Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 9 tháng 3 năm 2016 | 12:13

Phá dỡ lò gạch ở Phú Yên: Giải quyết sao cho thấu tình đạt lý!

Ngày 8-3, tại khu làng nghề sản xuất gạch, ngói thủ công ở khu phố Phú Hiệp 1, thị trấn Hòa Hiệp Trung, hàng trăm người dân tụ tập phản đối khi  huyện Đông Hòa (Phú Yên) huy động lực lượng cùng xe múc đến phá dỡ lò gạch của họ, gây bức xúc dư luận.

Chính quyền huyện Đông Hòa huy động cả xe múc đến các cơ sở sản xuất gạch ở khu phố Phú Hiệp 1 phá dỡ

Theo ghi nhận của PV Báo Kinh tế nông thôn, tại hiện trường, lực lượng chức năng huyện Đông Hòa đã dùng xe múc đập phá lò gạch mặc cho các chủ cơ sở gào khóc. Bà Bùi Thị Thanh Vân bức xúc cho biết, để phản đối chính quyền phá các lò gạch tại làng lò gạch, trong hơn một tuần qua, hàng trăm hộ dân nơi đây thay phiên nhau trực cả ngày lẫn đêm tại lò gạch. Nhiều người còn bỏ cả công việc ruộng đồng, đưa con cái đến các lò gạch mà chính quyền huy động lực lượng phá dỡ để kiên quyết phản đối bởi lẽ thông báo “Về việc thực hiện tháo dỡ các cơ sở sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn huyện Đông Hòa” hết sức vô lý. Thông báo do Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa Lê Tấn Thảo ký ban hành ngày 17-2-2016 với nội dung: Các chủ cơ sở sản xuất gạch, ngói đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn huyện phải tháo dỡ đến hết ngày 24-2-2016. Nếu đến hết ngày 24-2, các chủ cơ sở sản xuất gạch, ngói đất sét nung không tự tháo dỡ thì bắt đầu từ ngày 25-2, UBND huyện tổ chức cưỡng chế”. Như vậy, theo thông báo trên thì người dân chỉ có 7 ngày để tháo dỡ các lò gạch, trong khi đó gạch mộc (gạch chưa nung) của bà con còn khá nhiều.

Theo bà Vân, người dân không phản đối chủ trương phá dỡ lò gạch nung để chuyển sang gạch không nung. Tuy nhiên, bà con mong muốn chính quyền cho họ thêm thời gian, khoảng 15 ngày nữa để nung hết số gạch mộc còn lỡ cỡ rồi sẽ tự tháo dỡ. Thế nhưng chính quyền không cho mà vẫn cương quyết đập phá. Vậy với hàng triệu viên gạch chưa nung, người dân phải làm sao? Hơn nữa, trước khi tiến hành cưỡng chế, chính quyền địa phương ra thông báo tới các chủ cơ sở trong thời gian quá ngắn, chỉ trong vòng 7 ngày. Đây là thời điểm mới ra Tết, công nhân chưa đi làm lại, lò gạch chưa thể hoạt động để nung hết gạch tồn nên rất khó cho người dân. Trước đó các cơ sở sản xuất gạch, ngói đất sét nung cùng hàng trăm người lao động đã làm đơn khiếu nại, kêu cứu đến các cấp nhưng không được giải quyết.

Bà Vân leo lên lò gạch để phản đối về cách giải quyết không thấu tình đạt lý của UBND huyện Đông Hòa, khi không cho họ thời gian khoảng 15 ngày để nung hết số gạch mộc (gạch chưa nung)

Chị Nguyễn Thị Lê trú khu phố Phú Hiệp 1, nghẹn ngào cho biết: Ông Lê Tấn Thảo, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa ra thông báo ngày 17-2-2016 và cương quyết đòi chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công trên địa bàn trong vòng 7 ngày thì làm sao chúng tôi xoay sở kịp. Cách đây 3 ngày, gia đình chúng tôi đang nung gạch mộc trong lò thì bất ngờ chính quyền đến cho xe vào phá dỡ. Tôi có nói: “Số gạch mộc gia đình còn quá nhiều cho chúng tôi 3 ngày nữa để nung hết rồi chúng tôi tự giác tháo dỡ”. Tuy nhiên, họ vẫn cương quyết, mặc kệ chúng tôi kêu cứu. Thế là gần 100 triệu đồng của gia đình tôi bị đổ xuống sông xuống biển. Liệu việc họ làm như vậy có đúng hay không, có thấu tình đạt lý chưa?

Người dân kéo đến nơi phá dỡ các lò gạch phản đối

Ông Nguyễn Văn Minh, thôn Bàn Nham Nam, xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa đau lòng cho hay: Chúng tôi đâu phải không chấp hành, chúng tôi chỉ xin khoảng 1 tuần để nung hết số gạch mộc rồi tự tháo dỡ rồi chuyển sang công nghệ sản xuất gạch Tuynel nhưng họ vẫn bất chấp cho xe vào phá dỡ. Mới đây, gia đình tôi vay ngân hàng cả 100 triệu đồng để đầu tư đợt sản xuất cuối cùng rồi chấm dứt hoạt động luôn, nhưng giờ bị ép quá, chúng tôi biết làm sao. Chắc kiểu này bán nhà, chứ ngân hàng ngày nào họ cũng gọi điện đòi.

Hiện tại, trong lúc các cơ sở và người lao động đang khiếu nại và kêu cứu khẩn cấp tại địa phương thì tại khu vực khu phố Phú Hiệp 1 vẫn diễn ra việc phá dỡ hàng chục lò gạch. Nhiều chủ cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn trần tình: Việc họ phải bỏ nhà cửa để đi kêu cứu, khiếu nại cũng chỉ là bất đắc dĩ, vì một số cơ quan chức trách ở địa phương liên tiếp có các động thái dồn ép, cưỡng chế, buộc họ lâm vào con đường phá sản, người lao động mất việc làm. Tuy vậy, dù bà con có cầm đơn đi đến các nơi kêu cứu hay kêu la ầm ĩ lên mấy đi nữa cũng không được gì.

Trong lúc gạch mộc của người dân còn đang trong lò, chính quyền nơi đây quyết phá dỡ, tạo ra khung cảnh rất lộn xộn

Theo phản ánh của một số người dân ở khu phố Phú Hiệp 1, hiện trên địa bàn huyện Đông Hòa còn có vài lò gạch vẫn ngang nhiên hoạt động, ngày đêm đỏ lửa, công nhân bận rộn với công việc, máy múc, xe chở đất, xe chở gạch ra vào liên tục, lò gạch lớn cũng nhả khói ngày đêm. Trong khi trước đó, UBND huyện đã yêu cầu cắt điện không cho các cơ sở sản xuất gạch hoạt động nhưng không hiểu sao còn vài chủ lò vẫn có điện hoạt động, phải chăng có sự bao che, bảo cơ cho các cơ sở này?

Người dân cũng cho hay, chính quyền không tổ chức họp dân trước khi ban hành thông báo cưỡng chế. Họ cũng không để cho người dân có cơ hội giải quyết số lượng tồn kho gạch chưa kịp nung, gây thất thoát hàng tỷ đồng. Sự việc nơi đây rất cần vào cuộc từ Trung ương đến chính quyền tỉnh Phú Yên tìm cách giải quyết để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Sáng nay, 9-3, hàng chục người dân kéo đến trụ sở UBND tỉnh Phú Yên để phản đối về việc này, họ cầu mong UBND tỉnh có cách giải quyết thấu tình đạt lý.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.

P.V

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top