Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 6 năm 2021 | 15:17

Nỗi trăn trở của người “phu chữ” nặng lòng với nông dân

Vui cùng niềm vui của người nông dân, trăn trở cùng nỗi lo của những người tảo tần “một nắng hai sương”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ấy là cái “Tâm” của người làm báo cách mạng.

Viết không chỉ đơn thuần để tạo nên các tác phẩm phục vụ bạn đọc, mà chính từ những trăn trở ấy sẽ góp nên tiếng nói, từ đó có chính sách quan tâm, tháo gỡ và có những giải pháp, tạo cơ hội phát triển sản xuất, mang đến cuộc sống ngày càng ấm no cho người nông dân, niềm vui ấy mới thực sự trọn vẹn.

 

t10.jpg
Nông dân Hưng Yên “đỏ mắt” chờ người thu mua cà chua.

 

Nỗi niềm trăn trở

Tròn 10 năm đặt chân vào làng báo, là chừng ấy thời gian trăn trở cùng những niềm vui, nỗi lòng của bà con nông dân của người làm nghề “phu chữ” trong mảng lĩnh vực nông nghiệp như tôi. Là phóng viên nông nghiệp luôn nặng lòng với đồng ruộng, với người nông dân, có lẽ hơn ai hết, chúng tôi luôn thấu hiểu những nhọc nhằn, khó khăn của người làm nông nghiệp.

Tôi nhớ, năm 2017, khi tôi nhận được một cuộc điện thoại vào lúc gần nửa đêm của một bác nông dân ở  Hưng Yên chia sẻ về câu chuyện cà chua rớt giá, bà con khóc ròng vì không biết bán cho ai, thậm chí nhiều nhà còn đổ bỏ cho gia súc ăn, hoặc bỏ tàn ngay tại ruộng. Cả đêm hôm đó, tôi trằn trọc mãi không tài nào chợp mắt được và chỉ mong trời nhanh sáng để phi xe về địa bàn. Hôm đó lại là một ngày mưa lạnh, nhìn những gương mặt khắc khổ, khoác chiếc áo mưa lùng nhùng bên cạnh ruộng cà chua không người thu mua, sao không khỏi chạnh lòng đây.

Với mong muốn gỡ phần nào khó khăn cho bà con, tôi đã gọi điện báo cáo cơ quan và nhờ kêu gọi mọi người hỗ trợ tiêu thụ cà chua. Thật may mắn, ngay trong ngày hôm đó, cả cơ quan đã kêu gọi và hỗ trợ tiêu thụ được hơn 500kg cà chua giúp bà con. Và tôi còn gửi tặng riêng chút tấm lòng nho nhỏ chia sẻ sự vất vả, cơ cực của những người nông dân lâm cảnh “giải cứu” bất đắc dĩ này.

Cũng trong một dịp tác nghiệp ở Hà Nam vào năm 2017, khi giá lợn chạm đáy “kỷ lục”, chuyện trò cùng những hộ chăn nuôi đang điêu đứng vì giá lợn, tôi không khỏi ái ngại trước những “bi kịch” đang diễn ra nơi đây. Chứng kiến cảnh, đàn lợn uống nước cầm hơi, người dân bữa ăn bữa lo, nhiều hộ gia đình đứng trước nguy cơ phá sản, vỡ nợ và thậm chí còn mất nhà, mất đất vì cú sốc về giá này. Đó dường như là những ngày đen tối nhất của người chăn nuôi.

Đằng sau chuyện “giải cứu”, dường như đó không chỉ còn là câu chuyện giá cả nữa mà đó còn là cuộc sống mưu sinh, là miếng cơm manh áo, là hạnh phúc của nhiều hộ gia đình. Họ biết làm gì để trang trải cuộc sống nếu không tiếp tục nghề?

Không chỉ riêng cá nhân tôi, mà nhiều đồng nghiệp là phóng viên nông nghiệp khác, đều thừa nhận rằng, đề tài nông nghiệp, nông dân dường như chưa bao giờ vơi cạn, với những nguồn cảm hứng bất tận, song chỉ có điều tác nghiệp trong mảng lĩnh vực này thì cũng đặc biệt chả kém phần. Và nếm trải cảm giác buồn khó tả mỗi lần nghe từ “giải cứu” nông sản hay nông dân mất mùa…

Lắng nghe hơi thở cuộc sống

Là một ngành được xem là “trụ cột”, “bệ đỡ” của nền kinh tế, mỗi năm ngành nông nghiệp thu về hàng chục tỷ USD và đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp luôn phải đối phó với nhiều yếu tố bất lợi như thiên tai, dịch bệnh, thị trường... với nhiều điểm nghẽn tồn tại. Đặc biệt, điểm nghẽn lớn nhất của ngành nông nghiệp mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan ví von là 3 “lời nguyền” cần được giải, đó là: Sự manh mún, tự phát, nhỏ lẻ trong nền sản xuất nông nghiệp. Đó là căn nguyên lớn của “giải cứu” tái diễn nhiều năm qua của ngành.

Phải thừa nhận rằng, để tháo gỡ những điểm nghẽn lớn đó, nền nông nghiệp cần tạo được sức bật với 8 bước chuyển lớn như Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chỉ ra, đó là: Chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”. Chuyển từ “chuỗi liên kết cung ứng nông sản” sang “chuỗi liên kết giá trị ngành hàng”. Chuyển từ “nền nông nghiệp sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”. Chuyển từ “phát triển đơn ngành” sang “tích hợp đa ngành”. Chuyển từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”. Chuyển từ “hỗ trợ đầu vào” sang “vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra”. Chuyển từ hỗ trợ kinh tế hộ sang hỗ trợ  kinh tế tập thể. Chuyển từ quan tâm đến xuất khẩu sang chú trọng hài hòa cả xuất khẩu với thị trường nội địa.

Thật hiếm thấy ở nghề nghiệp nào lại nhiều trăn trở đắn đo như nghề “phu chữ”, trăn trở từng câu chữ trên từng trang viết, trăn trở với cuộc đời nhân vật, trăn trở đắn đo sáng tạo, trong tư duy có bản lĩnh với mục đích là viết cho đúng và hấp dẫn. Đặc biệt, nhà báo phải biết “gạn đục khơi trong” chọn vấn đề nào có tính tiêu biểu, đúng bản chất sự việc để phản ánh, nhằm đảm bảo được tính định hướng tích cực đối với dư luận, chứ không phải gặp việc gì, vấn đề gì là phản ánh theo kiểu sao chụp, hoặc thổi phồng, bóp méo sự thật.

Có lẽ những người làm báo luôn ghi tâm khắc cốt lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các nhà báo trước khi cầm bút phải tự đặt câu hỏi: “Viết để làm gì?”, “Viết cái gì? Viết cho ai? Viết thế nào?”. Lời dạy giản dị nhưng vô cùng sâu sắc, bởi đó chính là mục đích, động cơ làm báo; là quan điểm về đối tượng phản ánh, tuyên truyền của báo chí và phương pháp làm báo. Không vì lợi ích của cách mạng, của dân tộc và nhân dân; không vì sự tiến bộ của xã hội; không hướng tới quần chúng nhân dân – đó không phải là báo chí cách mạng!

Bác Hồ cũng từng nhắc nhở các nhà báo không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là trình độ chính trị; đồng thời phải hoà mình vào đời sống của quần chúng nhân dân để viết cho đúng với tâm trạng, nhu cầu và nguyện vọng của họ. Quần chúng nhân dân là đối tượng cung cấp thông tin cho báo chí, đối tượng tiếp nhận thông tin báo chí, đồng thời cũng là đối tượng thẩm định chất lượng tác phẩm báo chí.

Người cũng chỉ rõ: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt..., đồng thời để phê bình những khuyết điểm”. Hình thức diễn đạt, phương pháp thể hiện, cách trình bày, kết cấu tác phẩm báo chí phải trong sáng, dễ hiểu và tránh cầu kỳ. “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”.

Và như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ: “Báo chí phải lắng nghe hơi thở cuộc sống, những nguyện vọng chính đáng của người dân chúng ta phải phản ánh. Chính sách hình thành từ đây, từ kênh báo chí quan trọng”. Người làm báo chúng tôi vô cùng trăn trở với những phản ánh chân thực và vô cùng khát khao, mong muốn từ đó sẽ có những chính sách soi rọi, tháo gỡ. Đó không phải là chuyện của một sáng, một chiều mà cần có sự vào cuộc của các bên và quan trọng hơn cả là sự đổi thay từ tư duy của người sản xuất, sự chuyển hướng kịp thời của định hướng.

 

t10a.jpg
PV gửi tặng chút tấm lòng nho nhỏ chia sẻ sự vất vả, cơ cực của những người nông dân lâm cảnh “giải cứu” ở xã Trung Nghĩa, Hưng Yên.

 

Ở cương vị người làm báo lĩnh vực nông nghiệp, tôi luôn hướng ngòi bút phản ánh chân thực đời sống bà con nông dân và bám sát sự phát triển của ngành, mỗi tác phẩm không chỉ phục vụ bạn đọc mà còn mang cả “trái tim” và tình yêu, trách nhiệm với nghề trong đó. Và tôi luôn tâm niệm, để có những tác phẩm mang “hơi thở cuộc sống”, chắc chắn đòi hỏi người làm báo phải có “Tâm”, không ngại khó khăn, sẵn sàng băng đồng lội ruộng…, luôn song hành cùng nông dân, vui cùng niềm vui được mùa và chia sẻ, động viên, tìm cách giúp họ khắc phục khi chẳng may bị thiên tai, địch họa, mất mùa, khó khăn trong tiêu thụ.

Như lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo mảng nông nghiệp và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, ngành nông nghiệp vẫn còn những trăn trở, đòi hỏi phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa trên một số lĩnh vực.

Những đề tài không bao giờ cũ

Báo chí luôn song hành với người nông dân, bởi lẽ mảng đề tài nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn chứa đựng trong mình nhiều thông điệp mới mẻ của đời sống, yêu cầu cấp thiết của thời đại. Vì thế, nó sẽ là đề tài không bao giờ cũ, chỉ có điều, sức khái quát và tác động đến đâu lại phụ thuộc vào cái nhìn, ngòi bút tâm huyết ở mỗi người làm báo.

Có thể thấy, theo dõi và chứng kiến sự thay đổi không ngừng của ngành nông nghiệp trong gần chục năm trở lại đây, cá nhân tôi càng thấy tự hào về những bước phát triển mới của ngành. Như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan từng khẳng định, trong bối cảnh xã hội hiện nay, tư duy sản xuất nông nghiệp cần phải thay đổi để bắt kịp những thay đổi nhanh chóng. Một thời chúng ta buộc phải tăng diện tích, tăng sản lượng lương thực để đảm bảo đời sống dân sinh và có dư để xuất khẩu. Bây giờ nhu cầu của xã hội ngày càng cao, từ ăn no đến ăn ngon, ăn sạch và ăn bổ. Vì vậy, bài toán kinh tế nông nghiệp đặt ra hiện nay không phải là sản lượng đạt bao nhiêu, mà cái chính là hiệu năng, hiệu suất đầu tư. Nhà nông bỏ túi được bao nhiêu tiền lời từ diện tích canh tác, sản lượng thu hoạch được sau mỗi mùa vụ. Cần phải liên kết, làm kinh tế hợp tác thì mới phát triển, mới đủ sức xoay chuyển nhanh và kịp thời được.

Đó cũng chính là đề tài mà báo chí nông nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục phản ánh, đưa tới độc giả cái nhìn ngày càng rõ nét hơn về nông nghiệp – nông dân – nông thôn Việt Nam thời đại mới.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top