Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 24 tháng 12 năm 2017 | 1:35

Tản mạn với những người giúp đất hồi sinh

Khó có thể hình dung những vùng đồi khô cằn sỏi đá ngày nào ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) giờ là màu xanh ngút mắt của những vườn rừng xanh mướt, vườn cây trái sum suê, các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Dấu ấn những người tiên phong

Nhắc đến vùng đồi K4 của huyện Hải Lăng, hẳn nhiều người biết bởi từ đây đã ra đời một thương hiệu cam có tiếng: Cam K4. Nhưng ít ai biết rằng, cách đây hơn 20 năm, có hai anh em ruột đã rời quê trũng lên khai phá vùng đất sỏi đá đầy khắc nghiệt này để nuôi khát vọng đổi đời. Đó là các ông Trần Ngọc Nhơn và Trần Ngọc Trung.

Sau nhiều năm cần mẫn khai phá, đối mặt với bom đạn, rắn rít, cỏ dại, rừng thiêng nước độc…, anh em ông Nhơn đã khai hoang được 10ha đất bên bờ suối. Với cơm độn sắn, mắm muối và ở trong những căn chòi được dựng lên bằng thân cây sắn, hai anh em đã bám trụ với K4 một cách bền bỉ. Buổi đầu, anh em ông trồng rừng, trồng sắn, chè xanh, sau này trồng thêm một số loại cây ăn quả. Tuy nhiên, thu nhập mang lại cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày.

“Năm 2018 sẽ đánh dấu 10 năm anh em tui trồng thành công giống cam Vân Du và Xã Đoài trên vùng đất này. Và cũng nhờ giống cam này mà mọi người biết đến vùng đất K4, anh em tôi cũng có cơ hội đổi đời”, ông Nhơn nhớ lại.

Là nói vậy chứ thật sự công sức, mồ hôi, sự nhẫn nại của anh em ông Nhơn đã đánh đổi ở vùng đất này là không thể đo đếm được. Cây cam cho quả ngọt như bây giờ cũng đã trải qua bao thăng trầm, khó nhọc. 

Đến giờ, hai anh em trồng được gần 7ha cam (400-500 gốc/ha), chia nhau chăm sóc và thu hoạch. Hai ông đã thu lãi cao từ vườn cam, bình quân đạt 150 - 200 triệu đồng/ha/năm (năng suất đạt 10-12 tấn/ha). Họ trở thành những triệu phú, tỷ phú gò đồi thật sự nhờ sự can trường, chịu thương chịu khó, đam mê tìm tòi, học hỏi và theo đuổi…

Từ những người tiên phong như anh em ông Nhơn, bây giờ vùng đất K4 đã hình thành, phát triển thêm nhiều vườn cam và đều đã cho thu hoạch với thu nhập rất khả quan. Đó là những vườn cam rộng lớn của các hộ như Văn Ngọc Chúng, Trần Lợi, Văn Tập, Văn Sở, Võ Trường…, bình quân mỗi hộ có trên 1,5ha. Tổng diện tích cây cam ở K4 đến nay đạt hơn 13ha. Điều đáng mừng là, những hộ trồng cam trên vùng đồi K4 đã có sự liên kết, giúp đỡ nhau trong kỹ thuật, kinh nghiệm trồng, chăm sóc, chia sẻ thị trường tiêu thụ...

Vườn rừng và vườn hồ tiêu của anh Cáp Quốc Hà ở vùng đồi Bướm Bạc, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng.

Ở vùng đồi Bướm Bạc, xã Hải Chánh, nối nghiệp người cha Cáp Đình Hội, được mệnh danh “vua rừng” một thời-  hai anh em Cáp Quốc Hà (48 tuổi) và Cáp Thanh Tùng (42 tuổi) tiếp quản khu trang trại rộng lớn của cha mình để phát triển rừng và cây hồ tiêu. Trong tay hai anh em giờ có 200ha rừng, chủ yếu là trồng rừng keo lai.

Anh Hà cho biết, để chủ động trồng và thu hoạch rừng, anh đã mua 7 xe cơ giới các loại. Chỉ tính riêng rừng, mỗi năm hai anh em thu về trên 2 tỷ đồng từ 20 - 25ha rừng. Không dừng lại ở rừng trồng, cuối năm 2015, anh quyết định đưa vào trồng giống hồ tiêu mới trên diện tích 1,5ha, đó là giống tiêu bản địa ghép với tiêu Ấn Độ. Sau vụ thu bói đầu tiên với thu nhập đáng kể, anh đã được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng mô hình cung cấp giống và tư vấn kỹ thuật cho người dân trong xã phát triển mô hình trồng tiêu. “1.200 gốc tiêu của chúng tôi đã cho lứa quả đầu tiên. Tôi chắc chắn sẽ thắng lợi với loại cây này. Giá trị của 1ha hồ tiêu tương đương với  20ha rừng trồng và đầu ra của hồ tiêu khá ổn định, nên tin rằng chúng tôi sẽ tiếp tục thành công với loại cây này”, anh Hà quả quyết.

Ông Trần Ngọc Nhơn và anh Cáp Quốc Hà chính là điển hình cho những người tiên phong dám dấn thân và giàu lên từ vùng gò đồi ở huyện Hải Lăng. Từ những thành công như vậy, hiện nay vùng gò đồi huyện Hải Lăng đang tiếp tục hình thành thêm ngày càng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, với sự tạo điều kiện, hỗ trợ tích cực của địa phương.

Hướng thâm canh và tạo ra nông sản “sạch”

Điều đáng mừng là, hiện nay người dân vùng gò đồi Hải Lăng đã biết chú trọng sản xuất theo hướng thâm canh và làm ra nông sản “sạch” để có giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường. Ở mô hình trồng cam của ông Nhơn và các hộ trồng cam trên vùng đồi K4 đã sử dụng phân bón sinh học, phân hữu cơ, trước khi thu hoạch 3-4 tháng là ngưng bơm thuốc trừ sâu… nên tạo ra nguồn cam sạch, được khách hàng tin cậy. “Nhiều vụ cam bị ong chích quá trời, quả rụng đầy gốc nhưng chúng tôi quyết không can thiệp bằng thuốc trừ sâu. Thà giảm sản lượng, giảm thu nhập nhưng vẫn giữ được thương hiệu. Chỉ cần người ta biết cam có dư lượng thuốc hóa học là mình mất thị trường ngay”, ông Nhơn quả quyết.

Cây cam mang lại nguồn thu nhập cao ở vùng đồi K4, xã Hải Phú.

Năm 2015, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho “Cam K4 Hải Phú”. Đây là kết quả được hình thành và chắt chiu từ sức lực trí tuệ của người trồng cam trên vùng đất K4 để cho ra sản phẩm cam K4 Hải Phú nổi tiếng trên vùng đất đồi Hải Lăng.

Còn đối với anh Cáp Quốc Hà, vườn tiêu của anh cũng được áp dụng cách trồng, chăm sóc “sạch” tương tự. Để trừ sâu bệnh, anh dùng các chế phẩm sinh học, rồi nước ớt, gừng, tỏi để phun; bón phân chủ yếu là phân xanh; hệ thống tưới hoàn toàn tự động… “Xu hướng hiện nay là phải làm ra nông sản sạch mới cạnh tranh và trụ vững trên thương trường. Vườn hồ tiêu của chúng tôi cũng tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình này để đúng cam kết với đơn vị bao tiêu sản phẩm”, anh Hà khẳng định.

Tận dụng lợi thế là địa phương có diện tích vùng gò đồi khá lớn, 5 năm qua, xã Hải Chánh đã thực hiện hiệu quả chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo chủ trương xây dựng mô hình “3 cây” (cam- hồ tiêu- cao su) của huyện. Đến nay, địa phương đã phát triển được 20ha hồ tiêu; 60ha cao su và 3ha cam (mục tiêu đến năm 2020 tăng lên 10ha cam). Những cây trồng chủ lực này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Ngoài ra, người dân còn trồng thêm hàng chục hecta chè xanh, chanh không hạt, thanh long… “Các mô hình trồng trọt trên vùng gò đồi của xã nhìn chung đã đạt hiệu quả kinh tế cao và đang tiếp tục được mở rộng, đầu tư theo hướng thâm canh tăng năng suất. Đến nay, mỗi hecta cây trồng của xã cho thu nhập từ 50-70 triệu đồng”, anh Phan Ngọc Thành, cán bộ nông nghiệp xã Hải Chánh, cho hay.

Trên bình diện rộng hơn, huyện Hải Lăng đã đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm.  Đến nay, toàn huyện đã phát triển được gần 45ha cam, 70ha cây hồ tiêu, 250ha cao su, hơn 50ha cây chè xanh; các loại cây dược liệu… tập trung ở 7 xã có vùng gò đồi như: Hải Phú, Hải Thượng, Hải Lâm, Hải Thọ, Hải Trường, Hải Sơn, Hải Chánh. Ngoài ra, huyện cũng đang tập trung vào trồng cây rừng theo chứng chỉ FSC với diện tích đăng ký ổn định 214,5ha. Đây là hướng đi hiệu quả và mang tính bền vững của Hải Lăng trong chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, phấn đấu nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác để đến năm 2020 đạt 80-90 triệu đồng/ha.

Ông Dương Viết Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng, cho biết: “Việc phát triển cây trồng, vật nuôi, mà đặc biệt là mô hình “3 cây” ở vùng gò đồi của huyện Hải Lăng không phải là mới nhưng đây là hướng đi phù hợp với địa phương có thổ nhưỡng và khí hậu ôn hòa, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư hệ thống điện, giao thông để phát triển mạnh vùng cát, vùng gò đồi, trong đó chú trọng cơ sở hạ tầng để trồng cam tại vùng Khe Khế, xã Hải Phú. Đồng thời vận động nhà vườn đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thâm canh đối với các vùng trồng cam tập trung. Theo dõi, thử nghiệm một số cây trồng mới như bơ, chanh không hạt, cam V2, bưởi da xanh, bưởi hồng…”.

Đức Việt

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top