Hạn hán, xâm nhập mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Trong lúc này, ngoài nhiệm vụ trước mắt là tìm nguồn nước ngọt cung cấp cho dân thì việc tìm ra giải pháp canh tác mới ứng phó với biến đổi khí hậu cũng cần được tính đến. Trên thực tế, đã có nhiều nông dân áp dụng hiệu quả tiến bộ kỹ thuật nên vẫn thu lợi nhuận khá trong điều kiện canh tác bất lợi.
Tưới nước tiết kiệm
Theo ông Huỳnh Vũ Kiên, ở ấp 4, xã Vị Tân (TP.Vị Thanh - Hậu Giang), cùng với sự ra đời của các giống lúa ngắn ngày thì diện tích lúa 3 vụ ngày càng tăng nhanh. Việc sử dụng đất không hợp lý, đất bị ngập nước kéo dài, dẫn đến giảm sự phân hủy chất hữu cơ, giảm khả năng cung cấp dưỡng chất từ đất, giảm hoạt động của vi sinh vật có lợi... nên đất bị bạc màu, thoái hóa. Chế độ dinh dưỡng trong đất bị mất cân đối, đất nghèo dinh dưỡng khiến năng suất lúa thấp, chi phí sản xuất tăng.
Canh tác lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng” là một trong những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật của cán bộ kỹ thuật và áp dụng qua nhiều vụ lúa, ông Kiên đã tìm ra quy trình canh tác lúa theo IPM với nhiều phương pháp đồng bộ từ quản lý đất, nước, sâu bệnh hại đến sử dụng giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, tiết kiệm, đặc biệt là phương pháp tưới nước ngập khô xen kẽ vừa giúp tiết kiệm nước, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất.
Để áp dụng quy trình này, ông Kiên cho biết, phải làm đất thật kỹ, bằng phẳng, sạch cỏ dại, đặc biệt là hệ thống bờ mẫu, tưới tiêu nước phải đảm bảo chất lượng. Chủ động được nước ra vào và bờ giữ được nước thì việc áp dụng kỹ thuật tưới ướt, khô xen kẽ mới có thể mang lại hiệu quả.
Cụ thể, giai đoạn làm đất: Chỉ bơm nước vào vừa ngập đều mặt ruộng đủ để cày, trục và làm phẳng mặt ruộng. Sau đó giữ nước này lại cho đến khi gieo sạ.
Từ khi sạ 5 ngày đến đẻ nhánh: Giữ nước trên ruộng ở mức khoảng từ 1- 3cm theo sự phát triển chiều cao của cây lúa và bón phân đợt 1. Sau đó, để khô tự nhiên 2 - 3 ngày thì tiếp tục bơm nước vào 2 - 3cm và bón phân đợt 2.
Giai đoạn kết thúc đẻ nhánh: Để đất khô tự nhiên 7-10 ngày đến khi nứt chân chim nhằm hạn chế số chồi vô hiệu, giảm bớt ngộ độc hữu cơ giúp rễ lúa ăn sâu hơn, sau đó bơm nước vào khoảng 2 - 3 cm và bón phân đợt 3.
Giai đoạn làm đòng đến chín: Đây là giai đoạn quan trọng cần đáp ứng đủ nước cho cây lúa, ruộng lúa phải thường xuyên đủ ẩm. Ruộng vừa cạn nước thì cần bơm cung cấp thêm để duy trì độ ẩm. Giữ mực nước trên mặt ruộng khoảng 1-3cm cho đến khi hạt lúa vào chắc. Trước thu hoạch 10-15 ngày, tháo cạn nước để mặt ruộng được khô ráo, nâng cao phẩm chất gạo và thuận lợi cho việc sử dụng máy móc khi thu hoạch.
Ông Kiên cho biết, thực hiện quy trình tưới nước tiết kiệm đã giúp gia đình ông giảm được đáng kể chi phí sản xuất do không phải bơm nước liên tục như trước kia (tiết kiệm được hơn 25.000 đồng/vụ/1.000m2). Bên cạnh đó, lúa vẫn đảm bảo năng suất, cứng cây hơn, ít bị sâu bệnh tấn công, phân bón được hiệu quả, tránh thất thoát. “Đây là phương pháp hoàn toàn khả thi để nhân rộng, tuy nhiên muốn áp dụng bà con phải làm đất kỹ, thật bằng phẳng và hệ thống bờ phải giữ được nước. Ngoài ra, cần thực hiện việc trồng thêm nhiều cây xanh, trồng cây gây rừng để giảm đi ánh nắng trực tiếp và giảm lượng bốc hơi”, ông Kiên nói.
Từ 3 vụ lúa sang 2 lúa+1 thủy sản
Đó là mô hình do ông Trần Vũ Phương, nông dân ấp 7, xã Vị Thắng (Vị Thủy - Hậu Giang) áp dụng. Trước đây, gia đình ông chỉ làm 3 vụ lúa, nhưng trước diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu, ông đã chuyển sang làm 2 lúa và 1 thủy sản với mô hình nuôi cá trên ruộng lúa mùa nước nổi, diện tích 50 công (50.000m2).
Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản mang lại nhiều lợi ích.
Với diện tích trên, gia đình ông Phương thả 40kg cá giống các loại, gồm: Mè hoa, cá chép, mè Vinh, rô phi. Sau 5 tháng nuôi và chăm sóc, cá đạt trọng lượng 350 - 500g/con, sản lượng thu hoạch khoảng 1.300kg với giá bán cá thịt bình quân 15.000đồng/kg. Ngoài ra, ông còn thu được các loại cá đồng như: lóc, trê, rô đồng với giá bán 50.000 đồng/kg. Trừ chi phí, ông còn lời trên 25 triệu đồng.
Ông Phương chia sẻ: Mô hình nuôi cá trên ruộng lúa mang lại nhiều lợi ích. Cá sử dụng ăn thức ăn có sẵn trong đồng ruộng như: gốc rạ, lúa chét, mùn bã hữu cơ, côn trùng, giun, ốc.. nên rất mau lớn. Không những thế còn góp phần tăng độ phì nhiêu của đất do thức ăn dư, phân của cá thải ra môi trường, giảm chi phí bón phân cho vụ đông xuân; làm cho đất tơi xốp, giúp rễ lúa phát triển mạnh, hạn chế đổ ngã trước khi thu hoạch, tăng năng suất lúa. Chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc nên lợi nhuận từ mô hình chuyển đổi 3 vụ lúa sang 2 lúa + 1 thủy sản cao hơn canh tác lúa đơn thuần.
“Nuôi cá trên ruộng lúa là mô hình gần gũi với nông dân, chi phí đầu tư thấp, dễ thực hiện nhưng để nuôi có hiệu quả thì bờ bao ruộng cần phải chắc chắn, có lưới bao xung quanh, thường xuyên kiểm tra bờ, lưới xem có chuột cắn phá để tránh thất thoát cá”, ông Phương nói.
Thực hiện “3 giảm, 3 tăng”
Để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, giảm tác hại của biến đổi khí hậu, ông Phạm Văn Tuấn, nông dân ấp 7A2, xã Vị Thanh (Vị Thủy) lại áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng”. Ông Tuấn cho biết, thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật do ngành nông nghiệp tổ chức, ông được hướng dẫn cụ thể về đặc tính sinh trưởng của cây lúa, cách chọn lúa giống, cách chuẩn bị đất, sạ hàng, sạ thưa, kỹ thuật bón phân cân đối theo bảng so màu lá lúa để tránh thừa phân đạm; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp “4 đúng”, phương pháp bảo vệ thiên địch, bảo vệ môi trường, kết hợp với áp dụng công nghệ sinh thái như “ruộng lúa bờ hoa”, kỹ thuật nuôi cấy nấm xanh để phòng trừ rầy nâu và sâu cuốn lá. “Sau khi học xong, tôi mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới vào thực tiễn sản xuất, giảm lượng giống gieo sạ từ 200kg/ha xuống còn 120kg/ha, kết hợp với sạ hàng mà vẫn đảm bảo tốt số chồi hữu hiệu/m2, từ đó giảm được 20% lượng phân bón so với sạ dầy trước đây, giúp thân lúa to và phát triển tốt, ít sâu bệnh, giảm được 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật trong một vụ lúa. Năng suất cao hơn 200kg/ha, chi phí giảm 1,1 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn là chúng tôi bảo vệ được sức khỏe của chính mình, bảo vệ môi trường nhờ giảm phun thuốc bảo vệ thực vật và đảm bảo chất lượng hạt lúa khi làm ra để đáp ứng theo nhu cầu thị trường”, ông Tuấn nói.
Từ hiệu quả của mô hình, ông Tuấn kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ máy phun thuốc, dụng cụ sạ hàng, máy sạ hàng cho nông dân trồng lúa có điều kiện thực hiện nâng cao cơ giới hóa trong sản xuất lúa. Xây dựng mô hình trình diễn sau lớp học để nông dân thấy được hiệu quả và ý nghĩa của việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào trong sản xuất.
Áp dụng kỹ thuật tưới bán tự động cho vườn cây ăn trái
Để tiết kiệm nguồn nước, ông Nguyễn Văn Hai ở ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu (Châu Thành - Hậu Giang) áp dụng kỹ thuật tưới bán tự động cho vườn cây ăn trái 1,3ha chuyên canh xoài, bưởi.
Ông Hai cho biết, trước năm 2014, gia đình ông sử dụng hệ thống tưới bằng máy xăng, tưới thủ công, nên mất lượng nước rất lớn trên mặt bờ nhưng nước chưa kịp thấm vào đất thì đã tràn xuống mương, gây ra hiện tượng xói mòn, tốn nhân công, xăng… Tháng 6/2015, được cán bộ khuyến nông tư vấn, ông lắp đặt hệ thống tưới bán tự động trên 1,3ha vườn, sử dụng mô tơ điện kết nối ống nhựa sử dụng péc phun tự động. Qua 6 tháng tưới, kết quả cho thấy, cây phát triển nhanh, mau ra đọt non, xanh cây, mượt lá, khi đào xuống lớp đất thấy đất có màu đen, tơi xớp, độ ẩm rất cao so với trước kia tưới bằng thủ công. Chi phí lắp đặt cho 1,3ha vườn là 34 triệu đồng, dự toán trong 2 năm sẽ thu hồi lại vốn đầu tư lắp đặt, bởi chi phí tưới bán tự động rất thấp.
Theo ông Hai, mô hình này thích ứng cao với điều kiện khí hậu bất lợi như hiện nay là hạn hán kéo dài và tình hình xâm nhập mặn; hạn chế lượng nước tưới nhưng vẫn thấm sâu vào trong đất, đảm bảo đủ nước cho cây hấp thụ.
Khánh Nguyên
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.