Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 1 năm 2019 | 14:17

Nơi ươm trồng “mùa Xuân”

Cuộc sống của người dân Văn Giang (Hưng Yên) ngày càng được nâng cao nhờ chủ trương chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa, cây cảnh.

Thời điểm này, bà con đang tích cực chăm sóc hoa, cây cảnh, đảm bảo đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

 

tr15.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm mô hình trồng hoa, cây cảnh ở xã Xuân Quan (Văn Giang - Hưng Yên). Ảnh: Trọng Đức.
 

Thay đổi cách làm, nông dân thu tiền tỷ

Xã Phụng Công được biết đến là nơi người dân có thu nhập cao nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi. Gia đình ông Lý Văn Thỉnh (ở thôn Khúc) là một trong những hộ đầu tiên chuyển đổi 5 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) ruộng cấy lúa sang trồng hoa, hiệu quả kinh tế tăng nhiều lần. Mỗi năm, gia đình ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên và gần 20 lao động thời vụ.

“Phần lớn diện tích trồng hoa hồng, còn lại trồng hoa mùa vụ như mẫu đơn, lan... Sau khi chuyển đổi thành công, gia đình còn thuê gần 2ha đất bãi trồng cây thế, cây bóng mát, với những loại cây được ưa chuộng hiện nay như: bàng Đài Loan, đề, phượng, ban Tây Bắc, muồng Hoàng Yến... để cung cấp cho các khu đô thị trên địa bàn và các tỉnh, thành khác”, ông Thỉnh nói.

Ông Đỗ Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phụng Công, cho biết: “Trước đây, khu đất bãi của xã chủ yếu trồng ngô, giá trị kinh tế chỉ đạt 45 triệu đồng/ha/năm. Từ năm 2012 đến nay, xã khuyến khích nông dân chuyển đổi thành vùng trồng hoa cây cảnh tập trung. Cả xã có 1.700 hộ thì có tới 1.200 hộ làm nghề trồng hoa, cây cảnh với diện tích gần 100ha, giá trị kinh tế đạt 550 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập  trung bình đạt trên 60 triệu đồng/người/năm, thậm chí có  hộ trồng hoa công nghệ cao thu nhập 1,5-2 tỷ đồng/năm”.

Từ chủ trương khuyến khích hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung để góp phần xây dựng nông thôn mới của UBND huyện Văn Giang, nhiều vùng chuyên canh sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đã hình thành. Đã có nhiều hộ gia đình chuyển sang hẳn trồng hoa lan, hoa ly…, thu nhập hàng tỷ đồng/năm, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Đây là hướng đi mới cho người nông dân trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Khác với Phụng Công, người dân xã Xuân Quan lại tìm hướng đi riêng, chú trọng vào các loại hoa hiếm như: hoa hồng cổ và những giống hoa mới nhập ngoại, cho giá trị kinh tế khoảng 70 triệu đồng/ha/năm. Gần 900 hộ trồng hoa có thu nhập trung bình từ 300 triệu đồng/năm trở lên, nhiều hộ thu nhập 2-4 tỷ đồng/năm.

Anh Nguyễn Văn Tuyên, ở thôn 1, một trong những tỷ phú trẻ của làng hoa, cho biết, nhờ có chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh đã thành công trong nghề trồng hoa với 2 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) trồng hoa hồng cổ và những giống hoa mới nhập ngoại. Anh từng bán những cây hồng cổ có tới gần 1.000 bông, trị giá hàng trăm triệu đồng. Anh thu lãi hàng tỷ đồng/năm từ trồng hoa, cây cảnh.

Gia đình chị Lê Thị Nghĩa ở thôn 4, có 5 thành viên, trước kia chỉ trông vào 4-5 sào ruộng, quanh năm làm quần quật cũng chỉ đủ ăn. Vậy mà sau khi chuyển sang trồng hoa với diện tích hơn 3 mẫu, doanh thu lên tới vài tỷ đồng/năm. “Trồng hoa đã đem lại cho gia đình tôi thu nhập gấp hơn 10 lần so với trồng lúa trước kia”, chị Nghĩa nói.

Cũng chính nhờ trồng hoa, gia đình chị Nghĩa giờ sống trong một ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ, cuộc sống ở mức sung túc, dư dả, điều mà nếu tiếp tục làm nông như trước kia, chị không dám mơ tới.

Những năm gần đây, làng hoa Xuân Quan đã trở thành cái tên quen thuộc được nhiều du khách gần xa tìm đến. Cách Hà Nội chỉ hơn 20km, làng hoa ven sông với đủ loại hoa, cây cảnh khoe sắc đã trở thành điểm ghé chân của khá đông người dân Thủ đô, nhất là vào dịp lễ, Tết, cuối tuần.

Cần hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân

Anh Vũ Ngọc Quang (thôn Hoàng Trạch), một trong những người làm quất tiểu cảnh đầu tiên ở xã Mễ Sở, cho biết, trồng cây cảnh đòi hỏi phải có kỹ thuật, mất nhiều công chăm sóc, đầu tư làm giàn ban đầu...

Năm ngoái, giá bán trung bình từ 300 nghìn đến vài triệu đồng/cây. Với 3,5 sào vườn, năm nay, gia đình anh Quang trồng được gần 4.000 chậu, ước thu khoảng 1 tỷ đồng. Nếu trồng thông thường chỉ được khoảng 600 cây.

Anh Quang cho biết, chúng tôi vốn  chỉ quen với việc canh tác, trồng cây nông nghiệp như lúa, ngô, khoai, sắn… Chăm sóc các loại cây trồng này cũng đơn giản.

Nhưng khi chuyển đổi sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao, nông dân rất cần được hướng dẫn kỹ thuật. 

 

tr15a.jpg
Hoa hồng cổ Sapa có nguồn gốc từ châu Âu, được trồng tại Văn Giang.

 

Còn chị Nghĩa chia sẻ, không chỉ miễn toàn bộ kinh phí tham gia các khóa đào tạo, mời các chuyên gia giỏi, dày dặn kinh nghiệm về tập huấn, chia sẻ công nghệ lấy giống, ươm trồng sao cho bài bản, đạt năng suất, chất lượng cao, lãnh đạo xã, Hội Làm vườn, Hội Nông dân cùng chủ đầu tư khu đô thị Ecopark còn giám sát chặt chẽ quá trình triển khai các lớp học, tổ chức các chuyến tham quan tới các làng hoa nổi tiếng để chúng tôi có thêm kiến thức cũng như quyết tâm theo đuổi hướng đi này.

Không chỉ tái đầu tư vào sản xuất, nhiều hộ dân Xuân Quan giờ đây còn chọn cách xuất ngoại để mở mang tầm mắt, nâng cao trình độ. Quy tụ được hơn 30 xã viên, Hợp tác xã Hoa cây cảnh Xuân Quan mỗi năm tổ chức 1 - 2 chuyến đi Thái Lan, Trung Quốc, Philippines... để xã viên nắm bắt xu hướng, thị hiếu, cách chăm sóc hoa ở nước bạn bằng nguồn kinh phí hoàn toàn tự túc.

Chính quyền quan tâm

Theo ông Lê Quý Đôn, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan, hiện, nghề trồng hoa đã thu hút trên 900 hộ gia đình trong xã tham gia, hơn 60% diện tích đất canh tác của xã dành cho hoa và cây cảnh. Tổng lợi nhuận từ hoa, cây cảnh của xã đạt 200 tỷ đồng/năm. Trừ chi phí, hộ trồng hoa ít cũng có thu 300 triệu đồng, hộ nhiều lên tới cả chục tỷ đồng. Chưa bao giờ người làm nông ở Xuân Quan giàu như bây giờ.

“Chỉ cách đây 10 năm, những con số này tưởng như là ước mơ quá đỗi xa vời với người dân nơi này bởi khi đó Xuân Quan chỉ là vùng đất nghèo thuần nông, quanh năm người dân đầu tắt mặt tối với những hạt lúa, hạt ngô, chắt chiu từng đồng mà vẫn bị cảnh nghèo khó bủa vây. Nhờ chính sách đúng đắn của cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự hỗ trợ thiết thực từ doanh nghiệp đóng trên địa bàn, nông dân được tham gia các khóa đào tạo chuyển đổi nghề, chuyển hướng sang trồng hoa, cây cảnh”, ông Đôn cho hay.

Xuân Quan đã vươn mình trở thành  vựa hoa trẻ, sánh ngang với những vựa hoa truyền thống như Mê Linh, Tây Tựu. Năm 2018, người trồng hoa Xuân Quan có thêm niềm vui khi được đón Bằng công nhận Làng nghề Trồng hoa cây cảnh.

Ông Nguyễn Quốc Chương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Giang, cho biết, những năm gần đây, thu nhập của người dân tăng cao, từ 23 triệu đồng/người năm 2011, nay tăng lên gần 60 triệu đồng/người, nhờ sự nỗ lực, nhạy bén của người dân và chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế của UBND huyện.

Theo Chủ tịch UBND huyện Văn Giang Chu Quốc Hiệu, người dân trong huyện giờ không muốn đi xuất khẩu lao động nữa vì ngay tại địa phương còn phải thuê người làm từ những địa phương khác. Người có vốn thì thuê đất nông nghiệp để trồng hoa, cây cảnh. Người ít vốn thì mở dịch vụ kinh doanh chậu, giá thể, lưới, nhà kính, hệ thống tưới nước phục vụ làng hoa... Thu nhập bình quân của lao động  ở mức 200.000-500.000 đồng/người/ngày.

Xuân đang về bên thềm của các gia đình, khi những chậu hoa cây cảnh được  nông dân Văn Giang chăm sóc như mang thêm sức sống mới.

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top