Những kẻ gây thất thoát, lãng phí phần vốn đầu tư của Nhà nước phải chịu trách nhiệm pháp lý mới đảm bảo được tính công bằng, nghiêm minh của luật pháp.
Sau hàng chục lần đường ống nước sông Đà bị vỡ gây bức xúc trong dư luận, cuối cùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình, nguyên là lãnh đạo Vinaconex – đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc thi công đường ống nước sông Đà đã phải vướng vòng lao lý. Ngoài ông Bình, cơ quan điều tra còn có quyết định khởi tố ông Nguyễn Văn Tuân - nguyên Tổng giám đốc Vinaconex và 5 bị can khác cùng với tội danh vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Công trình đường ống nước sông Đà chỉ là một trong hàng nghìn công trình xây dựng lãng phí, thất thoát, gây bức xúc dư luận. |
Một con số được Bộ Xây dựng đưa ra là tổng đầu tư xây dựng bằng vốn nhà nước mỗi năm chiếm khoảng 40% tổng đầu tư xã hội. Như vậy, chỉ cần thất thoát một phần trăm thì con số đã vô cùng lớn. Trong khi đó, ai cũng phải thừa nhận, thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước hiện nay rất nghiêm trọng, mà chúng ta lại chưa có giải pháp nào hiệu quả để kiềm chế thực trạng này. Chúng ta cũng chưa có thống kê chính xác về những thất thoát trong xây dựng công trình, đầu tư phát triển…
Đường ống nước sông Đà chỉ là một trong số hàng nghìn công trình có vốn đầu tư khủng nhưng chất lượng lại chẳng ra sao. Sở dĩ, công trình này gây bức xúc vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm nghìn hộ dân. Thực tế, còn rất nhiều công trình không phải là “thiết yếu” được đầu tư tiền tỷ nhưng vẫn nằm phơi nắng, phơi sương, không thể sử dụng được, nằm chềnh ềnh chỉ thấy “chướng tai gai mắt” và đồng nghĩa với nó là chẳng có ai chịu trách nhiệm, cũng không ai bị xử lý. Đó cũng chính là lý do vì sao đã có nhiều cảnh báo, nhiều cơ quan “tuýt còi” nhưng các dự án, công trình vẫn tiếp tục được “đệ trình”; những khoản đầu tư “trên giời” gây thất thoát, lãng phí như ở Vinashin, Vinalines, PVC...
Thời gian qua, hàng loạt lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước bị khởi tố. Hậu quả kinh tế họ gây ra đối với đất nước vô cùng lớn. Dư luận đặt câu hỏi, liệu số tiền thất thoát ấy, những vị lãnh đạo DNNN bỏ túi hưởng một mình hay còn chia chác cho ai nữa? Vì đâu, tiền tỷ, nghìn tỷ của đất nước lại dễ dàng lọt qua những vòng kiểm duyệt tài chính vô cùng gắt gao như vậy? Liệu ở đây có sự bắt tay, thông đồng của cả một hệ thống?
Thực tế cho thấy, chính cơ chế, chính sách đã tạo ra một cơ chế xin cho, chạy chọt dự án nên nếu ai đó muốn có công trình thì phải lo lót, biếu xén. Tiền lo lót ấy lấy từ đâu ra? Xin thưa, được hạch toán hết vào chi phí xây dựng công trình. Chính vì thế, công trình dự toán hàng nghìn tỷ nhưng do bị ăn bớt nên chất lượng mới thấp, vừa nghiệm thu đã hỏng, đã sập.
Nói đến “ăn bớt” người ta có thể hình dung ra mấy ông thợ đang thi công trên công trường kia hạ mác xi măng, đổi lõi thép… nhưng đó chỉ là một loại “ăn bớt vặt”. Những người quản lý, xây dựng dự án, dự toán công trình chỉ cần xê dịch trên sổ sách một vài con số 0 thì số tiền đã trở nên không thể tưởng tượng nổi!? Nếu chúng ta làm chặt chẽ việc thẩm định dự toán thì chắc chắn sẽ không có những công trình đội vốn, chậm tiến độ. Cùng với đó, nếu như công tác thanh tra, kiểm tra các công trình được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc thì sẽ hạn chế được thất thoát, lãng phí rất lớn.
Thực thi công lý là việc cần làm. Không có lý gì khi chúng ta xây dựng luật pháp để điều chỉnh những hành vi nhỏ nhất của từng người dân trong xã hội mà khi xảy ra những lỗi “tày trời” ở những người được giao quyền sử dụng phần vốn từ đóng góp của toàn dân gây thiệt hại lớn cho kinh tế quốc gia mà lại được bỏ qua một cách dễ dàng./.
Theo Vũ Hạnh/VOV
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.