Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) từ lâu được biết đến với nghề làm tăm hương truyền thống có lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm.
Về xã Quảng Phú Cầu, không ai không choáng ngợp bởi những sắc đỏ tươi rực rỡ của ngàn “đóa hoa” hương trải khắp đường làng, ngõ xóm.
Mở rộng thị trường
Được biết, trước đây nghề làm hương truyền thống tại xã Quảng Phú Cầu chủ yếu phát triển ở thôn Phú Thượng với quy mô nhỏ lẻ tại các hộ gia đình. Tuy nhiên, vài chục năm trở lại đây, khi mà thương hiệu tăm hương Quảng Phú Cầu phát triển, được nhiều người biết đến thì nghề này được mở rộng ra nhiều thôn khác của xã như Đạo Tú, Cầu Bầu, Quảng Nguyên,… Qua đó, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn và các vùng lân cận.
Ông Nguyễn Lương Hậu, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, chia sẻ, nghề làm tăm hương đang đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế của địa phương nói chung và giúp nâng cao đời sống người dân nói riêng. Những năm gần đây, các sản phẩm hương đen hay chân nhang của vùng được xuất sang các nước như Ấn Độ, Malaysia và một số nước Đông Nam Á.
Trong năm 2021 vừa qua, đặc biệt là vào thời điểm đầu năm, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các nước lân cận ngừng nhập sản phẩm, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của bà con nơi đây.
Trước tình thế đó, UBND xã Quảng Phú Cầu đã vận động, tuyên truyền người dân vừa nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung sản xuất các mặt hàng tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Từ tháng 11/2021, làng nghề hoạt động nhộn nhịp trở lại, nhất là thời điểm cận Tết, nhu cầu sử dụng tăm hương tăng cao.
Tỉ mẩn nghề công phu
Nghề làm hương tại Quảng Phú Cầu được người dân nơi đây coi như là công việc liên quan đến vấn đề tâm linh, chính vì vậy mà các công đoạn làm hương không chỉ đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ trong từng nén hương mà còn cần có cả sự tâm huyết của người làm đặt cả vào trong đó.
Được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm tăm hương trên 20 năm, là nơi nuôi dưỡng và giáo dục, đem lại cho bản thân niềm đam mê và lòng yêu nghề ngay từ nhỏ, chị Nguyễn Thu Phương, chủ cơ sở sản xuất Từ Bi Hương tại thôn Quảng Nguyên lại tiếp nối gìn giữ và phát triển nét đẹp văn hóa, bản sắc trong nghề làm hương.
Chị luôn tâm niệm, đây là nghề truyền thống mà cha ông để lại nên phải làm sao cho mỗi sản phẩm đều phải trở nên thật thiêng liêng và đáng trân trọng. Do đó, chị luôn cố gắng chăm chút và tìm ra các nguyên liệu để làm mới sản phẩm của mình mà vẫn giữ được giá trị cốt lõi của nó.
“Làm ra được một nén hương đạt tiêu chuẩn sẽ bao gồm nhiều công đoạn như làm bột hương, chân hương và se hương. Mỗi công đoạn sẽ cần những nguyên liệu và phương pháp để làm khác nhau, sao cho với mỗi sản phẩm khi hoàn thành đều phải hoàn hảo nhất”, chị Phương chia sẻ.
Với công đoạn làm bột hương, nguyên liệu chính được sử dụng là hỗn hợp bột quế, trấu và mùn cưa, nay còn sử dụng thêm cả trám, nụ trầm, bồ kết để đem lại những mùi hương mới lạ cho sản phẩm. Khi đã chọn được nguyên liệu phù hợp, sẽ đem đi nghiền, trộn thành hỗn hợp bột mịn, sau đó đưa đi pha với nước và cho vào máy để bắt đầu quy trình làm bột hương.
Đối với chân hương, người dân Quảng Phú Cầu chủ yếu sản xuất từ cây vầu. Những thanh vầu được chuyển về từ các vùng như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…; được tập kết lại và đem đi làm khô bằng cách cho vào lò sấy hoặc phơi nắng 4 - 7 ngày. Sau khi vầu được phơi khô, sẽ đưa vào hệ thống máy chẻ tự động để làm tăm. Với những que tăm chất lượng thì sẽ đem đi để nhuộm màu làm thành chân hương và phơi khô. Còn những que kém chất lượng, sẽ được tái chế để dùng cho những công đoạn khác.
Hình ảnh những bó tăm hương được nhuộm màu đỏ rực, xòe ra xếp cạnh nhau được phơi dưới ánh nắng nhìn như những bó hoa tạo ra một khung cảnh khiến cho chúng ta không thể rời mắt mỗi khi ghé qua nơi đây.
Sở dĩ chân hương sẽ thường được chọn nhuộm thành màu đỏ thay vì bất cứ màu sắc nào khác bởi lẽ, theo quan niệm của người xưa, màu đỏ là đại diện cho vẻ đẹp rực rỡ của cuộc sống “Hạnh phúc, ấm no, may mắn và thành công”, phù hợp với không khí thiêng liêng của những ngày Tết cổ truyền hay trong các lễ hội.
Sau công đoạn phơi khô, những bó tăm hương sẽ được chuyển đến tay người thợ để đưa vào máy se thành hương. Hương sau khi se xong, thay vì sấy, tiếp tục được phơi khô tự nhiên. Làm như vậy sẽ không bị mất đi mùi đặc trưng của hương làng Quảng Phú Cầu.
Những ngày Tết, về với làng hương Quảng Phú Cầu, chúng ta không chỉ cuốn hút bởi vẻ đẹp vùng thôn quê yên bình, dân dã với hình ảnh những bó hương phơi rực đỏ trải dài khắp các con đường, được trải nghiệm các công đoạn làm ra nén hương… mà còn phải vấn vương bởi những hương thơm mộc mạc, thuần khiết của bột quế và sự hiếu khách, nhiệt tình đến từ người dân nơi đây.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.