Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2019 | 14:8

Tháng ba, về Pác Bó

Cuối tháng ba, mưa Xuân lất phất bay, vượt cung đường dài hơn 330km, chúng tôi có chuyến “về nguồn” nhân kỷ niệm 88 năm thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh - về thăm Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng).

 

tr9.JPG

Suối Lênin, núi Các Mác.

 

Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm căn cứ địa để lãnh đạo cách mạng sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài. Khu di tích Pác Bó đã trở thành Khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia - đặc biệt của Việt Nam.

Khu di tích bao gồm: nhà tưởng niệm Bác Hồ, hang Cốc Bó (tên địa phương có nghĩa là “đầu nguồn”), hang Lũng Lạn, hang Ngườm Vài (đều trên núi Các Mác), suối Lênin, bàn đá nơi Bác Hồ làm việc, nền nhà ông Lý Quốc Súng, nền nhà ông La Thành…

 

tr9a.JPG
Đường vào hang Cốc Bó.

Theo lịch sử ghi chép: Ngày 8/2/1941, Nguyễn Ái Quốc cùng 5 đồng chí đã về nước và ở tại nhà ông Lý Quốc Súng, sau đó chuyển vào hang Cốc Bó, hang Lũng Lạn và lán Khuổi Nặm. Tại đây, từ ngày 10 - 19/5/1941, đã diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Hội nghị đã nhận định rõ tình hình trong nước và thế giới, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa cách mạng, phát triển chiến tranh du kích, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước.

 

tr9aa.JPG
Trong hang Cốc Bó

 

Và, tại lán Khuổi Nặm II, Bác đã thành lập Báo Việt Nam độc lập. Ngày 22/12/1944, tại rừng Trần Hưng Đạo, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay) được thành lập, gồm 34 chiến sĩ, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Trong giai đoạn này, Bác đã biên soạn nhiều tài liệu như: Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô, Cách đánh du kích, Điều lệ Đảng, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Thanh niên cứu quốc và đặc biệt là biên soạn bức thư Kính cáo đồng bào (ngày 06/6/1941), kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh kẻ thù chung là thực dân Pháp, phát xít Nhật và Việt gian, giành độc lập, tự do.

 

tr9b.JPG
Tượng Các Mác trong hang Cốc Bó.

 

Ngày 4/5/1945, Bác cùng đoàn cán bộ rời Pác Bó về Tân Trào (Tuyên Quang) để chỉ đạo, tập hợp quốc dân tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (ngày 02/9/1945), nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong đoàn chúng tôi có ông Nguyễn Đình Thanh (ở Con Cuông – Nghệ An), giáo viên đã nghỉ hưu. Bác tâm sự: “Tôi đã hơn 70 tuổi, nhưng đây là lần đầu tiên được thăm Pác Bó. Là nhà giáo, đến  lúc nghỉ hưu tôi mới có dịp đến thăm nơi đây là hơi muộn, nhưng đối với tôi, đây là chuyến đi đầy ý nghĩa, thỏa niềm mong ước. Pác Bó tuy nằm ở nơi heo hút, thiếu thốn nhưng cảnh đẹp và tĩnh lặng. Đúng là nơi làm việc bí mật và an toàn của một nhà cách mạng vĩ đại”.

 

tr9c.JPG

Giường nghỉ và làm việc của Bác trong hang Cốc Bó.

tr9d.JPG
Bếp lửa trong hang Cốc Bó.

 

Đi dọc bờ suối, leo lên các bậc thang mới vào được hang Cốc Bó. Bước vào hang, ai cũng xúc động khi tận mắt chứng kiến cuộc sống giản dị, mộc mạc mà Bác đã từng trải qua. Cốc Bó là hang nhỏ, ẩm và lạnh, nằm sâu trong khe núi, trong hang giữ được nguyên trạng chiếc giường đơn sơ của Bác trước đây, một tấm ván gỗ được kê trong một góc nhỏ, giữa những khối thạch nhũ.

 

tr9f.jpg
Ông Nguyễn Đình Thanh thăm Pác Bó.

Sau khi thăm hang Cốc Bó, bước ra bờ suối, vẫn còn nguyên chiếc bàn đá Bác ngồi làm việc. Cảm giác như Bác vẫn hiện diện đâu đây, đang nghiên cứu tài liệu trong lán Nà Lừa, đang chống gậy băng rừng, đang leo qua những bậc đá từ hang xuống núi, đang thong thả buông cần bên suối Lênin... Ông Thanh ngâm nga  mấy vần thơ trong bài Tức cảnh Pác Pó năm xưa Bác Hồ viết:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang,

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,

Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

Mọi cảnh vật trong bài thơ như hiện rõ với quang cảnh trước mắt chúng tôi. Đó là dòng suối xanh màu ngọc có gắn tấm biển lớn: Suối Lênin. Phía trên cao, núi Các Mác 2 ngọn sừng sững như bức thành đồng, xanh thẳm cây rừng, hiên ngang cùng năm tháng. Địa thế nơi này vừa kín đáo mà vẫn thông thoáng, người bên trong dễ dàng quan sát bên ngoài, trong khi ở ngoài rất khó nhận biết bên trong. Với vị trí như thế, nơi đây không những có giá trị lịch sử mà còn là một chốn sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp.

Trong nhà trưng bày bổ sung của Khu di tích Pác Bó, chúng tôi nhìn thấy những hiện vật thân quen: chiếc máy chữ cũ Bác vẫn dùng đánh máy tài liệu, chiếc làn mây sờn rách, bộ quần áo bạc màu, các đồ dùng sinh hoạt của Bác trong thời gian hoạt động ở Pác Bó…

 

tr9e.jpg
Điểm đầu Km 0 của Đường mòn Hồ Chí Minh.

 

Sếp tôi, thì luôn nhắc nhở những người trẻ, những đoàn viên thanh niên nếu có thời gian thì nhất định các đồng chí nên về thăm những nơi từng là căn cứ cách mạng, ít nhất là một lần để hiểu được thực tế những điều lịch sử đã ghi chép, để có kinh nghiệm, vốn sống và để trau dồi thêm ngòi bút.

Về thăm Pác Bó, dù là lần đầu, tôi vẫn cảm thấy khá thân thuộc. Có lẽ, vì nơi đây đã in sâu trong tâm trí tôi qua những vần thơ, lời hát được nghe từ thuở nhỏ.

Sáng nay, thức dậy tại căn nhà nhỏ giữa Thủ đô, trời đầy sương mù, văng vẳng tiếng hát của các cháu thiếu niên ở một trường trung học gần nhà của nhạc sỹ Phạm Tuyên: “Tiến lên đoàn viên, em ước ao bao ngày/Xứng cháu Bác Hồ dựng xây nước sau này/Tiến lên đoàn viên theo Đảng tiền phong/Bước theo lá cờ nhuộm màu đấu tranh…”, tôi lại nhớ cảm xúc tự hào biết bao khi đứng trong hàng ngũ của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ngày nào.

Và tôi tự nhủ, nhất định sẽ có ngày quay lại Pác Bó.

 

 

 

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
Top