Niềm mong mỏi nhiều năm qua của người dân thôn Phiêng Sáp, xã Đồng Tâm (Bình Liêu - Quảng Ninh) đã thành hiện thực khi đường ống nước đã được kéo về đến từng nhà. Từng dòng nước trắng xóa, mát lạnh chảy từ đầu nguồn và bể nước sinh hoạt tập trung về nhà như thỏa được cơn khát nước sạch bao lâu nay của người dân.
Bàn giao công trình nước sạch cho bà con bản Phiêng Sáp.
Phiêng Sáp là thôn đặc biệt khó khăn của xã Đồng Tâm, cách trung tâm xã 5km, có 61 hộ dân, 100% dân số là người Dao, sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo cao, trên 80%. Được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh là niềm mong mỏi của các hộ dân nơi đây. Niềm mong mỏi ấy đã thành hiện thực bởi trong tháng 5 vừa qua, công trình bể nước sinh hoạt tập trung do Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đầu tư vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngày đường ống nước được kéo về bản, trên nét mặt của các hộ dân đều ánh lên niềm vui mừng sau nhiều năm luôn trong tình trạng thiếu nước và sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
Những năm trước đây, đa số người dân trong bản phải sử dụng nước giếng tự đào, hoặc nước khe nên vào mùa khô thường thiếu nước sinh hoạt, nhiều gia đình phải đi gánh nước ở suối hoặc các khe nước trên rừng về tích trữ trong thùng nhựa để dùng dần. Hộ có điều kiện thì mua ống nhựa dẫn nước từ núi cao về nhưng vào mùa khô thì nguồn nước cạn kiệt, mùa mưa lá cây bịt ống gây tắc, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Qua nắm bắt tình hình thực tế, cũng như nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, năm 2016, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh tiến hành khảo sát, điều tra ý kiến của người dân và trực tiếp đến nguồn nước đầu nguồn xem xét, lập kế hoạch thực hiện. Đến tháng 4/2017, công trình bể nước sạch sinh hoạt tập trung được chính thức triển khai xây dựng với tổng kinh phí thực hiện 131 triệu đồng, trong đó Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 90 triệu đồng từ các nguồn xã hội hóa, Đoàn Thanh niên tỉnh hỗ trợ 6 triệu đồng, số tiền còn lại do các hộ dân đóng góp. Công trình gồm bể lắng được xây dựng ở đầu nguồn, đường ống từ đầu nguồn ra bể tập trung và từ bể xuống các hộ dân.
Chị Chìu Tài Múi nhớ lại: “Trước đây, để có nước sinh hoạt, gia đình tôi thường phải đi gánh nước hàng cây số vừa vất vả lại tốn thời gian. Từ khi được Đảng, Nhà nước, chính quyền quan tâm đầu tư xây bể, ống dẫn nước từ đầu nguồn về đến tận nhà, gia đình tôi rất vui vì nguồn nước vừa sạch vừa tiện lợi”.
Anh Chìu Chăn Sống, Trưởng bản Phiêng Sáp cho biết: “Nước sạch đã dẫn về tận nhà, người dân đỡ vất vả, nhất là chị em phụ nữ. Giờ người dân chúng tôi không phải lo thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô nữa, có nhiều thời gian tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.
Để công trình phát huy được hiệu quả và duy trì việc cấp nước liên tục cho các hộ dân trong bản, thôn Phiêng Sáp đã thành lập tổ quản lý công trình nước sạch để đảm bảo nguồn nước được thông suốt. Ông Phùn Đức Tình, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ thôn Phiêng Sáp vừa mở vòi nước từ bể nước vừa hồ hởi chia sẻ: “Được tỉnh và địa phương quan tâm đầu tư bể nước sạch cho dân bản, tôi và mọi người sẽ cùng nhau bảo vệ, quản lý tốt công trình, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả. Chúng tôi cũng sẽ vận động bà con không chặt phá rừng, cùng nhau trồng thêm cây ở đầu nguồn để bảo vệ nguồn nước”.
Ông Bùi Minh Thanh, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Chúng tôi luôn xác định hỗ trợ các địa phương, nhất là ở vùng sâu vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn các chương trình cụ thể, thiết thực để cải thiện đời sống cho bà con. Thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền, Hội tập trung phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả để các hộ dân hiểu và làm theo, tạo thu nhập ổn định. Đối với bể nước sinh hoạt, trên cơ sở nắm bắt nhu cầu của bà con và kinh phí của Hội, chúng tôi sẽ nghiên cứu và triển khai tiếp tới các thôn bản khó khăn khác của huyện Bình Liêu”.
Ông Hoàng Kiên Trung, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm, cho biết: “Nước sạch là một trong những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, do đó, để nâng cao tỷ lệ người dân được hưởng nước hợp vệ sinh từ 86% lên 100%, chúng tôi luôn bám sát Đề án 196 của tỉnh, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của tỉnh, huyện, nguồn lực của địa phương để tập trung hoàn thành tiêu chí này. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang chỉ đạo triển khai dự án xây dựng công trình nước sạch tập trung Khe Chắc với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Hiện nay, đã hoàn thành xong mặt bằng công trình. Nếu công trình này hoàn thành sẽ cấp nước cho 3 thôn, bản với 250 hộ và 6 cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã Đồng Tâm”.
Việc đưa công trình nước sạch về các thôn bản vùng khó khăn không chỉ góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe của người dân mà còn giúp Đồng Tâm sớm hoàn thành tiêu chí nước sạch, phấn đấu trở thành xã nông thôn mới đúng kế hoạch.
La Lành
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.