Mỗi dân tộc đều có sự khác biệt về trang phục, tập quán văn hoá, phương thức canh tác… nhưng đậm bản sắc, khiến Sapa (Lào Cai) trở nên đa dạng và bí ẩn.
Em chợ tình đong đưa
núi nhấp nhô tiếng khèn
rừng núi cháy lên ánh đèn đa tình
Nơi trần đẹp hơn tiên
người sống để yêu người
ngập ngừng cổ tay vòng bạc
bùa mê buộc tôi Sapa
đời tôi lạc vào Sapa.
Những lời ca như càng mê hoặc khi du khách thả hồn ngắm không gian tràn ngập sắc màu của những cô gái dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó… Mỗi dân tộc đều có sự khác biệt về trang phục, tập quán văn hoá, phương thức canh tác… nhưng đậm bản sắc, khiến Sapa (Lào Cai) trở nên đa dạng và bí ẩn.
Độc đáo lễ hội
Phố xá Sapa trước nhỏ lắm, chỉ quanh quẩn mấy con dốc, khách đi dạo chủ yếu là ngắm đồng bào họp chợ, gặp gỡ, hò hẹn, trao đổi hàng hoá… Bản làng ở rất xa, nên lễ hội chủ yếu và thường xuyên nhất là chợ tình. Người dân bản địa kể rằng, cứ vào mỗi chiều thứ 7, trai gái người Dao từ các bản làng kéo nhau về thị trấn. Khu nhà thờ đá cổ và phố Cầu Mây rực rỡ với khăn đỏ, váy áo thêu sặc sỡ của những cô gái, chàng trai khấp khởi, hồi hộp tìm nhau. Về sau, người Mông, người Dao… tại các bản làng lân cận đều tìm đến, chợ tình Sapa là nơi để đồng bào sinh hoạt văn hóa, mua bán, trao đổi sản vật, cũng như thắt chặt mối quan hệ anh em.
Du khách cũng đến Sapa dịp cuối tuần đông hơn ngày thường, không chỉ để tận hưởng khí hậu trong lành, mát mẻ, thả hồn vào không gian hùng vỹ của thiên nhiên, những thửa ruộng bậc thang vàng óng màu lúa chín, những sườn đổi phủ trắng sương mây mà còn xao xuyến với tiếng khèn, điệu múa rập rờn váy con gái Mông.
Thị trấn Sapa nay đã trở thành thị xã hiện đại với diện mạo mới, được bạn bè quốc tế biết đến, mỗi năm đón vài triệu lượt khách. Và bên cạnh cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ tươi đẹp, lễ hội ở Sapa vẫn luôn là điều cuốn hút đối với du khách. Chị Trần Thu Hằng (Hà Nội), luôn chọn đến Sapa vào tháng Giêng, cho biết: “Tôi thường tự thưởng cho mình một chuyến đi sau một năm làm việc hết mình, và tôi mê đến thuộc lòng những lễ hội mà năm nào bà con các dân tộc cũng tổ chức như: Lễ hội xuống đồng của người Tày, người Dao vào sáng mùng 8 Tết âm lịch; Lễ hội Roóng Poọc - Lễ hội truyền thống của người Giáy diễn ra vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch hằng năm. Lễ hội Nào Sồng của người Mông tổ chức vào ngày Thìn tháng Giêng… Tôi thường xếp lịch đi Sapa vào những dịp này để được đắm mình vào không khí lễ hội của đồng bào, thấy mình cũng phấn khởi, say sưa theo từng nghi lễ. Khám phá văn hoá của bà con cũng là điều mà tôi thấy cuốn hút khi đặt chân đến nơi này”.
Tết nhảy là lễ hội Sapa quan trọng và được chuẩn bị khá công phu của người Dao ở Tả Van.
Lễ hội của các dân tộc diễn ra quanh năm, sau dịp Tết Nguyên đán, đầu mùa trồng trọt, hay lúc thu hoạch mùa màng, ngay khi các cánh đồng chuyển màu lúa mới… Những năm gần đây, Sapa tổ chức thêm nhiều dịp lễ hội như những lời mời gọi du khách đến với Sapa 4 mùa. Ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sapa, cho biết: “Năm nay, như thường niên, Sapa sẽ có lễ hội mùa hè với chủ đề: “Sắc màu Sa Pa”, lễ hội mùa Thu với chủ đề: “Sa Pa - Tinh hoa hội tụ” và Lễ hội mùa Đông: “Sa Pa – Thiên đường tuyết rơi”. Đặc biệt, Lễ hội mùa tình yêu, bắt đầu từ tháng 5, với hàng loạt các hoạt động như “Phiên chợ tình yêu”, Chương trình gameshow “Tìm nhau trong sương mây”, chương trình “Cầu hôn vườn địa đàng”, Ga la “Đại tiệc hạnh phúc”, giúp du khách đến với Sapa vào bất cứ thời điểm nào của năm đều được trải nghiệm, đắm mình vào không gian đặc sắc của lễ hội. Hiện, Lễ hội đền Mẫu Thượng, được khai mạc vào ngày 10/4, với chương trình Nghệ thuật “Sa Pa – Miền hội tụ”, các nơi trưng bày giới thiệu các không gian trình diễn tín ngường thờ Mẫu của Việt Nam, hệ thống đền Mẫu và tín ngưỡng thờ Mẫu tại Lào Cai và Sa Pa; giới thiệu các trang phục và hiện vật phục vụ tín ngưỡng thờ Mẫu các vùng miền Việt Nam... đang là những chuỗi sự kiện mở đầu cho các lễ hội kéo dài đến hết năm”.
Nhiều ưu đãi, khách tấp nập về trảy hội
Mới giữa tháng Tư, nhưng nhiều chủ khách sạn cho biết, lượng khách đặt phòng khách sạn cho dịp nghỉ lễ 30/4 đã gần kín. Nằm ven hồ Mắt ngọc giữa trung tâm thị xã, Q Sapa Hotel quy mô 27 phòng trước đây chủ yếu đón khách nước ngoài, nhiều nhất là khách Nhật Bản, Singapore…, giá phòng giao động từ 800.000 đến 1.200.000 đồng/phòng. Nay, khách sạn đã giảm giá chỉ còn 600.000 - 900.000 đồng/phòng. Ngoài ra, khách sạn còn cung cấp các dịch vụ đưa đón khách miễn phí từ bến xe về khách sạn, sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ đặt vé tàu xe, cáp treo, tư vấn chỗ ăn uống “ngon, bổ, rẻ”, các địa điểm chơi hấp dẫn theo nhu cầu và sở thích của khách hàng.
Khu vực trước nhà thờ Đá, quảng trường Sapa là nơi có đông du khách ghé thăm dịp cuối tuần.
Ông Trần Quang Thắng, Chủ Khách sạn 3 sao Q Sapa, cho biết: “Từ đầu tháng 2/2020 đến tháng 5/2020, Sapa gần như không có khách du lịch. Tuy nhiên để hỗ trợ nhân viên và duy trì hoạt động của khách sạn, trong suốt thời gian này, chúng tôi đã tập trung sửa sang lại cảnh quan, tu sửa, trang trí lại nội thất luôn mới, đẹp, chỉnh trang tuyến phố, vệ sinh môi trường… để đón khách. Tiêu chí hoạt động của khách sạn chúng tôi là tập trung vào chất lượng dịch vụ để khách có được khoảng thời gian nghỉ ngơi tốt nhất, hài lòng với chất lượng dịch vụ nhất. Cho dù với mức giá hiện tại, chúng tôi chỉ đủ chi phí để duy trì các hoạt động và lương cho nhân viên mà hoàn toàn không thu được lợi nhuận gì. Đến nay, lượng khách đặt phòng vào dịp lễ 30/4 đã kín 80% số phòng”.
Bình dân hơn nhưng có chất lượng dịch vụ tốt được nhiều khách hàng yêu thích như khách sạn Memory với hai cơ sở tại đường Lê Văn Tám và Mường Hoa, quy mô gần 30 phòng, giá từ 500.000 đến 1.000.000 đồng/phòng, nay giảm còn 400.000 - 600.000 đồng/phòng, khách cũng đã đặt trước đến 60% số phòng cho dịp lễ 30/4.
Ông Phạm Cao Vỹ, Chủ tịch Hiệp Hội du lịch Sapa, cho biết: “Để kích cầu du lịch, hầu hết nhà hàng, khách sạn thuộc nhiều phân khúc từ 5 sao trở xuống đã đồng loạt giảm giá ít nhất từ 30-50% không chỉ trong dịp lễ 30/4 mà kéo dài đến cuối năm 2021”.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.