Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 3 tháng 4 năm 2022 | 6:56

Quý I, giá trị hàng hoá xuất khẩu của Sơn La tăng gần 20%

Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Sơn La, giá trị hàng hóa xuất khẩu trong quý I/2022 của tỉnh ước đạt 37,22 triệu USD tăng 19,72% so với với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: Xi măng, chè, cà phê, sản phẩm sắn, chuối.

Giá trị xuất khẩu tăng

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng quý I ước đạt 6.960 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Hàng hóa được lưu thông thông suốt, nguồn cung hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh luôn được đảm bảo, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân trong thời gian phòng, chống dịch Covid -19.

Hoạt động thương mại của Sơn La  trong quý I được duy trì ổn định, hàng hóa phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các hoạt động dịch vụ dần được phục hồi. Các sản phẩm nông sản trái cây xuất khẩu chủ lực của tỉnh chưa đến mùa vụ thu hoạch.

 Quý I/2022, giá trị hàng hoá xuất khẩu của Sơn La tăng 19,72% so với với cùng kỳ năm trước.

 

Việc chuyển đổi các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid -19 sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19” đã dỡ bỏ nhiều rào cản, hạn chế tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh thương mại, lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Dịch bệnh Covid -19 khiến nhu cầu tiêu thụ các loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm chế biến, thực phẩm chức năng, các sản phẩm hỗ trợ phòng và điều trị Covid -19 tăng cao, hoạt động mua bán, giao dịch trực tuyến được thúc đẩy.

Kết quả đạt được là vậy, nhưng hoạt động thương mại trong quý vẫn gặp phải một số khó khăn như: Giá xăng dầu liên tục tăng cao (cao nhất trong vòng 14 năm) ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Phía Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập khẩu nông sản và các sản phẩm chế biến từ nông sản của Việt Nam.

Nâng cao chất lượng nông sản

Nhằm nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm trái cây xuất khẩu đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu ngày càng cao, ngày 2/4, Hội Nông dân tỉnh Sơn La phối hợp với UBND thành phố Sơn La tổ chức Lễ phát động phong trào bao trái cây phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu năm 2022.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh, đây là hoạt động thiết thực để thúc đẩy việc xuất khẩu nông sản năm 2022 và những năm tiếp theo.

Sơn La phát động phong trào bao trái cây phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu năm 2022, nhằm nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm trái cây xuất khẩu.

 

Hội Nông dân tỉnh và các huyện, thành phố cũng như các hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp tục tập trung sản xuất theo đúng quy trình, phát triển những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, chất lượng an toàn; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng trong xuất khẩu, tiêu thụ trong chế biến.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới; tổ chức nắm bắt thông tin, dự báo, phân tích thị trường; nâng cao năng lực của các cơ sở chế biến, đóng gói sau thu hoạch; tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các cơ sở chế biến đủ điều kiện thu hút đầu tư…

Hiện nay, tỉnh Sơn La đã có 18 sản phẩm trồng trọt được cấp chứng nhận bảo hộ, trong đó 3 sản phẩm bảo hộ dưới hình thức Chỉ dẫn địa lý (Chè Shan tuyết Mộc Châu, Xoài tròn Yên Châu, Cà phê Sơn La); 13 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận (Cam Phù Yên, Nhãn Sông Mã, Táo Sơn tra Sơn La, Na Mai Sơn, Bơ Mộc Châu, Chuối Yên Châu, Chanh leo, Mận Sơn La, Rau Mộc Châu, Rau Sơn La, Chè Ô Long, Chè Phổng Lái, Nếp Mường Và); 2 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể (Khoai sọ Thuận Châu, Chè Tà Xua Bắc Yên); trong đó 02 sản phẩm được bảo hộ tại thị trường nước ngoài: chè Shan tuyết được bảo hộ tại thị trường Thái Lan; sản phẩm chè Shan Tuyết và quả Xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top