Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 29 tháng 12 năm 2020 | 22:33

Tận cùng của nỗi đau thương

Sinh ra 3 đứa con thì cả 3 đều chung một căn bệnh đó là chân tay co quắp, câm, điếc, nằm bại liệt một chỗ, thân hình gầy còm. Thương con, gia đình cố vay mượn chạy chữa khắp nơi nhưng bất lực.

Tận cùng nỗi đau
 
Có lẽ, về xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh hỏi gia đình chị Phạm Thị Thủy (45 tuổi), trú tại thôn 5, ai ai cũng biết, bởi hoàn cảnh gia đình chị không những hơn 20 năm nay rơi vào hoàn cảnh hết sức thương tâm khi vợ chồng chị lần lượt sinh ra 3 đứa con thì cả 3 đều chung một căn bệnh đó là chân tay co quắp, câm, điếc, nằm bại liệt một chỗ, thân hình gầy còm. Cũng ngần ấy năm quá thương con, gia đình chị cố vay mượn chạy chữa khắp nơi nhưng đều bất lực.
 
cx7.jpg
 
Đã thế, hoàn cảnh hết sức thương tâm ấy chưa tìm được lối thoát thì mới đây gia đình chị Thủy lại nhận thêm nỗi đau khi chồng chị là anh Nguyễn Khắc Hùng (47 tuổi) là lao động chính trong gia đình bị lâm bệnh nặng đã đột ngột ra đi bỏ lại người vợ khắc khổ với gánh nặng nợ nần cùng 3 đứa con tật nguyền. Nhìn vào 3 đứa con, ai cũng khẳng định là bị di chứng do chất độc da cam...!
 
Thắp nén hương vĩnh biệt anh Hùng, chúng tôi tìm hiểu và được biết, vợ chồng anh Hùng, chị Thủy là một trường hợp khá đặc biệt. Cha đẻ của chị Thủy là ông Phạm Quốc Sơn (69 tuổi), năm 1973, ông Sơn nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ông Sơn được đưa vào chiến trường Đà Nẵng trực tiếp chiến đấu, đến năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông được xuất ngũ trở về địa phương. Trong thời gian trực tiếp tham gia chiến đấu, ông Sơn ở trong rừng, thường xuyên sử dụng nước suối để uống và tắm. Ông Sơn vô tư không biết rằng dòng nước suối đã bị quân Mỹ rải chất độc da cam...
 
Còn mẹ của chị Thủy là bà Trần Thị Vân (72 tuổi) tham gia dân công hỏa tuyến, phục vụ chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị (Đoàn 559) từ tháng 12-1972 đến tháng 4-1973. Thời điểm đó, Quảng Trị được coi là túi bom lửa đạn của cuộc chiến tranh và cũng là nơi mà đế quốc Mỹ đã trút xuống không biết bao nhiêu tấn chất độc da cam/đi-ô-xin. Là người phục vụ chiến đấu, bà đã chứng kiến cảnh đế quốc Mỹ dùng máy bay rải thứ chất độc chết người ấy xuống chiến trường. Thế nhưng, bà đâu có biết là thứ chất độc màu trắng ấy sẽ ảnh hưởng đến nhiều đời sau.
 
Còn cha đẻ của anh Nguyễn Khắc Hùng là ông Nguyễn Khắc Bình cũng là bộ đội Trường Sơn đã từng tham gia chiến đấu tại các chiến trường Tây Ninh từ những năm 1972 mãi cho đến ngày giải phóng mới được trở về quê lập gia đình.
 
Sau ngày đất nước giải phóng, ông Sơn và bà Vân gặp nhau rồi xây dựng gia đình. Chị Thủy là con gái đầu lòng của ông bà. Chị Thủy lớn lên với thân hình khỏe mạnh, không có biểu hiện khác thường. Năm 1998, anh Hùng và chị Thủy xây dựng gia đình, 1 năm sau, vợ chồng sinh hạ được 1 cháu trai kháu khỉnh, đặt tên là Nguyễn Khắc Mạnh. Niềm vui chưa trọn thì khoảng 8 tháng sau, gia đình mới phát hiện Mạnh không phát triển như những đứa trẻ khác. Mạnh bị còi cọc, chân tay co quắp kèm theo bệnh câm điếc, bại liệt nằm một chỗ. Vợ chồng anh Hùng đưa Mạnh đi chạy chữa khắp nơi, nhưng không có kết quả.
 
“Có bệnh vái tứ phương, vợ chồng tôi đã đưa con đi khắp nơi, thậm chí ra Hà Nội nhiều lần nhưng các bác sĩ đều lắc đầu và trả lời là bệnh của con trai tôi không thể chữa trị được” - Chị Thủy nghẹn ngào.
 
Thấy con trai đầu bị bệnh như vậy, vợ chồng chị Thủy cứ nghĩ chắc là sinh đứa con khác sẽ không sao. Năm 2000, cháu Nguyễn Khắc Quỳnh chào đời trong niềm hy vọng dâng trào không chỉ của vợ chồng mà của cả ông bà nội, ngoại và bạn bè, người thân. Tuy nhiên, sự hy vọng ấy nhanh chóng bị dập tắt khi cháu Quỳnh mới 8 tháng tuổi, căn bệnh cũng y hệt như anh trai. Không ngồi im nhìn thêm một đứa con nữa bị bệnh, vợ chồng chị Thủy vay mượn khắp nơi để đưa cả hai đứa con tật nguyền đi chữa trị. Điều đau lòng là đi đến bệnh viện nào, các bác sĩ đều lắc đầu và khẳng định bệnh của hai anh em là một và không thể chữa trị được.
 
ct6.jpg
3 đứa con chị Phạm Thị Thủy, thôn 5, xã Cẩm Thạch, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh bị bại liệt do di chứng của chất độc da cam, hoàn cảnh hết sức khó khăn.
 
Là con trai trưởng trong gia đình, nhìn hai đứa con tật nguyền câm điếc, bại liệt nằm một chỗ, thêm vào đó, hoàn cảnh kinh tế gia đình chị Thủy rất khó khăn, hai vợ chồng đều làm nông, mọi nguồn thu chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng không có khả năng chạy chữa cho hai đứa con. Ông bà nội ngoại cũng bệnh tật liên miên, nhưng do áp lực của gia đình, vợ chồng chị Thủy đành nán lòng sinh thêm đứa con thứ 3 để mong có sự may mắn.
 
Sau thời gian dài trăn trở, suy nghĩ, năm 2009, vợ chồng chị Thủy sinh thêm đứa con thứ 3. Khác với hai lần trước, lần này cháu Nguyễn Khắc Cường sinh ra có vẻ cứng cáp hơn. Tuy nhiên, điều không may mắn lại tiếp tục ập đến với gia đình. Gần 9 tháng sau, cháu Cường cũng bị bệnh giống hệt như hai người anh của mình.
 
“Cứ mỗi ngày nhìn 3 đứa cháu nằm vật vã không cử động được, một tiếng ò e cũng không mà xót lòng. Nội ngoại chúng tôi đã thân tàn lực kiệt, bán hết tài sản, vay mượn khắp nơi để giúp các con đưa 3 đứa cháu đi chữa trị, nhưng tất cả đều vô vọng. Chúng tôi nghĩ, 3 đứa cháu của chúng tôi đều bị ảnh hưởng do chất độc da cam/đi-ô-xin. Thứ chất độc quái ác của kẻ thù rải xuống chiến trường năm xưa đã lây nhiễm vào cơ thể vợ chồng chúng tôi và ảnh hưởng gián tiếp đến những đứa cháu vô tội của chúng tôi” - ông Sơn than thở.
 
Bất lực 
 
Chít vành khăn tang trắng trên đầu cho đứa con trai vừa mất, ông Nguyễn Khắc Bình, ông nội của 3 cháu đôi mắt thâm quầng vội vàng đi vào phụ trợ cho ông bà ngoại vệ sinh thay bỉm cho 3 cháu của mình nghẹn ngào: “Hai bên nội ngoại của 3 cháu chúng tôi ai cũng tham gia chiến trường và đều hoạt động ở những vùng do đế quốc Mỹ rải chất độc gia cam, nay 3 đứa cháu đều bị di chứng của chất độc da cam do ông bà nội, ngoại bị nhiễm, truyền lại đến thế hệ các cháu. Hàng ngày nhìn cả ba đứa cháu teo tóp, chân tay khoằng khèo, dị dạng, vô thức vật vã trên giường thật đau lòng”.
 
Nhìn ánh mắt vô vọng của 4 ông bà nội, ngoại sau tận cùng nỗi đau khi “đầu bạc tiễn đầu xanh” mất con trai, con rể và đặc biệt là sự kiệt sức vì nỗi đau mất chồng của người vợ khắc khổ đang hàng ngày nghẹn ngào nhìn những đứa cháu, đứa con tật nguyền mà xót xa. Trong những ánh mắt thất thần cạn khô dòng nước mắt ấy chúng tôi như cảm nhận được những mất mát, đau thương mà cả gia đình đang phải chịu đựng.
 
Hiện, gia đình chị Thủy vô cùng khó khăn, khi người chồng, người cha là lao động chính đã ra đi còn để lại cho người vợ khắc khổ với gánh nặng nợ nần cùng 3 đứa con tật nguyền mỗi tháng ít nhất hơn 3 triệu tiền bỉm, tiền thuốc và tiền chi phí ăn uống hàng ngày nên rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm cũng như cộng đồng để chị Thủy có điều kiện chăm sóc 3 đứa con tật nguyền.
 
 

Mọi hỗ trợ xin được gửi về:

  1. Anh Nguyễn Khắc Việt (là chú ruột của 3 cháu tật nguyền), thôn 5, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. (Điện thoại: 0979.049.567) Số tài khoản: 0501000212415- Ngân hàng Vietcombak Chi nhánh Hà Tĩnh.
  2. Hoặc Tạp chí Kính tế nông thôn, Số 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Điện thoại 0913.516.232

Tạp chí Kinh tế nông thôn, số tài khoản: 114000000 924 - Ngân hàng thương mại CP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Hai Bà Trưng.

 
 
Xuân Hoàng
Ý kiến bạn đọc
Top