Liên quan đến vaccine ComBE Five thay thế vaccine Quinvaxem, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành y tế cần siết chặt, làm thận trọng hơn nữa.
Chiều nay (15/1), phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác ngành y tế năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, một trong những nội dung gây sự chú ý của ngành y tế trong năm 2018 là Việt Nam phải thay thế vaccine Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng bằng vaccine ComBE Five.
Sau sự cố 3 trẻ tử vong sau tiêm vaccine ComBE Five khiến nhiều bậc cha mẹ hoang mang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành y tế cần coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Ngành y tế cần siết chặt quy trình tiêm chủng. “Tôi đề nghị đã thận trọng thì cần thận trọng hơn nữa, sàng lọc trước tiêm kỹ hơn, dặn dò, hướng dẫn cha mẹ trẻ trước và sau tiêm vaccine cẩn thận, theo dõi chặt chẽ, sát sao hơn. Nếu để người dân mất niềm tin vào vaccine là vô cùng nguy hiểm”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về vắc xin ComBE Five, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu các Sở Y tế tỉnh, thành phố phải tiến hành tập huấn quy trình tiêm chủng cho 100% nhân viên y tế tham gia tiêm chủng, đồng thời tập huấn phác đồ chống sốc cho các cơ sở y tế. Bộ Y tế hy vọng với việc tập huấn quy trình chống sốc, ngành y tế sẽ hạn chế được các tai biến không mong muốn khi tiêm vaccine cho trẻ.
Tại hội nghị, Bộ Y tế cũng cho biết, đến năm 2020, Việt Nam sẽ hoàn thành việc sản xuất vaccine 5 trong 1 phòng các bệnh như vaccine Quinvaxem và ComBE Five để đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, năm 2019, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện.
Bộ Y tế cho biết, đến nay đã hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh (tăng 1 bệnh viện hạt nhân và 21 bệnh viện vệ tinh so với năm 2017); các bệnh viện hạt nhân đã chuyển giao gần 2.000 kỹ thuật cao cho các bệnh viện vệ tinh; khoảng 85% số bệnh viện vệ tinh có xu hưởng gỉảm chuyển tuyến.
Xây dựng và bước đầu triển khai hiệu quả Đề án 5168/QĐ-BYT ngày 24/8/2018 về việc "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh giai đoạn 2018-2020".
Tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện cải tiến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thực hiện mục tiêu Chương trình hành động Quốc gia về nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn từ nay đến năm 2025. Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn, quy định về quản lý chất lượng như phòng ngừa sự cố y khoa…
Tiếp tục thực hiện Bộ 83 tiêu chí chất lượng; đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao y đức; xây dựng cơ sở y tế “Xanh - Sạch - Đẹp” hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Triển khai liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán đối với các phòng xét nghiệm đã đạt ISO 15189 tại 28 bệnh viện trực thuộc Bộ. Tích cực nâng cao chất lượng lâm sàng, xét nghiệm, ban hành hướng dẫn quy trình kỹ thuật chẩn đoán, điều trị; rà soát sửa đổi quy chế bệnh viện.
“Bộ mặt chung của nhiều bệnh viện đã thay đổi, chỉ dẫn, đón tiếp tốt hơn, môi trường bệnh viện đang xanh hơn, nhà vệ sinh, cảnh quan sạch hơn, đẹp hơn. Kết quả khảo sát cho thấy có sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ hài lòng của người bệnh, đạt khoảng 80% ở các loại khảo sát khác nhau”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ.
Phát triển mạng lưới y tế cơ sở
Bộ Y tế cho biết, trong năm 2019, ngành y tế tiếp tục triển khai Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Hiện nay, cả nước đã có khoảng 90% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, 95% trạm y tế xã có bác y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh, 99,7% xã có cơ sở trạm (0,3% phải nhờ cơ sở khác), 99% thôn, bản, ấp có nhân viên y tế hoạt động, 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Số lượng các dịch vụ thực hiện theo phân tuyến kỹ thuật của trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã ngày càng tăng, một số đơn vị đã thực hiện được một số kỹ thuật của tuyến trên; Trên 70% người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở. Gần 90% trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh BHYT.
Số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở chiếm khoảng 70% (xã khoảng 20%, huyện khoảng 50%); Xây dựng và thực hiện mô hình 26 trạm y tế xã điểm theo nguyên lý y học gia đình. Phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình ở các nơi có điều kiện, đã có 240 phòng khám bác sỹ gia đình tại 7 tỉnh/TP.
Một số địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh … đã thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân cho khoảng 80% dân số. Xây dựng và triển khai hệ thống kết nối y tế từ xa (telemedicine) của 26 trạm y tế xã điểm với các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến trên, Sở Y tế và Bộ Y tế./.