Cùng với cả nước, Hà Tĩnh đang căng mình, nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19. Tinh thần “chống dịch như chống giặc” được chính quyền và nhân dân phát huy tối đa. Giữa bão dịch đã có nhiều câu chuyện ấm áp tình người.
14 ngày “đáng nhớ”
Chị Trần Thị L, quê xã Thạch Sơn (Thạch Hà) chia sẻ: Lúc mới từ nước ngoài về cũng không tránh khỏi tâm lý lo lắng, ái ngại khi phải vào khu cách ly nhưng sau gần một tuần ở đây, chúng tôi đều rất yên tâm. Được cung cấp đầy đủ thông tin về dịch Covid -19 và nhận được sự chăm sóc sức khỏe tận tình, chu đáo của các y, bác sĩ... Điều kiện sinh hoạt khá tốt, thức ăn hàng ngày ngon và sạch sẽ. Dù cũng muốn được trò chuyện, có những hoạt động tập thể để đỡ nhàm chán nhưng ai cũng hiểu phải hạn chế hết mức. Không chỉ bản thân tự giác mà mọi người còn nhắc nhở nhau thực hiện nghiêm các quy định an toàn để thời gian cách ly không trở nên vô ích, tôi cũng đã có thêm những người bạn mới.
“Bữa ăn của những công dân cách ly ngoài mức hỗ trợ của tỉnh còn được các mạnh thường quân góp thêm 20 ngàn đồng/ngày. Các ngành chức năng, đoàn thể còn đến giúp đỡ về hậu cần. Chúng tôi thực sự thấy ấm lòng trước những tình cảm, sự quan tâm chu đáo này của cộng đồng”, anh Trần Văn Hùng, quê ở Nghi Xuân, chia sẻ.
Cũng như 10 cán bộ khác đang phục vụ tại điểm cách ly Trường Mầm non xã Thạch Long, dù vất vả nhưng Trung úy Phạm Minh Hoàng, Phó trưởng Công an xã Thạch Long đã có những giây phút ấm áp, ý nghĩa khi được cùng mọi người đón sinh nhật đầu tiên của một công dân nhí.
Trung úy Hoàng chia sẻ: “Cậu bé cùng mẹ đi từ Thái Lan về. Trò chuyện với mẹ cháu, chúng tôi được biết cháu sắp tròn năm. Anh em đã đặt mua bánh sinh nhật mang vào khu cách ly tặng cháu. Dù “tiệc thôi nôi” có thể không được tươm tất như khi cháu ở ngoài nhưng với tấm lòng của cán bộ ở đây, mong rằng, cháu luôn mạnh khỏe và sớm được cùng mẹ trở về nhà”.
Ấm áp tình người
Những ngày này, hàng trăm chuyến xe chở lương thực, thực phẩm của chị em phụ nữ khắp mọi miền về các khu cách ly phục vụ công dân cách ly và những cán bộ tại “điểm nóng”.
Góp thêm nguồn lực phòng chống dịch Covid-19, các địa phương, ngành, tổ chức đoàn thể ở Hà Tĩnh đã kêu gọi quyên góp tiền, vật phẩm và thực hiện các hoạt động hỗ trợ chống dịch ở cơ sở.
Không có nhiều tiền mặt, nhiều cụ bà và cụ ông đã mang những sản phẩm truyền thống, “cây nhà lá vườn” đến hỗ trợ cho bếp ăn ở các khu cách ly tập trung.
“Trong lúc cả nước đang gồng sức phòng chống dịch, bao nhiêu tiền cũng không đủ; tuổi cao, sức yếu không làm được gì nhiều, chỉ với chút tiền nhỏ gọi là tinh thần để động viên con cháu cố gắng dập dịch. Đây cũng là việc cần làm thôi. Mong sao mọi người cùng chung tay ủng hộ để bệnh dịch nhanh chóng được đẩy lùi”, cụ Nguyễn Văn Thái (89 tuổi) ở thôn Bắc Tiến, xã Thạch Ngọc (Thạch Hà) chia sẻ.
Cũng từ giữa đại dịch, những ý tưởng hướng về cộng đồng được nảy sinh. Xuất phát từ nhu cầu rửa tay sát khuẩn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật - Bảo vệ cây trồng vật nuôi TP. Hà Tĩnh đã cho ra đời máy rửa tay tự động, hàng trăm mũ chống giọt bắn chống dịch có thể nhân rộng và sử dụng tại nhiều cơ quan công sở. Chị em phụ nữ còn tham gia nấu nướng, vận chuyển thức ăn, đồ ăn, đoàn viên thanh niên nhiều địa phương may khẩu trang tặng những người nghèo, tình nguyện đến phục vụ tại các điểm cách ly…
Tại lễ phát động “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid-19” do Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh tổ chức vừa qua, các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân ở Hà Tĩnh đã ủng hộ hơn 18 tỷ đồng. Trong đó, khối doanh nghiệp đã thể hiện vai trò chủ công với hơn 13 tỷ đồng. Nổi bật là Tập đoàn Vingrop (5 tỷ đồng), Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (5 tỷ đồng), Formosa Hà Tĩnh (1 tỷ đồng),…
Những món quà của các cụ cao niên, những cô giáo, các tổ chức đoàn thể có ý nghĩa về tinh thần vô cùng lớn; thực sự là nguồn cổ vũ, động viên những người ngày đêm gồng mình chống chọi với dịch bệnh; làm yên lòng những người dân đang trong giai đoạn thực hiện cách ly; đồng thời tạo sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội về tình cảm, trách nhiệm của người công dân trong việc chung tay khống chế và đẩy lùi đại dịch..
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.