Sau thành công của Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 1, cả thế giới đang đổ dồn chú ý về Thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 hứa hẹn tạo đột phá mới lớn hơn.
Có thể khẳng định rằng, gần như cả thế giới đang hướng về thủ đô Hà Nôi của Việt Nam, nơi cuộc gặp Thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sắp diễn ra rất gần.
Nếu cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 tại Singapore được nhìn nhận là mang tính chất phá băng và thăm dò, cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 này giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim tại Hà Nội đang được kỳ vọng sẽ mang lại những kết quả cụ thể, hướng tới chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài hơn bảy thập kỷ qua và kiến tạo một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong lần gặp Thượng đỉnh thứ nhất ở Singapore năm 2018. Ảnh: Fox News. |
Kết quả hạn chế tại cuộc gặp lần thứ nhất
Tại Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử diễn ra tại Singapore tháng 6/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chỉ đưa ra 1 tuyên bố chung hết sức hạn chế, tập trung vào 4 cam kết bao gồm: Thứ nhất, hai nước sẽ thiết lập mối quan hệ mới, vì hòa bình và thịnh vượng; hai là, Mỹ và Triều Tiên sẽ cùng nhau xây dựng một nền hòa bình ổn định và lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên; ba là, thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên; và cuối cùng, hai nước sẽ tìm kiếm và trao trả hài cốt của những quân nhân thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Ngay sau hội nghị đó, Tổng thống Donald Trump bất ngờ thông báo Mỹ sẽ đình chỉ các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc, hành động thường bị Triều Tiên chỉ trích là nhằm diễn tập cho chiến tranh. Tổng thống Trump thậm chí còn tuyên bố trên Twitter rằng Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân. Phía Triều Tiên cũng nhanh chóng chuyển cho Mỹ 55 hộp chứa hài cốt của binh lính Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên. Đến tháng 7/2918, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên bắt đầu tháo gỡ một số cơ sở tại Trạm phóng vệ tinh Sohae, nhưng sau đó giới quan sát cho rằng không có thêm các động thái quyết liệt từ phía Bình Nhưỡng.
Được đánh giá là mang tính lịch sử khi lần đầu tiên có một tổng thống Mỹ đương nhiệm gặp lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên, cuộc gặp này chỉ mang tính chất biểu tượng khi hai bên không đạt được các cam kết và một lộ trình cụ thể cho vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược.
Thời gian qua, Mỹ còn cứng rắn trong chính sách đối với Triều Tiên
Thực tế cho thấy, hơn 8 tháng kể từ hội nghị lần một, những gì mà hai nước đã thực hiện là khá khiêm tốn. Phía Mỹ, chẳng những không nới lỏng mà còn gia tăng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, đồng thời liên tục hối thúc các nước tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp trừng phạt hiện hành của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Mỹ liên tục khẳng định sẽ chỉ xem xét nới lỏng các biện pháp trừng phạt chừng nào Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.
Giới chức tình báo, quốc phòng và các quan chức Mỹ có quan điểm cứng rắn cáo buộc Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân và tên lửa, khẳng định Bình Nhưỡng khó có thể từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân. Quốc hội Mỹ liên tục gây sức ép, yêu cầu Chính quyền Tổng thống Donald Trump phải siết chặt các biện pháp trừng phạt cho đến khi nào Triều Tiên có những bước tiến cụ thể, rõ ràng trong việc giải giáp hạt nhân.
Kỳ vọng về một kết quả tích cực ở thượng đỉnh lần 2
Khác với năm ngoái (2018), lần này trước cuộc gặp tại Việt Nam là một không khí thoải mái hơn do hai bên đã xây dựng lòng tin với nhau nhiều hơn và không còn nghi kị dẫn tới các tuyên bố hoãn rồi lại quyết định gặp nhau như ở Singapore. Với một loạt động thái diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội, giới chuyên gia và truyền thông tại Mỹ đang kỳ vọng về một số kết quả tích cực và cụ thể.
Kể từ sau hội nghị tại Singapore, ông chủ Nhà Trắng nhiều lần khẳng định có mối quan hệ cá nhân rất tốt với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Mới nhất, trên trang Twitter ngày 24/02, Tổng thống Donald Trump cho rằng, Chủ tịch Kim Jong-un nhận thức rõ hơn ai hết là nếu không có vũ khí hạt nhân, Triều Tiên có thể nhanh chóng trở thành một trong những cường quốc. Tổng thống Donald Trump đồng thời cho rằng nhờ vị trí, con người và cá nhân Chủ tịch Kim Jong-un, Triều Tiên có nhiều tiềm năng để phát triển nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ngay trước khi lên đường sang Việt Nam dự thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, Tổng thống Donald Trump cho biết ông lạc quan và có linh cảm đặc biệt về Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Ông Trump hy vọng có một cuộc gặp rất ý nghĩa với Chủ tịch Kim Jong-un và mong sẽ có được một kết quả tích cực.
Trước đó, ngày 19/2, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh là ông muốn Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân, song ông không vội vã cũng không có khung thời gian cấp bách đặt ra cho Bình Nhưỡng. Đây được xem là cách tiếp cận mềm mỏng hơn của ông Donald Trump về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, sẽ phần nào tạo bầu không khí thuận lợi cho cuộc gặp lần này với Chủ tịch Kim Jong-un, và đó là lý do để các chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên tại Mỹ đưa ra nhận định lạc quan về hội nghị lần này.
Trên trang Twitter cá nhân ngày 25/2, ông Harry Kazianis, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Triều Tiên thuộc Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ dự báo về bốn kết quả nổi bật tại hội nghị lần này, bao gồm: hai bên sẽ đưa ra Tuyên bố Hòa bình; mở Văn phòng liên lạc tại mỗi nước; Triều Tiên tiến hành giải giáp cơ sở hạt nhân Yongbyon để đổi lấy việc Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt; và hai bên sẽ hợp tác sâu hơn, cùng nhau khai quật thi hài các binh sỹ tử trận trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Đây có lẽ là kết quả khả dĩ nhất và cũng thực tế nhất, bởi vì để tiến tới tuyên bố kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên mà xa hơn nữa là ký kết hiệp ước hòa bình và phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên không chỉ đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm hơn nữa từ Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, mà còn cả từ các bên có liên quan nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc./.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.