Kết nối Sinh viên 2017 là chương trình do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) phối hợp với Tập đoàn Syngenta đồng tổ chức nhằm tiếp sức cho sinh viên ngành nông nghiệp trẻ và tạo cơ hội để họ chia sẻ kiến thức và ý tưởng của mình giúp giải quyết những thách thức mà các nông hộ nhỏ tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang phải đối mặt.
Các sinh viên tham quan cánh đồng bông.
Với sự tham gia của 26 sinh viên đến từ 8 quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chương trình nhằm truyền cảm hứng cho sinh viên để góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Các sinh viên được tìm hiểu về phương thức canh tác của các nông hộ nhỏ và xây dựng các giải pháp mới tiên tiến hơn.
Chương trình năm nay tập trung vào chủ đề an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ tới các nông hộ nhỏ. Trong khoảng thời gian 2 tuần (từ ngày 25/06-07/07/2017), 26 sinh viên ngành nông nghiệp đến từ 8 quốc gia (Úc, New Zealand, Campuchia, Myanmar, Nepal, Bangladesh, Hàn Quốc và Việt Nam) sẽ có chuyến đi thực tế tại TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long) để có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về thực trạng của nền nông nghiệp và tình hình sản xuất của các nông hộ nhỏ, tìm hiểu vai trò của các bên liên quan như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong việc hỗ trợ các nông hộ nhỏ và cải thiện an ninh lương thực trong khu vực.
Các sinh viên được tiếp cận với quá trình canh tác của nông hộ nhỏ.
Ban cố vấn của chương trình gồm những chuyên gia nông nghiệp hàng đầu của USAID và Syngenta sẽ có những bài giảng hướng dẫn tư vấn kỹ thuật, các buổi trao đổi, thảo luận với các sinh viên tham gia chương trình, giúp các em hiểu thêm về phương thức canh tác, tìm ra những hạn chế hiện tại trong việc canh tác theo quy mô nhỏ và đề xuất những giải pháp để giải quyết những thách thức đó. Giải thưởng giành cho giải pháp đoạt giải trị giá 2.000 USD sẽ được quyên góp cho một tổ chức địa phương để hỗ trợ phát triển cho các nông hộ nhỏ tại địa phương đó.
Chương trình còn được sự hỗ trợ và hợp tác từ nhiều tổ chức khác trong ngành, như Tổ chức Winrock International, Rimfire Resources, MimosaTek và Grameen – Intel.
Chương trình được khởi động từ năm 2010, được tổ chức luân phiên mỗi năm 1 lần tại các nước đang phát triển thuộc châu Á và trong hai năm liên tiếp 2016, 2017 đã được tổ chức tại Việt Nam. Đây là sân chơi bổ ích dành cho các kỹ sư nông nghiệp tương lai, giúp họ hiểu rõ hơn về những phương thức canh tác khác nhau và cùng đồng hành với nông dân tại các địa phương nơi họ trải nghiệm để đưa ra những sáng kiến giúp các nông hộ nhỏ giải quyết những thách thức trong thực tế canh tác của mỗi nước và đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Trong suốt 7 năm qua, hơn 100 sinh viên đến từ khắp châu Á - Thái Bình Dương đã tham gia vào chương trình.
Khánh Nguyên
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.