạm Bá Hường kể: “Cứ hy vọng sinh thêm được đứa con khỏe mạnh, nào ngờ càng sinh lại càng đau đớn”. Hai đứa con của ông sau một lần lên cơn điên dại đã đột ngột qua đời, giờ chỉ còn người con út Phạm Thị Doan. 

“Cả ngày cháu chỉ đi trong sân, mặc quần vào cháu lại xé ra, đành phải may cho cháu cái áo vạt trước dài hơn vạt sau để che. Đêm đến vợ chồng tôi phải vất vả mới bắt cháu được vào trong nhà. Nhưng không hiểu trong người cháu có thứ gì đó khiến cháu không ngủ, cả đêm thức và vùng dậy đi ra ngoài. 29 năm nay tôi với ông ấy cứ thức trông con cả đêm như vậy”- bà Mùi bật khóc.

Chỉ riêng huyện Đông Hưng đã có 3.014 NNCĐDC, nhưng đây chưa phải là huyện có tỷ lệ nạn nhân đông nhất của tỉnh Thái Bình. Chính vì thế mà theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh Thái Bình thì đây là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Hội NNCĐ DC. 

Đến nay đã có 2,2/3,2 vạn nạn nhân được giám định và công nhận pháp lý, được hưởng trợ cấp hàng tháng ở 4 mức, trong đó có 4.000 cháu. Các nạn nhân da cam trong những năm qua đã nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng cùng chung tay xoa dịu nỗi đau, giúp họ vượt qua bất hạnh và vơi bớt khó khăn. 

Mặc dù vậy, theo ông Hạnh thì chính sách với nạn nhân da cam còn nhiều bất cập. Bộ Y tế cùng Chính phủ chưa ban hành tiêu chí để xét nạn nhân chất độc da cam. Đặc biệt, chính sách với nạn nhân chất độc da cam luôn thay đổi khiến cho nạn nhân băn khoăn, thậm chí là có thiệt thòi. 

Ông Hạnh kiến nghị: “Chính phủ đã có chương trình hành động quốc gia giai đoạn 2012-2015 và tầm nhìn 2016-2020 nhưng khi triển khai thì còn rời rạc, chưa đồng bộ, công việc khắc phục hậu quả còn lớn, e rằng chưa thực hiện được vì tốc độ chậm. Tôi mong chương trình hành động quốc gia sớm xúc tiến triển khai thực hiện ở địa phương với công việc cụ thể để nạn nhân da cam cũng như thân nhân họ được xoa dịu nỗi đau, vơi bớt khó khăn”.

 Bà Nguyễn Thị Mùi chăm sóc con gái bị tâm thần.
Trần Hằng/CAND
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top