Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 24 tháng 6 năm 2018 | 22:3

Vĩnh biệt Giáo sư Phan Huy Lê

Hơn 60 năm cống hiến cho khoa học lịch sử Việt Nam, GS, NGND Phan Huy Lê đã để lại một khối lượng công trình nghiên cứu đồ sộ, đồng thời đào tạo nhiều thế hệ các nhà sử học hàng đầu Việt Nam.

Có lẽ ngành sử đã “chọn” GS Phan Huy Lê và ông cũng đã chọn lịch sử là “nghiệp” của cả đời mình. Hơn 60 năm cống hiến cho khoa học lịch sử Việt Nam, GS, NGND Phan Huy Lê đã để lại một khối lượng công trình nghiên cứu đồ sộ, đồng thời đào tạo nhiều thế hệ các nhà sử học hàng đầu Việt Nam. Ông cũng là một học giả có uy tín, được thế giới đánh giá cao.

 

Ngành sử đã “chọn” ông

Xuất thân từ gia đình có truyền thống hiếu học, thân phụ là Tiến sĩ Nho học, là hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ Phan Huy nổi tiếng khoa bảng với hai nhà sử học lớn Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, năm 18 tuổi, Phan Huy Lê ban đầu đã chọn ngành Toán - Lý để theo học, nhưng các bậc thầy hàng đầu khi đó như Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh đã hướng ông theo ngành sử. Từ đó, cái tên Phan Huy Lê gắn với ngành sử và ngành sử tự hào vì có ông.

Chỉ hai năm sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, năm 1958, ông đã được giao trách nhiệm là Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ - Trung đại ở Khoa Lịch sử trường Đại học tổng hợp. Năm 1959, ông đã xuất bản những công trình nghiên cứu đầu tiên của mình: “Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ”, “Đặc điểm của phong trào nông dân Tây Sơn”, “Lao động và làm thuê trong xã hội phong kiến Việt Nam”. Đất nước có chiến tranh, GS Phan Huy Lê nghiên cứu sâu về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và những thắng lợi quyết định trong lịch sử dân tộc với nhiều công trình nổi bật như: “Khởi nghĩa Lam Sơn” (1965); “Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam” (1973), “Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc” (1976), “Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 1288” (1988)... Đất nước trở lại hòa bình, các lĩnh vực nghiên cứu của GS Phan Huy Lê mở rộng, liên thông lịch sử - văn hóa với các công trình tiêu biểu như: “Truyền thống và cách mạng” (1982), “Vấn đề dân chủ trong truyền thống Việt Nam” (1988), “Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay” (3 tập, 1994, 1996, 1997), “Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống và hiện đại” (2002)… Công trình “Lịch sử và Văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận” của ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học năm 2016. Làm việc cần mẫn không ngừng nghỉ, các công trình nghiên cứu của GS Phan Huy Lê đều đặn nối nhau ra đời như những bước chân không mỏi của ông trên con đường nghiên cứu khoa học xa tắp và nhiều khó khăn phải vượt qua. GS Phan Huy Lê được coi là một trong "Tứ trụ sử học Việt Nam" gồm các GS Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng.

Cho đến những phút giây cuối cùng của cuộc đời, là Tổng chủ biên, ông vẫn trăn trở về bộ Quốc sử còn chưa hoàn thành.

“Lịch sử rộng lớn và còn rất nhiều việc phải làm”

Ông vẫn thường nói như vậy với học trò và đồng nghiệp. GS Phan Huy Lê là người đi tiên phong trong việc bảo vệ và giữ gìn các giá trị lịch sử như những bảo vật của cha ông truyền lại cho đời sau. Nhiều di tích, di sản được bảo vệ và tôn vinh mang đậm dấu ấn các ý kiến có tính định hướng của GS Phan Huy Lê - khu Di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là thí dụ nổi bật. Đại diện cho Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, ông đấu tranh kiên quyết để lịch sử phải được coi là một khoa học trước những toan tính “nhập”, “ghép” khiên cưỡng và phi khoa học.

GS Phan Huy Lê vẫn thường nói với học trò và đồng nghiệp: “Lịch sử rộng lớn và còn rất nhiều việc phải làm”.

Trong tiến trình đổi mới các hoạt động nghiên cứu và biên soạn lịch sử, GS Phan Huy Lê nhấn mạnh những điều mà giới sử học cần thống nhất và thực hiện để lịch sử được nhìn một cách hiện đại, có hệ thống và tiệm cận hơn với hiện thực: quan điểm toàn thể - tất cả những gì đã diễn ra trong cương vực quốc gia Việt Nam hôm nay đều là một phần cấu thành lịch sử Việt Nam; quan điểm toàn diện và đầy đủ - lịch sử không chỉ là những cuộc chiến đấu mà bao gồm tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội: kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, lịch sử tộc người, lịch sử bang giao…; lịch sử vẫn còn nhiều “khoảng trống” cần “lấp đầy” bằng các nghiên cứu đa dạng, hiện đại và có hệ thống: lịch sử của 53 dân tộc bên cạnh dân tộc Kinh trên mảnh đất Việt Nam, lịch sử các dòng họ, lịch sử địa phương, lịch sử miền nam trong thời kỳ đất nước bị chia cắt…

Là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhiều năm (từ năm 1988 đến năm 2016), GS Phan Huy Lê mang lại sự đoàn kết, tạo động lực phát triển và nhiều bước tiến mới của giới sử học. Ở trong nước, ông được vinh danh với nhiều huân chương và giải thưởng cho các công trình nghiên cứu. Ở ngoài nước, ông được giới học thuật thế giới đánh giá cao. Ông có mối liên hệ thân thiết với nhiều nhà nghiên cứu có uy tín của Pháp, Nga, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Hà Lan, Trung Quốc, Đan Mạch. Họ đã viết về ông với nhiều sự kính trọng.

Lao động khoa học cần mẫn và nghiêm cẩn, hết lòng vì học trò, vì đồng nghiệp, tài năng và nhân cách của GS Phan Huy Lê đã làm ông trở thành thần tượng của nhiều thế hệ sinh viên, là tấm gương cho các thế hệ học trò và đồng nghiệp, trong nước và quốc tế. Ông là một nhà sử học lớn xứng đáng được tôn vinh.

 

Ý kiến bạn đọc
Top