Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 21 tháng 6 năm 2020 | 17:28

Phú Yên: Giảm 30% rác thải nhựa thất thoát ra môi trường vào năm 2025

UBND tỉnh Phú Yên, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức WWF đã ký cam kết tham gia dự án Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam và thí điểm tại thành phố Tuy Hoà.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

UBND tỉnh Phú Yên, Tổng cục Biển và Hải đảo, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh vừa phối hợp tổ chức Hội nghị tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa nhằm đánh giá thực trạng, kịp thời đưa ra các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh.

Tại Phú Yên, để chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa, tỉnh này đã phát động và đồng loạt triển khai ở các sở, ban, ngành, địa phương với nhiều hoạt động tích cực để giảm thiểu rác thải nhựa. Tuy nhiên, hiện nay tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 524 tấn/ngày, thu gom được là 448 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 85%, số còn lại hoặc người dân tự xử lý hoặc chưa được thu gom.

Trong số 85% rác thải được thu gom, hình thức xử lý chủ yếu bằng chôn lấp tại các bãi rác, trong đó chỉ có 2/20 bãi hợp vệ sinh, về lâu dài với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay thì bãi rác sẽ không còn đáp ứng trong tương lai gần. Ngoài ra, một lượng lớn rác thải nhựa từ đại dương, rác thải từ lồng bè nuôi trồng thuỷ sản theo gió đưa vào đất liền các huyện ven biển của tỉnh chưa được thu gom xử lí triệt để cũng đang là một thách thức lớn về môi trường tại tỉnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất giải quyết các vấn đề cụ thể như: thực trạng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; kế hoạch hành động giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt và kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Phú Yên; chương trình Đô thị giảm nhựa tại Phú Yên; những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa và đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, đồng bộ để góp phần tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý.

10.jpg
UBND tỉnh Phú Yên, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức WWF ký cam kết tham gia dự án Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam

 

Theo ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, thời gian qua, tranh thủ các ý kiến, tham luận, giải pháp xử lý chất thải rắn, công tác quản lý nhà nước về môi trường nói chung và công tác quản lý, kiểm soát và giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa, nhựa đại dương nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, để từng bước hướng đến một Phú Yên xanh - sạch - đẹp, UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt với nội dung đa dạng, phong phú và hiệu quả; rà soát, xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải nhựa và nhựa đại dương; giám sát thu gom vận chuyển rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025 giảm 30% lượng rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh ra môi trường.

Qua đó, UBND tỉnh Phú Yên giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường nói chung và vấn đề rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa nói riêng; trước mắt khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và Kế hoạch hành động quản lý chất thải nhựa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

 

Đà Nẵng: Triển khai Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa

Đây là Dự án “Đô thị giảm nhựa (ĐTGN) tại TP. Đà Nẵng” do tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tài trợ. Đà Nẵng là một trong các đô thị đầu tiên được WWF xác định ưu tiên thực hiện khảo sát đánh giá trong nhóm đô thị đợt 1 và tiềm năng để tham gia Chương trình ĐTGN  cùng với Rạch Gía và Phú Yên. Đến nay tại Đà Nẵng các hoạt động  của chương trình đang được triển khai thực hiện gồm: hỗ trợ xây dựng KHHĐ Quản lý rác thải nhựa (RTN) và CTN Đại dương tới năm 2030; triển khai cuộc thi Sáng kiến giảm RTN; chiến dịch truyền thông “cuộc xâm chiếm của rác”.

Theo đó, quận Thanh Khê (Đà Nẵng) được chọn là địa phương thực hiện Dự án,  hội thảo lần này sẽ xây dựng Kế hoạch hành động (KHHĐ) giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn quận Thanh Khê và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; thực hiện thí điểm mô hình “Chợ không sử dụng túi ni lông”.

do-thi-rtn-2.jpg
Mục tiêu Dự án giảm thiểu lượng RTN vào đại dương và nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng tại quận Thanh Khê nói riêng và TP. Đà Nẵng nói chung

 

KHHĐ Quản lý rác RTN tại quận Thanh Khê nhằm tiến tới giảm thiểu lượng RTN vào đại dương; nâng cao nhận thức và sự thay đổi hành vi của cộng đồng tại quận Thanh Khê nói riêng và TP. Đà Nẵng nói chung; thúc đẩy các sáng kiến/mô hình giảm sử dụng và phát sinh RTN nói riêng và rác thải nói chung.

Cụ thể, kế hoạch đặt ra mục tiêu: Đến năm 2022, giảm 30% ô nhiễm RTN ở quận Thanh Khê so với năm 2020 và không còn RTN thất thoát ra môi trường vào năm 2030; Thí điểm mô hình Chợ không sử dụng túi ni lông tại 01 chợ dân sinh trên địa bàn quận giai đoạn 2020 -2021; Xóa ít nhất 03 điểm nóng rác thải và đảm bảo không phát sinh điểm nóng rác thải mới trên địa bàn quận vào năm 2023; Lồng ghép chương trình giáo dục môi trường - RTN tại ít nhất 10 trường trên địa bàn quận tới năm 2023.

Kết thúc hội thảo các đơn vị gồm quận Thanh Khê, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, Sở Công Thương, đại diện WWF - Việt Nam cũng đã ký Bản cam kết thực hiện Dự án.

Khởi động nhiều mô hình​​​​​​​ “Vì một Hội An không rác thải nhựa”

Mỗi ngày trên địa bàn TP Hội An có khoảng 100 tấn rác thải ra môi trường, dù đã nỗ lực xử lý nhưng rác thải nhựa vẫn là thách thức lớn. Việc thu gom rác thải trong dân hiện chỉ đạt khoảng 75% số hộ, công suất xử lý rác thải chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, bãi chứa rác Cẩm Hà quá tải, nhà máy xử lý rác thải ngừng hoạt động vì thế rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa như túi ni lông, ống hút nhựa, các sản phẩm nhựa dùng một lần… đã trở thành vấn nạn.

Dự án “Xây dựng và chia sẻ mô hình không rác thải tại cộng đồng châu Á được lựa chọn” vừa khởi động là một trong những hoạt động nhằm thực hiện chủ trương phân loại rác tại nguồn để bảo vệ môi trường của TP. Hội An mà Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã kêu gọi và Tổ chức GAIA Philippines, Chương trình tái chế chất thải đô thị (MWRP) - USAID (Mỹ) tài trợ thông qua Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Viet).

Hai địa phương thực hiện thí điểm để từ đó nhân rộng mô hình là xã đảo Tân Hiệp, nơi có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và xã Cẩm Thanh, nơi có rừng dừa nước Bảy Mẫu, cùng với sự phối hợp hỗ trợ của Phòng TN&MT TP Hội An. Đây cũng là hai điểm đến du lịch khá nổi tiếng và thu hút du khách của Hội An thời gian qua. Mục đích dự án hướng đến là truyền thông nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải cho cộng đồng tại xã Cẩm Thanh, xã Tân Hiệp, từ đó hình thành ý thức bảo vệ môi trường, hướng đến không rác thải, xây dựng thành công mô hình không rác thải tại 2 địa phương này và xây dựng thí điểm các cơ sở thực hành quản lý rác thải (MRF).

532611-245-khong-rac-thai-2.jpg
Một hoạt động phát túi sinh thái, bảo vệ môi trường cho du khách tham quan Cù Lao Chàm

 

Tại hội thảo khởi động dự án vừa được tổ chức tại TP Hội An, các bên tham gia đã đưa ra mục tiêu qua 18 tháng triển khai thực hiện sẽ có 75- 80% hộ dân ở 2 địa phương trên thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn, nâng cao tỉ lệ thu gom các loại rác tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa, xử lý rác thải hữu cơ thành phân compost. Những tham luận hữu ích cũng được đề cập, bàn thảo để các bên liên quan cùng quan tâm chia sẻ như: “Vai trò nông nghiệp hữu cơ trong xử lý rác thải nhà bếp ở xã Cẩm Thanh”, “Cộng đồng Cù Lao Chàm với nỗ lực giảm thiểu sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần”, tham gia thiết kế tranh tái chế từ một loại rác thải nhựa nhằm truyền đi thông điệp và chia sẻ mô hình “Không chất thải tại cộng đồng” … Dịp này, các bên liên quan cũng ký kết kế hoạch liên tịch trong việc phối hợp thực hiện các hoạt động của dự án.

Cũng đầu tháng 6 vừa qua, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) kết nối Công ty TNHH Tư vấn Mãi mãi xanh Labs (Evergreen Labs), BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và chính quyền địa phương cùng thảo luận Dự án xử lý rác bền vững trên đảo. Đây là hoạt động nằm trong Dự án rác thải nhựa và cộng đồng ven biển (Marplasticcs) do Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Điển (Sida) tài trợ. Tại Cù Lao Chàm, dự án hướng đến mục tiêu làm sạch hoàn toàn rác thải nhựa hiện tại và rác đã từng chôn lấp trước đó. ở Cù Lao Chàm và cả rác đã từng chôn lấp trước đó.

Là địa phương đi đầu và thực hiện thành công “Nói không với túi nilon” và các sản phẩm nhựa dùng một lần, tạo thành thương hiệu của chính Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An và là địa phương tiên phong trong phong trào “Hướng đến không rác thải nhựa dùng một lần”.

Thời gian qua, BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cùng với địa phương đã có nhiều hoạt động, kế hoạch cụ thể, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức cho cộng đồng, du khách đối với các chương trình “Nói không với túi nylon”, giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại Cù Lao Chàm thông qua nhiều hình thức như trưng bày mô hình rùa biển tái chế từ các loại rác thải thường gặp trên biển như dây thừng, lưới cũ với thông điệp “Hãy đồng hành cùng Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông, ống hút nhựa và các sản phẩm nhựa dùng một lần ngay từ giây phút này”. Đây là tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi “Nghệ thuật tái chế” của UNESCO phối hợp cùng Quỹ Coca-cola tổ chức năm 2018.

 

 

 

PV (Tổng Hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Thường trực Tỉnh Hội, Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi vừa trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk 180ml cho 35 cháu học sinh điểm trường thôn Tà Vay thuộc trường mầm non Đăk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.

Top