Làm nghề giáo nhưng thầy Ngô Quế (Trường Trung cấp Đắk Lắk) lại đam mê nghề nông và đã làm giàu từ nghề nuôi bồ câu Pháp với thu nhập lên tới 300 triệu đồng/năm.
Theo thầy Quế, việc theo dõi bệnh tật của chim bồ câu cần được thực hiện thường xuyên.
Chúng tôi đến thăm nhà thầy Quế ở thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) vào một ngày cuối tuần, khi thầy đang cần mẫn chăm sóc bầy chim. Chia sẻ với chúng tôi, thầy Quế cười nói: “Nuôi bồ câu Pháp kiếm tiền là chuyện nhỏ, chủ yếu là tôi tận dụng quỹ thời gian ngoài giờ lên lớp và tạo niềm vui trong cuộc sống. Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm và không am hiểu kỹ thuật chăm sóc, nên tôi gặp không ít khó khăn. Đàn bồ câu ăn ít, ủ rũ, ốm yếu vì môi trường sống thay đổi, thức ăn không phù hợp. Từ đó, tôi tập trung tìm hiểu kỹ thuật nuôi bồ câu qua sách báo và học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nuôi từ các tỉnh khác nhằm tìm ra phương pháp nuôi hiệu quả nhất”.
Cái duyên đến với nghề nuôi bồ câu Pháp và gắn bó với nó của thầy Ngô Quế cũng rất đỗi tình cờ. Do đồng lương giáo viên không đủ trang trải cuộc sống, nuôi con cái ăn học, thầy Quế luôn trăn trở làm cách nào để tăng thêm nguồn thu cho gia đình. Năm 2011, trong một lần đọc thông tin trên báo chí về những mô hình chăn nuôi giỏi, trong đó có mô hình nuôi bồ câu Pháp ở miền Bắc, thầy Quế cảm thấy rất hứng khởi. Sau khi tham khảo ý kiến từ các chuyên gia ngành nông nghiệp, thầy đầu tư 40 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 50 cặp bồ câu bố mẹ về nuôi.
Sau 2 năm nuôi thử nghiệm, tìm hiểu thông tin qua các chuyên gia, sách báo cộng với kinh nghiệm tích lũy được, đến năm 2013, thầy Quế đã gây dựng nên thương hiệu bồ câu pháp Quế Hoa, lập trang web riêng để quảng bá sản phẩm (http://bocauphaptaynguyen.com).
Nếu như những ngày đầu, quy mô trang trại mới có khoảng 70m2 thì đến nay đã đạt 300m2 với trên 600 cặp bồ câu bố mẹ. Trung bình mỗi năm thầy bán trên 7.000 cặp bồ câu giống, với giá từ 400.000 - 600.000 đồng/cặp, cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Theo thầy Quế, nuôi bồ câu Pháp không khó bởi thức ăn chủ yếu là từ ngô, lúa. Chuồng trại làm khá đơn giản, thân lồng bằng gỗ tạp, xung quanh được bao bằng lưới B40. Mỗi lồng rộng từ 5 - 10m2, được chia thành nhiều ngăn, mỗi ngăn thả nuôi từ 1 - 2 con chim bồ câu. Đặc biệt, giống bồ câu Pháp rất ít bị bệnh, thường thì 3 - 4 ngày vệ sinh chuồng trại một lần. Bồ câu là loài sinh trưởng nhanh, sau 6 tháng nuôi chúng bắt đầu sinh sản, mỗi cặp bồ câu có thể đẻ 8 - 10 lứa/năm. Chim bồ câu tự ấp trứng và nuôi con, mỗi cặp sinh sản được bố trí nuôi trong lồng riêng, lấy lá khô hay rơm rạ để làm ổ cho chim non.
Chia sẻ thêm về cách nuôi bồ câu Pháp, thầy Quế cho biết: “Hiện, có hai cách nuôi bồ câu Pháp là nuôi theo quần thể và nuôi theo cá thể. Ưu điểm của phương pháp nuôi theo quần thể là ít tốn kém làm chuồng trại, thuận tiện cho việc chăm sóc nhưng ngược lại dễ xuất hiện bệnh tật, khó phân loại chim và năng suất chỉ đạt khoảng 60%. Còn nuôi cá thể theo từng cặp tuy tốn công làm chuồng, chăm sóc tỉ mỉ hơn nhưng năng suất đạt tới 90%... Công việc chăm sóc bồ câu Pháp của tôi cũng khá đơn giản, mỗi ngày tôi chỉ cần bỏ ra khoảng 3 tiếng đồng hồ là xong hết mọi việc”.
Không chỉ vậy, hiện nay trang trại nuôi bồ câu Pháp của thầy Quế còn là địa chỉ tin cậy để nông dân khắp các địa phương tìm đến tham quan, học học kinh nghiệm. Thầy cũng luôn sẵn lòng hướng dẫn bà con cách nuôi loại chim này từ khâu chọn con giống, cách làm chuồng đến kỹ thuật nhằm tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm, thầy Quế tiếp tục hoàn thiện việc mở rộng xây dựng hệ thống chuồng trại quy mô lớn gấp 5 lần hiện nay. Ngoài nuôi cung cấp giống, thầy còn dự kiến nuôi thương phẩm bởi nhu cầu của các nhà hàng, quán ăn đang khá lớn.
Bá Thăng
“Trong những ngày đầu tháng 12 này, Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng với Đô thị cổ Hội An tròn 25 năm ngày được Unesco công nhận Di sản văn hóa của nhân loại. Niềm vinh dự này, không phải địa phương nào cũng có được, tôi xin được chia sẻ niềm vui và niềm tự hào này đối với thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên, chúc cho công tác bảo tồn các di sản ngày càng tốt đẹp, đạt được những thành công hơn nữa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nói.
Tối 28/11, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật các tỉnh: Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Lâm Đồng và Hà Tĩnh.