Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 1 năm 2021 | 13:26

Quyết định 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực: Y tế vùng cao Bắc Hà gặp khó

Từ ngày 1/1/2021, Quyết định trên hết hiệu lực thi hành, ngành chức năng chưa có cơ sở để xác định vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, làm căn cứ cấp thẻ BHYT cho các đối tượng.

01.JPG
Thành viên tổ công tác tỉ mỉ tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu về các thay đổi chính sách khi Quyết định 582 của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực.

 

Trước đây, việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng người dân tộc thiểu số (DTTS), người Kinh đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Bắc Hà (Lào Cai) căn cứ thực hiện theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/04/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2021, Quyết định trên hết hiệu lực thi hành, ngành chức năng chưa có cơ sở để xác định vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, làm căn cứ cấp thẻ BHYT cho các đối tượng.

Việc tạm thời chấm dứt quyền lợi khám - chữa bệnh BHYT lúc này gây ra không ít tác động đến tổng số đối tượng tham gia BHYT, nhất là người đang điều trị bệnh tại các cơ sở khám - chữa bệnh BHYT trên địa bàn huyện.

Khó do chưa có văn bản thay thế

Ông Chấu Seo Sẻng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bắc Hà, cho biết: Quyết định 582/QĐ-TTg hết hiệu lực sau ngày 31/12/2020 và các địa phương sẽ không có căn cứ để thực hiện các chính sách trên địa bàn. Việc này ảnh hưởng đến các đối tượng thụ hưởng chính sách, nhất là các chính sách có liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của các đối tượng đang sinh sống trên địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, như: Chính sách BHYT, chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Thêm nữa, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 33 quy định về tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển, giai đoạn 2021-2025. Căn cứ quyết định này, Huyện Bắc Hà sẽ có 05 xã bị tác động, chuyển từ khu vực II, khu vực III sang khu vực I. Đó là các xã Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Nậm Đét, Bảo Nhai đã hoàn thành NTM, người DTTS sinh sống tại những xã này sẽ không được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT như trước.

“Cụ thể, sẽ có 11.368 đối tượng người DTTS, 135 người Kinh bị ảnh hưởng. Đây sẽ là khó khăn lớn, bởi tuy đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM nhưng mức độ hoàn thành tiêu chí của các xã này chỉ dừng lại ở mức tối thiểu, nhiều tiêu chí chưa bền vững, đời sống của đồng bào còn không ít khó khăn”, ông Sẻng nói.

 

Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo danh sách các xã, thôn đã được phê duyệt tại Quyết định 582/QĐ-TTg và Quyết định 103/QĐ-TTg cho đến khi có Quyết định mới thay thế.

 

Ủy ban Dân tộc đã ban hành Văn bản số 1625 ngày 23/11/2020 chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát, xác định danh sách các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 33 ngày 12/11/2020 và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3/2021 để thay thế Quyết định số 582 và Quyết định 103/QĐ-TTg. Trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định mới, sẽ có không ít tác động đến việc thực hiện chế độ chính sách, an sinh xã hội trên địa bàn mà người dân cần nỗ lực vượt qua, đặc biệt là vấn đề liên quan đến quyền lợi khám-  chữa bệnh BHYT, bởi các thẻ BHYTsẽ không còn giá trị sử dụng.

Bệnh viện lúng túng

Chia sẻ về khó khăn, vướng mắc trong công tác khám - chữa bệnh khi Quyết định 582 hết hiệu lực thi hành, bác sĩ Nguyễn Như Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, cho biết: “Khi quyết định còn hiệu lực, đồng nghĩa với việc bà con DTTS ai ai cũng có thẻ BHYT, lúc ra viện được quỹ bảo hiểm tri trả 100% chi phí khám, điều trị. Nhưng kể từ ngày 1/1/2021, khi quyết định hết hiệu lực, Chính phủ chưa có văn bản mới thay thế nên trong thời gian chờ quyết định mới, bệnh nhân sẽ phải thanh toán toàn bộ chi phí điều trị. Điều này sẽ gây nên không ít tranh luận, bởi bà con đã quen với việc là đồng bào DTTS đương nhiên sẽ có thẻ BHYT và được BHYT thanh toán toàn bộ viện phí.

 

02.JPG
Người dân đã chủ động, tự nguyện mua thẻ BHYT hộ gia đình để đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh BHYT.

 

Thêm nữa, việc đóng BHYT hộ gia đình để đảm bảo liên tục của thẻ BHYT và quyền lợi khám - chữa bệnh trong thời gian này, không phải hộ gia đình nào cũng có điều kiện để mua. Nghĩa vụ của bệnh viện là tiếp nhận và tích cực điều trị cho bệnh nhân, nếu người bệnh và gia đình không có điều kiện để chi trả viện phí, sẽ rất khó khăn cho bệnh viện lúc này. 

Chung tay tháo gỡ khó khăn cùng Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà và góp phần đảm bảo an sinh xã hội khi Đại hội XIII của Đảng đang đến gần, huyện Bắc Hà đã thành lập Tổ công tác tuyên truyền thay đổi chính sách tại bệnh viện với 8 thành viên, có trách nhiệm phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giải thích cặn kẽ để người dân hiểu về các thay đổi, điều chỉnh chính sách BHYT và khám - chữa bệnh BHYT, từ đó tạo sự đồng thuận, động viên nhân dân cùng nỗ lực vượt qua khó khăn trước mắt, cùng chờ đợi và tin tưởng vào  chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Chị Sải Thị Trang, chuyên viên BHXH huyện Bắc Hà, thành viên Tổ công tác, cho biết: “Ngay trong ngày đầu ra quân (sáng 4/1/2021), các thành viên Tổ công tác do Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện làm tổ trưởng, đã tích cực tuyên truyền, giải thích cho người đến khám - điều trị bệnh về những thay đổi chính sách, từ đó định hướng mua thẻ BHYT hộ gia đình. Rất mừng là bà con đều hiểu và đồng thuận, cũng nhờ thế Tổ công tác làm việc hiệu quả và suôn sẻ”.

Tin tưởng với sự đồng thuận, đoàn kết, nỗ lực vượt khó, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện vùng cao Bắc Hà sẽ từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, cùng chờ đợi và tin tưởng tuyệt đối vào chính sách an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Đảng và Nhà nước.

 

Tính đến tháng 12/2020, BHXH huyện Bắc Hà đang cấp và quản lý 35.186 thẻ BHYT thuộc 2 đối tượng người DTTS và người Kinh đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện, chiếm 53% tổng số người tham gia BHYT toàn huyện.

 

 

Khuất Linh
Ý kiến bạn đọc
  • Chặng đường 25 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

    Chặng đường 25 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

    “Trong những ngày đầu tháng 12 này, Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng với Đô thị cổ Hội An tròn 25 năm ngày được Unesco công nhận Di sản văn hóa của nhân loại. Niềm vinh dự này, không phải địa phương nào cũng có được, tôi xin được chia sẻ niềm vui và niềm tự hào này đối với thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên, chúc cho công tác bảo tồn các di sản ngày càng tốt đẹp, đạt được những thành công hơn nữa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nói.

  • Kon Tum: Hội diễn giới thiệu 15 ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông

    Kon Tum: Hội diễn giới thiệu 15 ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông

    Ngày 2/12, ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết, qua phát động đã có 15 ca khúc tham gia cuộc thi sáng tác ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông.

  • Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

    Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

    Tối 28/11, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật các tỉnh: Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Lâm Đồng và Hà Tĩnh.

Top