Những nông cụ một thời của nông dân xứ Quảng đã để lại ấn tượng sâu đậm về sự khéo léo, tinh xảo, cần cù, nhẫn nại của người dân. Trải qua thời gian, nó không ngừng được cải tiến cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, đất đai, tập quán canh tác, hoàn cảnh lịch sử, đời sống văn hóa…
Một số nông cụ tiêu biểu.
Trong đời sống của cư dân Việt, từ người làm nông đến người làm nghề rừng, nghề biển, đâu đâu các vật dụng làm bằng tre và chiếu cói cũng gắn bó như hình với bóng. Nào là những nong nia, giần sàng, cối xay, bồ đập lúa… của nông dân; nào là đó, đăng, vịt, lờ, nò, bóng, nhủi hến, cào don, ghe nan, thúng lắc... của người làm nghề đánh cá trên sông, trên biển. Nào là hình ảnh những cô thiếu nữ dẻo dai với đôi nừng tre gánh thóc trên vai…
Cây tre và sản phẩm mây tre đan gắn bó sâu sắc với hình ảnh làng quê và những con người tảo tần hôm sớm, một nắng hai sương. Ngày trước, những chiếc cày, bừa của nông dân tuy được làm bằng thủ công nhưng đã cày bao thửa ruộng cho những mùa lúa xanh tươi tốt.
Tôi vẫn mãi nhớ cái thời đó, vào ngày mùa, sớm sớm đường làng rộn ràng tiếng người í ới kéo nhau ra đồng cày ruộng. Còn bọn trẻ chúng tôi, cứ sau lụt tháng Mười âm lịch là kéo nhau đi bắt cá theo đường bừa đầy bùn.
Con trâu đi trước kéo chiếc cày thủ công, vậy mà đường cày khá sâu. Cày xong lại bừa rồi tháo nước vào ruộng diệt cỏ. Cánh đàn ông cày bừa xong, cánh đàn bà con gái nhổ mạ, xắn quần xuống ruộng cấy lúa, nên mới có cảnh: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa...”.
Đăng và đó được làm bằng tre, dùng để nhử bắt, chặn bắt các loại cá nhỏ.
Hồi đó, không có công trình thủy lợi nhiều như bây giờ, nên ở vùng đồng gieo sau mùa lúa tháng Ba, bà con dắt trâu ra đồng cày ruộng rồi phơi ải qua tháng 8, tháng 9 trời bắt đầu có mưa giông thì bừa khô một bận, rồi đem lúa ra gieo. Đồng khô nên đất ruộng thành cục, bà con dùng chiếc vồ (thường làm bằng gỗ mít) đập cho cục đất vỡ ra.
Khi mùa mưa lũ, cá dưới ao, sông lên đồng đẻ trứng, rồi bầy cá rô xuất hiện, bọn trẻ tha hồ thả câu vào ruộng lúa mà câu cá. Cá rô đồng đem kho với lá gừng,lá nghệ ăn với cơm nóng trong ngày mưa, trở thành món ngon dân dã.
Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi có những xóm làng chuyên đan lờ, làm nơm. Để có những chiếc lờ, chiếc nơm, vào mùa hè, bà con chọn những cây tre già chắc, chặt ra vót thành nan, với đôi tay khéo léo, đan thành chiếc nơm, chiếc lờ để những ngày mưa kéo nhau đi thả lờ bắt cá đồng. Còn chiếc nơm thì chờ nước ao hồ cạn, bà con kéo nhau đi úp nơm bắt cá.
Những nông cụ gắn bó một thời với người nông dân giờ hầu như bị quên lãng bởi việc cơ giới hóa, thủy lợi hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc sống hiện nay, con người đang có xu hướng quay về với các sản phẩm thủ công gần gũi và thân thiện với thiên nhiên, sau khi đã nhận ra sự tự mãn thái quá với các món hàng công nghệ phẩm. “Ngành văn hóa tỉnh Quảng Ngãi đang cố tìm ra con đường để các sản phẩm của nghề đan tre và dệt chiếu hiện diện trong sinh hoạt và đời sống người tiêu dùng ngày càng nhiều hơn, mở ra con đường đưa các sản phẩm giàu tính mỹ nghệ đến với thị trường rộng lớn hơn trong và ngoài nước”, ông Lê Hồng Khánh, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ.
Hải Yến
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.