Giữa muôn sắc cỏ cây, những bước chân náo nức tìm về với cội nguồn, cũng như bao miền quê khác trên khắp cả nước, những ngày Giêng, tháng Hai, người dân Hà Tĩnh tưng bừng với các lễ hội mùa xuân.
Lễ hội mùa xuân của Hà Tĩnh với những giá trị lịch sử, văn hoá, tôn giáo tín ngưỡng và tâm linh gắn kết cộng đồng đã thực sự tạo một khởi đầu đầy hứng khởi cho một năm lao động sản xuất mới của con người mỗi vùng quê trên mảnh đất này.
Chị Hồ Thanh Mai (TP Hà Tĩnh) cho biết: Ra Giêng, năm nào gia đình cũng tổ chức đi trẩy hội mùa xuân, ngoài các điểm du xuân khác, tôi chọn Ngã ba Đồng Lộc, dừng lại và thắp nén tâm hương trên chặng đường trở về bên Cha bên Mẹ - cầu mong mọi chuyện bình yên, vạn sự vẹn toàn trong năm mới…
Hà Tĩnh, trong quá trình hình thành và phát triển hàng nghìn năm, đã hình thành nên một nền văn hóa đặc sắc với những lễ hội độc đáo. Hiện nay, mỗi năm, Hà Tĩnh có 12 lễ hội được duy trì, tổ chức. Những lễ hội đó không chỉ thu hút người dân Hà Tĩnh mà còn thu hút du khách bốn phương về trẩy hội. Lễ hội đầu xuân không chỉ là dịp để tri ân công đức những vị thành hoàng làng, những bậc tiền nhân tổ nghề hay những vị thần linh có công phù hộ dân làng một năm bình yên mà còn để được rũ bỏ những vất vả, cực nhọc, bận rộn mà hòa mình vào những trò chơi độc đáo ngày xuân. Đồng thời qua đó thể hiện ước vọng về một năm mới an lành, mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.
Mỗi vùng miền ở Hà Tĩnh, lễ hội có những nét độc đáo và giá trị riêng. Khai lễ sớm nhất tại Hà Tĩnh là chùa Hương Tích (Thiên Lộc - Can Lộc). Chùa nằm trên non cao Ngàn Hống, được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” nên đi lễ chùa, du khách như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Trong hành trình về với cõi Phật, ai cũng như thu về trong tâm thức mình cảm giác thành kính, thiêng liêng. Hàng năm, trước, trong và sau lễ hội, hàng chục vạn lượt người không quản ngại đường đi ngái ngôi, núi cao cheo leo, đến trẩy hội, cầu may mắn, hạnh phúc trong năm mới.
Đến với Hà Tĩnh, du khách thập phương còn được thưởng lãm cảnh sắc yên bình của một ngôi đền thiêng nằm bên dòng Lam hiền hòa - Đền thờ ông Hoàng Mười ở Nghi Xuân. Sự linh thiêng và khung cảnh thơ mộng của đền đã giúp người đi lễ thu nhận được sự an định và niềm tin vững chắc trong tâm hồn. Hoặc khi xuôi về phía Nam, đến vùng biển Kỳ Ninh để nghe trong muôn trùng sóng bể huyền tích về Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu. Để tham dự Lễ hội dâng bánh chưng thờ ngày Tết hoặc Lễ tế giỗ mẫu và trở về với những suy nghĩ, cảm xúc thiêng liêng, với ý thức trách nhiệm của mình với cuộc sống, với đất nước…
Ngoài những lễ hội ở các ngôi đền, chùa nổi tiếng đó, đến với các vùng quê của Hà Tĩnh, du khách còn được tham dự và chứng kiến nhiều lễ hội đậm chất văn hóa vùng miền như Cầu ngư, Đua thuyền, Chèo cạn ở các vùng biển; đua thuyền sông La, Trung Lương; Hội chơi cờ người, cờ thẻ, đấu vật truyền thống… Nhiều nghi lễ tỏ bày lòng biết ơn của hậu thế đối với tiền nhân như Lễ tế Đô Đài ngự sử Bùi Cầm Hổ, Lế tế thành làng rèn Trung Lương (TX Hồng Lĩnh); Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Hương Sơn); Lễ hội đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi (Lộc Hà)… Xen kẽ các lễ hội đó là những tiết mục văn nghệ dân gian như Ca trù, chèo Kiều, sắc bùa..., và những trò chơi truyền thống như thả diều, cờ thẻ, kéo co, đấu vật…
Nhiều năm nay, các thế hệ công dân Hà Tĩnh đang cùng tạo nên những lễ nghi thiêng liêng mới. Đó là lễ dâng hương, cầu siêu tại các di tích lịch sử như Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, khu tưởng niệm Tổng bí thư Trần Phú, Tổng bí thư Hà Huy Tập, cầu mong sự siêu thoát cho những người con lỗi lạc của quê hương. Những nghĩa cử ấy đã trở thành một tục lệ, để hàng năm vào giờ khắc ấy ở mỗi khu di tích, mỗi khu mộ… đều ấm áp khói hương, ấm áp tình nghĩa đồng bào sâu nặng.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.